Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI CÁN BỘ NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Cán bộ, công chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát, đó là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy ấy của Bác là phương châm, mục đích của mỗi cán bộ trong ngành Kiểm sát cần thiết phải ra sức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với lời dạy của Bác.

Như chúng ta đã biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện phẩm chất, đạo đức, trong đó vấn đề đạo đức cách mạng phải đặt lên hàng đầu. Bác luôn làm gương cho cán bộ, đảng viên và yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa phẩm chất và năng lực, giữa “đức” và “tài” Bác lấy “đức” làm gốc. Bác Hồ có những lời dạy về đạo đức cách mạng thật giản dị, nhưng thật sâu sắc.

LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI CÁN BỘ NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Đối với cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, ngoài những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, Đảng viên thì phải “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đến nay, mười chữ vàng ấy luôn được xem là nội dung rất quan trọng, vẫn còn nguyên giá trị và là tiêu chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện cho các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Chuẩn mực đầu tiên Bác dạy người cán bộ Kiểm sát phải “công minh”, đó là phải luôn công bằng và sáng suốt trong công việc. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải làm đúng theo lẽ phải, không thiên vị, giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn. Không vì tiền tài, vật chất, lợi ích riêng tư mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng. Nhất quyết không được thiên vị, không vì một sự tác động nào mà nao núng dẫn đến giải quyết công việc bất công, khuất tất. Có như thế mới có thể thực hiện tốt trách nhiệm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ công lý mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Ngoài “công minh” ra, theo Bác: người cán bộ Kiểm sát còn phải “chính trực” trong công việc, đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải có bản lĩnh trong công việc, phải ngay thẳng, chân thành. Để đảm bảo sự công minh, chính trực, Bác yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải ra sức rèn luyện ý thức, tác phong và phương pháp làm việc một cách khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Tính khách quan trong quá trình giải quyết công việc phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng sự thật khách quan, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật. Tính thận trọng khi giải quyết các vụ, việc phải cân nhắc, suy tính phải thật cẩn thận, kỹ lưỡng. Thận trọng còn giúp cho người cán bộ Kiểm sát chống lại căn bệnh qua loa, đại khái, hời hợt. Song, Bác còn yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải có tính khiêm tốn. Sự khiêm tốn là đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát phải tự giác rèn cho mình ý thức và thái độ chuẩn mực trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân, nhất định không được tự mãn, tự kiêu, không tự thỏa mãn đối với những gì mà mình đã đạt được, mà tỏ ra coi thường người khác, không quan liêu, cửa quyền, hách dịch.

Năm đức tính trên chỉ gói gọn trong một câu nói tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng để thực hiện được tốt thì đòi hỏi một sự quyết tâm, nỗ lực không hề nhỏ đối với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng ngành, trong đó có Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Mục đích, yêu cầu và các tiêu chí đặt ra của Cuộc vận động này đều tập trung hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát đại diện cho sự công bằng, đại diện cho chính nghĩa, có đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, trong tình hình mới hiện nay.

Nhân kỷ niệm 130 năm, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2020) và hướng đến kỷ niệm 60 năm, ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020), đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát đã đạt được trong suốt thời gian qua, cũng là dịp để mỗi cán bộ Kiểm sát ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo lời Bác dạy./.

Quang Liêm

Liên kết website

Thông kê truy cập