Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Địa vị pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân

Vấn đề địa vị pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân theo pháp luật Việt Nam vẫn còn có nhiều bất cập và chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động kinh doanh. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả chỉ phân tích căn cứ pháp lý để xác định chủ thể khi Doanh nghiệp tư nhân tham gia ký kết hợp đồng thương mại là Doanh nghiệp tư nhân hay Chủ Doanh nghiệp tư nhân.

Để xác định Doanh nghiệp tư nhân có phải là chủ thể khi tham gia ký kết hợp đồng thương mại hay không chúng ta phải xác định Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân hay không. Theo quy định tại khoản 2 điều 75 Bộ Luật Dân sự thì “ Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”.

Doanh nghiệp theo quy định tại Điều 1 Luật Doanh nghiệp 2014 được hiểu là: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp doanh và Doanh nghiệp tư nhân. Như vậy về mặt logic thì Doanh nghiệp tư nhân là một pháp nhân thương mại có tư cách pháp nhân và là chủ thể để ký kết các hợp đồng kinh doanh thương mại.

     Tuy nhiên theo điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ Luật dân sự quy định pháp nhân phải “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình” nhưng theo quy định tại khoản 1 điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiêp. Với quy định này thì Doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập với Chủ doanh nghiệp tư nhân như vậy theo logic thì Doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân. Mặt khác theo quy định tại khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp quy định Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp có liên quan đến doanh nghiệp.

Rõ ràng với những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả thì Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân hoặc nếu có thì tư cách pháp nhân của Doanh nghiệp tư nhân không đầy đủ vì thế Doanh nghiệp tư nhân không phải là chủ thể khi tham gia ký kết các hợp đồng kinh doanh thương mại mà chủ thể tham gia ký kết hợp đồng thương mại phải là Chủ Doanh nghiệp tư nhân.

Trong thực tế khi tham gia ký kết các hợp đồng thương mại nhiều Doanh nghiệp tư nhân vẫn là chủ thể tham gia ký kết hợp đồng, như vậy liệu rằng hợp đồng mà Doanh nghiệp tư nhân tham gia ký kết với tư cách là chủ thể có bị xem là vô hiệu hay không? Theo quan điểm của tác giả thì Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên hợp đồng thương mại được ký kết bởi một bên chủ thể là Doanh nghiệp tư nhân sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là vô hiệu.

Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2014 thìChủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp có liên quan đến doanh nghiệp và theo quy định tại Khoản 2 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2014 thì ngay cả khi Chủ doanh nghiệp tư nhân đã bán doanh nghiệp thì Chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp. Như vậy Luật Doanh nghiệp 2014 đã ràng buộc trách nhiệm cá nhân của Chủ Doanh nghiệp tư nhân đối với mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, nói khác đi là dù hợp đồng thương mại của Doanh nghiệp tư nhân được ký kết bởi chủ thể là Doanh nghiệp tư nhân hay Chủ doanh nghiệp tư nhân thì khi có tranh chấp xảy ra chủ Doanh nghiệp tư nhân vẫn là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và hợp đồng thương mại đã được ký kết bởi chủ thể là Doanh nghiệp tư nhân vẫn không bị xem là vô hiệu.

Hiện nay, trong lĩnh vực tín dụng Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Theo đó tại tại Khoản 5 điều 2 Thông tư quy định tổ chức tín dụng chỉ được cho Chủ doanh nghiệp tư nhân vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của Doanh nghiệp tư nhân, tổ chức tín dụng không được trực tiếp ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân. Như vậy theo thông tư này thì Doanh nghiệp tư nhân không phải là chủ thể tham gia ký kết các hợp đồng tín dụng điều này đã khẳng định Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, vì vậy Doanh nghiệp tư nhân không thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Để thống nhất cách hiểu về địa vị pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp khi tham gia ký kết các hợp đồng thương mại, đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo quan điểm của tác giả Chính phủ cần có văn bản quy định rõ về tư cách pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân.

Phan Quang Huy

Liên kết website

Thông kê truy cập