Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Công tác trợ giúp Pháp lý trên địa bàn huyện Cam Lâm

Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC -VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Cam Lâm từ năm 2013 đến nay đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thể hiện:

- Chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư (cộng tác viên của Trung tâm) ngày càng được nâng cao; đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật, hạn chế kháng cáo và những khiếu kiện vượt cấp. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư đã góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ án và hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

             - Cho đến nay, 100% các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện đã niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt hộp tin trợ giúp pháp lý, triển khai mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình; Thông báo thời gian, địa điểm xét hỏi bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham dự; Cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa và thông báo bằng văn bản cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được cấp giấy chứng nhận biết để tham gia tố tụng; Giao đầy đủ các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia tố tụng trong các vụ án theo quy định của Thông tư liên tịch số 11/TTLT, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý.

           - Các cơ quan tiến hành tố tụng, đội ngũ cán bộ làm công tác tiến hành tố tụng tại các đơn vị này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người cần trợ giúp pháp lý và phối hợp tốt với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Khánh Hòa trong thực hiện các hoạt động phối hợp theo quy định.

           -  Nhận thức rõ về trách nhiệm của  mình các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong khi thực hiện nhiệm vụ đã chủ động hơn trong việc giải thích cho những người được trợ giúp pháp lý về quyền được trợ giúp pháp lý cũng như hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục và chuyển đơn đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để yêu cầu trợ giúp pháp lý kịp thời, đúng quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

           Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác trợ giúp pháp lý cũng như công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thời gian qua tại huyện Cam Lâm vẫn còn những bất cập, tồn tại như :

           - Tỷ lệ vụ việc được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tuy đã có xu hướng tăng dần về số lượng nhưng vẫn còn thấp so với tổng số vụ việc được thụ lý và đưa ra xét xử hàng năm ở các cơ quan tiến hành tố tụng; việc hướng dẫn về hoạt động trợ giúp pháp lý tại một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự hiệu quả do vẫn còn một số ít cán bộ làm công tác ở các cơ quan này chưa thật sự thấy hết được ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý đối với người được trợ giúp pháp lý và vai trò của công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng...

- Vẫn còn một số địa bàn (chủ yếu là các xã miền núi, xã xa chi nhánh trợ giúp pháp lý) thì công tác tuyên truyền về Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật khác còn hạn chế, chưa thật sự đến tận nhân dân. Do vậy còn không ít người dân ở các địa phương này nắm rõ Luật trợ giúp pháp lý, nên chưa có những yêu cầu đến cơ quan tiến hành tố tụng.

  - Huyện Cam Lâm chưa có Chi nhánh trợ giúp pháp lý mà công việc này do Chi nhánh trợ giúp pháp lý thành phố Cam Ranh đảm nhiệm (Chi nhánh này đảm nhiệm việc trợ giúp pháp lý cho thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm và chỉ có 2 cán bộ, không có Trợ giúp viên pháp lý, địa bàn phụ trách trải dài gần 60 km, nhiều xã miền núi, hải đảo, xa trung tâm hành chính thành phố), nên khó khăn trong việc trợ giúp pháp lý cho những người được trợ giúp pháp lý.

      - Ngoài ra đối với những vụ án có Luật sư tham gia bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý, nhưng do văn phòng ở xa nên việc tống đạt các giấy tờ có lúc chưa được kịp thời.

       Từ những kết quả, bất cập, tồn tại đối với công tác trợ giúp pháp lý trong những năm qua trên địa bàn. Chúng tôi thấy để công tác trợ giúp pháp lý ngày càng đến gần hơn đối với những người được trợ giúp pháp lý thì công tác trợ giúp pháp lý trong những năm tiếp theo cần phải:

      - Tăng cường tuyên truyền về chính sách trợ giúp pháp lý. Có thể nói không phải tất cả những đối tượng được trợ giúp pháp lý đều tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để yêu cầu khi có vấn đề pháp luật phát sinh. Nguyên nhân chính là do nhiều người vẫn chưa biết được những chính sách về trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Do vậy, thật sự không biết mình thuộc diện được nhà nước trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu. Vì vậy, để thực hiện trợ giúp pháp lý thì trước tiên phải làm cho người được trợ giúp pháp lý biết về chính sách trợ giúp pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của họ, về người và tổ chức trợ giúp pháp lý, các địa chỉ mà họ có thể tìm đến…Việc tuyên truyền này cũng không thể giao hết cho Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh trợ giúp pháp lý hay cơ quan tư pháp mà phải là trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở, nơi gần gũi với nhân dân sẽ hướng dẫn cho các đối tượng tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật. Công tác này còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra (Qua tìm hiểu tại một số địa phương cho thấy, mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn vụ, việc được trợ giúp pháp lý, nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật chiếm tới hơn 90%, số vụ, việc được trực tiếp trợ giúp pháp lý trong các hoạt động tố tụng của người dân chỉ chiếm khoảng 10%).

 - Bên cạnh đó, trong quá trình trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải giải thích cho đối tượng các quyền cơ bản của họ, trong đó có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại do hoạt động trợ giúp pháp lý gây ra và quyền lựa chọn hay yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý. Đây là những quyền đặc biệt đảm bảo cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng chứ không phải chỉ là hoạt động mang tính hình thức.

 - Xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Để có nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác trợ giúp pháp lý thì cần thu hút được đội ngũ cộng tác viên là những người có trình độ pháp luật, có tâm huyết làm trợ giúp pháp lý, nhất là lực lượng luật sư, luật gia…Điều này cũng là cách để xây dựng thương hiệu trợ giúp pháp lý trước khi hoàn thiện về mặt kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ trợ giúp viên để đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý.

 - Tăng cường công tác phối hợp trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Hoạt động phối hợp trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý hiện nay mới chỉ dừng lại ở các cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ qui định một nghĩa vụ chung chung về sự phối hợp, yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý chứ chưa quy định trách nhiệm nếu không thực hiện và chế tài nếu không thực hiện như thế nào. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phối hợp và cần có biện pháp cụ thể để đảm bảo cho sự phối hợp.

       - Huyện Cam Lâm cần phải thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý, có như vậy công tác này mới có điều kiện tiếp cận hơn nữa đối với người được trợ giúp pháp lý, họ đỡ phải đi lại tốn kém và mặt khác sẽ thực hiện được Chiến lược phát triển Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đã đề ra đến năm 2020 là: Tất cả các đơn vị cấp huyện, thị xã phải thành lập các Chi nhánh trợ giúp pháp lý (cho đến nay cả nước mới thành lập 199 Chi nhánh, chiếm 28% đơn vị hành chính cấp huyện).

      - Phổ biến sâu rộng Luật trợ giúp pháp lý đến toàn thể quần chúng nhân dân (nhất là các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xã xa Chi nhánh trợ giúp pháp lý) để mọi người dân nắm bắt được quyền lợi của mình.

      - Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên cần thường xuyên mở các lớp tập huấn, sơ kết rút kinh nghiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và Trung tâm trợ giúp pháp lý.

      - Tăng cường đầu tư về kinh phí và cơ sở vật chất cho hoạt động của các cơ quan, người trợ giúp pháp lý. Đây là một trong những điều kiện đảm bảo cho hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại hiệu quả nhất định./.

Nguyễn Thanh Hào - VKSND huyện Cam Lâm

Liên kết website

Thông kê truy cập