Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Vài lưu ý khi kiểm sát vụ, việc dân sự thuộc trường hợp cá nhân đã ủy quyền cho người khác làm đại diện trong tố tụng dân sự chết.

Trong tố tụng dân sự, đương sự ở mỗi vụ, việc dân sự cụ thể được hiểu là cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào vụ, việc dân sự đó, bao gồm: nguyên đơn; bị đơn; người yêu cầu giải quyết việc dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án hoặc việc dân sự mà Tòa án thụ lý, giải quyết (Điều 68-Bộ luật tố tụng dân sự) (viết tắt là BLTTDS). Tùy theo nội dung yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc yêu cầu khởi kiện mà họ có thể tự mình hoặc thông qua người khác để tham gia tố tụng. Theo đó, trường hợp người khác tham gia tố tụng thay cho đương sự theo quy định của pháp luật hoặc theo sự ủy quyền của đương sự được gọi là đại diện trong tố tụng dân sự.

Theo quy định tại Điều 85-BLTTDS người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Trong đó, đại diện theo ủy quyền được hiểu là đương sự trong vụ, việc dân sự ủy quyền cho người khác để họ thay mặt mình tham gia tố tụng. Theo đó, người nhận đại diện theo ủy quyền sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng trong phạm vi người ủy quyền đã ủy quyền cho họ. Trên thực tế, nhiều trường hợp người đại diện của đương sự vì nhiều lý do khác nhau có thể không tiếp tục thực hiện được việc đại diện cho đương sự nên phải chấm dứt việc đại diện của họ trong tố tụng dân sự đối với bên ủy quyền. Lý do này có thể xuất phát từ phía người được ủy quyền, như: người đại diện chết hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền khi họ không còn đủ điều kiện được quy định tại Khoản 3-Điều 134-BLDS; ngược lại lý do chấm dứt việc đại diện theo ủy quyền cũng có thể từ phía người ủy quyền, như: người được đại diện chết hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức năng kiểm sát đối với các vụ, việc dân sự có cá nhân làm đại diện theo ủy quyền, nhận thấy còn có trường hợp việc nhận thức về nội dung này còn chưa chính xác, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng, như: Đối với trường hợp cá nhân được đại diện theo ủy quyền chết- Nhiều quan điểm cho rằng cá nhân đó đã thực hiện việc ủy quyền tham gia tố tụng cho người đại diện. Đây là ý chí hoàn toàn tự nguyện của người được đại diện khi còn sống nên trường hợp này văn bản ủy quyền giữa các bên vẫn có giá trị và đây vẫn là tài liệu hợp pháp nhằm làm cơ sở cho việc đại diện của người đã nhận ủy quyền. Vì vậy, người nhận đại diện theo ủy quyền đương nhiên tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đã ủy quyền trong phạm vi đã ủy quyền.

Theo tác giả, quan điểm này không đúng, bởi lẽ pháp luật đã quy định một trong những căn cứ làm chấm dứt đại diện theo ủy quyền là trường hợp cá nhân ủy quyền cho người khác làm đại diện cho mình bị chết. Căn cứ này được quy định tại điểm đ- Khoản 3-Điều 140-BLDS “3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây: đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết....”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng xác định thời điểm chấm dứt việc đại diện theo ủy quyền của người đại diện.

Mặt khác, quy định tại Điều 74-BLTTDS về “kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng” cũng cho thấy trường hợp sau khi người ủy quyền cho người khác làm đại diện chết, bên cạnh việc Tòa án phải xác định việc đại diện theo ủy quyền của cá nhân làm đại diện được chấm dứt theo quy định tại điểm đ- Khoản 3-Điều 140-BLDS, Tòa án phải đồng thời xác định diện những người thừa kế của người đã ủy quyền và đưa những người này tham gia tố tụng. Theo đó, những người này tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người đã ủy quyền. Cụ thể, trường hợp cá nhân đã ủy quyền là nguyên đơn thì những người thừa kế của nguyên đơn có tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn; ngược lại nếu cá nhân đã ủy quyền là bị đơn thì những người kế thừa của bị đơn có tư cách tham gia tố tụng là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn; hoặc trường hợp người đã ủy quyền là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ, việc dân sự thì những người thừa kế của họ tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ, việc đó.

Chính vì thế, việc một số Thẩm phán vẫn chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của người đại diện theo ủy quyền sau khi người đã ủy quyền tham gia tố tụng cho người đại diện chết là trái pháp luật, dẫn đến vụ án bị cấp có thẩm quyền hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại Điều 74-BLTTDS về “kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng” và vi phạm điểm đ- Khoản 3-Điều 140-BLDS về trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền.

Song, vấn đề đặt ra là những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng cụ thể nào? Họ có thể có các quyền, nghĩa vụ tố tụng tương tự như các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự mà họ kế thừa đã có trước đó hay không ?

Về nội dung này, nghiên cứu BLTTDS hiện hành, nhận thấy BLTTDS chỉ quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự mà không có quy phạm cụ thể nào trực tiếp quy định quyền, nghĩa vụ tố tụng của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng, trong khi theo quy định tại Khoản 1-Điều 68-BLTTDS đương sự trong vụ án dân sự được xác định “là cơ quan, tổ chức cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Về vấn đề này, tác giả cho rằng mặc dù pháp luật tố tụng dân sự hiện hành xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự thuộc nhóm người tham gia tố tụng và được BLTTDS quy định tại Chương VI. Theo quy định tại Khoản 1-Điều 68-BLTTDS cho thấy xét về khái niệm thì họ không là đương sự trong vụ án dân sự, bởi họ không phải là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, nghiên cứu về kết cấu của Chương VI-BLTTDS quy định về “người tham gia tố tụng” nhận thấy rằng BLTTDS vẫn xác định đối tượng là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng thuộc nhóm “đương sự trong vụ án dân sự” và được quy định tại Mục 1, chung với các đối tượng khác, bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan cho nên có thể hiểu người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng tham gia tố tụng với tư cách đương sự của vụ án đó.

Đồng thời, xuất phát từ vai trò của họ khi tham gia tố tụng là “kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng” của đương sự đã chết, dựa trên tính chất kế thừa tác giả cho rằng người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự cũng có các quyền, nghĩa vụ tố tụng mà pháp luật đã quy định cho đương sự mà họ kế thừa. Do đó, người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng cụ thể, tương ứng với tư cách của đương sự mà họ kế thừa, bao gồm nhóm các điều luật được quy định từ Điều 70 cho đến Điều 73-BLTTDS. 

Ngoài ra, nội dung quan trọng cần lưu ý nữa là: Trong trường hợp này, chúng ta cần xác định căn cứ pháp lý nào để chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự? Bởi lẽ, Điều 89-BLTTDS quy định “người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Quy định này cho thấy BLTTDS không có quy phạm cụ thể nào quy định về căn cứ chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự, mà việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự phải căn cứ quy định tại Khoản 3-Điều 140- Bộ luật dân sự (BLDS) để áp dụng. Theo đó, việc đại diện theo ủy quyền của cá nhân trong tố tụng dân sự chấm dứt khi thuộc một trong 07 trường hợp: theo thỏa thuận; thời hạn ủy quyền đã hết; công việc được ủy quyền đã hoàn thành; người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền; người được đại diện, người đại diện đã chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; người đại diện không còn đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 3-Điều 134-BLDS và trường hợp có căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được. Quy định trên cho thấy mặc dù BLDS là văn bản pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh các quan hệ dân sự nhưng trong trường hợp này BLDS cũng chính là văn bản pháp luật dân sự chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Đây là sự điều chỉnh gián tiếp nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định cụ thể cơ sở pháp lý làm căn cứ cho việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự.

   Tóm lại, mặc dù các căn cứ chấm dứt việc đại diện theo ủy quyền của cá nhân trong tố tụng dân sự tương đối rõ ràng, song việc hiểu và áp dụng  những căn cứ này cũng có lúc chưa chính xác. Thực tiễn áp dụng và thực hiện chức năng kiểm sát đối với các vụ án thuộc trường hợp có đại diện theo ủy quyền cho thấy vẫn có trường hợp vụ án dân sự thuộc trường hợp người được đại diện chết nhưng không được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật như đã nêu trên, dẫn đến vụ án bị hủy. Vì vậy, thiết nghĩ việc nắm vững các nội dung như đã phân tích ở trên phần nào giúp cho cán bộ, KSV chúng ta có thể kiểm sát chặt chẽ đối với vụ án dân sự thuộc trường hợp này, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác kiểm sát các vụ, việc dân sự nói chung./.

Ngọc Thuận

Liên kết website

Thông kê truy cập