Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Một số vấn đề về quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015

Theo quy định tại Điều 175 BLHS 2015, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có04 dấu hiệu cấu thành tội phạm bao gồm:

   -    Khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu,

   -    Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS.

   -    Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

  -    Mặt khách quan của tội phạm: hành vi khách quan của tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS 2015 như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

Quy định về hành vi khách quan của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại khoản 1 Điều 175 BLHS 2015 có những tình tiết khó chứng minh, cụ thể như sau:


-  
Về tình tiết định tội:

So sánh với quy định tại Điều 140 BLHS 1999 thì Điều 175 BLHS 2015 bổ sung thêm một trường hợp chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng là: “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”. Đây là một quy định mang tính định tính, khó xác định. Tài sản có điều kiện thế nào được xác định là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại? Tài sản nào là có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại? Di vật, kỷ vật có được xem là tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại hay không?

- Về hành vi khách quan của tội phạm:

Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định 03 hành vi khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là sau khi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng:

    -   Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó;

   -   Đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, có khả năng nhưng cố tình không trả;

   -   Sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, BLHS 2015 bổ sung thêm 01 hành vi khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Ở đây đặt ra một số vấn đề trong áp dụng vào thực tiễn là “đến thời hạn trả lại tài sản” là bao lâu? Là ngay sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng vay, mượn, cho thuê tài sản hay sau một khoảng thời gian nhất định mới có thể xác định là hành vi “cố tình không trả”? Thứ hai, cụm từ “có điều kiện, có khả năng” và “cố tình không trả” là những quy định mang tính định tính, khó xác định trên thực tế. Làm sao để chứng minh yếu tố “có điều kiện”, “có khả năng”, có thể xác định bằng định giá tài sản hay nguồn thu nhập của đối tượng không? Hành vi “cố tình không trả” được xác định như thế nào? Là nói thẳng không trả hay nói dối chưa có tiền để không trả hay chây ì, dây dưa không chịu trả?

Mặt khác, hành vi “Sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” cũng là một quy định chưa cụ thể, khó áp dụng. Hiểu như thế nào là dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là một vấn đề không đơn giải, nếu theo khái niệm thông thường thì “bất hợp pháp” là không đúng pháp luật, không phân biệt đó là pháp luật gì. Nếu hiểu theo nghĩa rộng như vậy thì hầu hết các trường hợp mất khả năng thanh toán cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đều là hành vi khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trên thực tế áp dụng quy định tại Điều 140 BLHS 1999, thực tiễn xét xử những năm qua không coi việc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp theo khái niệm rộng như trên mà chỉnhững trường hợp dùng tài sản vào việc thực hiện tội phạm mới xem là bất hợp pháp với ý nghĩa là dấu hiệu cấu thành tội phạm Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là một số vấn đề vướng mắc trong quá trình nghiên cứu quy định về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 BLHS 2015 cần xem xét, thảo luận để việc áp dụng quy định pháp luật vào thực tế đạt hiệu quả cao./.

Phòng 2

Liên kết website

Thông kê truy cập