Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật thi hành án hình sự

(Kiemsat.vn) - Luật Thi hành án hình sự năm 2010 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất, tạo hành lang và điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án hình sự, nhất là đối với những công việc thuộc thẩm quyền cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, chúng tôi nhận thấy vẫn còn có một số bất cập, vướng mắc cần có hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất, việc áp dụng quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù tại Điều 24 Luật Thi hành án hình sự.

 

Tại khoản 4 Điều 24 quy định “Trong thời gian được hoãn chấp hành án mà người bị kết án có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng…” là một trong những căn cứ để đề nghị Chánh án Toà án đã ra quyết định hoãn hủy bỏ quyết định hoãn. Tuy nhiên, để kết luận thế nào là vi phạm pháp luật ở mức “nghiêm trọng” trong thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc và có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau. Do vậy, đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể trong nội dung này. Ví dụ như: Vi phạm hành chính do lỗi cố ý từ hai lần trở lên hay thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm… Thực tế có trường hợp người được hoãn trong thời gian hoãn thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và bị hại không có đơn hoặc rút đơn trước khi khởi tố, dẫn đến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc kết luận và gây bức xúc trong nhân dân.

 

Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 24 quy định:

 

“2. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội có nhiệm vụ quản lý người được hoãn chấp hành án. Người được hoãn chấp hành án không được đi khỏi nơi cư trú, nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội đang quản lý người đó.

 

3. Cơ quan, đơn vị quân đội quy định tại khoản 2 Điều này 03 tháng một lần phải báo cáo việc quản lý người được hoãn chấp hành án với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án”.

 

Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý đối tượng hoãn thi hành án phạt tù. Tuy nhiên, Điều 24 còn chưa có quy định việc giải quyết trường hợp người được hoãn chuyển nơi cư trú.

 

Theo quy định của Luật cư trú và Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an hướng dẫn Luật Cư trú thì đối tượng hoãn thi hành án phạt tù thuộc trường hợp tạm thời chưa giải quyết thay đổi nơi cư trú, trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó. Như vậy, đối tượng hoãn thi hành án vẫn có quyền chuyển nơi cư trú, nhất là trong những trường hợp khách quan phải chuyển, ví dụ như di dân do thiên tai, địch hoạ… Khi đối tượng chuyển cư trú ra ngoài địa bàn từ phạm vi huyện thì việc nắm tình hình chấp hành quyết định hoãn của cơ quan Thi hành án hình sự đối với Ủy ban nhân dân cấp xã của huyện khác và ngược lại, Ủy ban nhân dân xã đó có trách nhiệm phải báo cáo tình hình người được hoãn cho cơ quan Thi hành án nơi đối tượng chuyển đi hay không cần có hướng dẫn và quy định cụ thể. Giải pháp trước mắt là thực hiện công tác phối hợp giữa hai đơn vị cơ quan Thi hành án hình sự của hai địa phương với nhau.

 

Thứ hai, về vấn đề bảo đảm căn cứ xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn của hình phạt cải tạo không giam giữ.

 

Cải tạo không giam giữ là một hình phạt được quy định tại Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 2009 và Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trong cả hai điều luật này đều không có quy định thời điểm bắt đầu tính thời hạn của hình phạt này. Qua thực tiễn công tác kiểm sát đối với Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn còn nhiều lúng túng trong việc tính thời hạn của hình phạt này cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất. Theo đó, tại khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án hình sự quy định: Cơ quan Thi hành án hình sự có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ thi hành án cho Uỷ ban nhân dân xã trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày triệu tập được bị án. Theo tôi, nên hướng dẫn theo hướng tính thời hạn hình phạt cải tạo không giam giữ kể từ thời điểm Uỷ ban nhân dân xã nhận bàn giao hồ sơ thi hành án hình sự, phù hợp với thực tiễn và quy định tại Mục 3 Chương V Luật Thi hành án hình sự. Bởi lẽ, đó chính là thời điểm phát sinh trách nhiệm thi hành của cơ quan có thẩm quyền thi hành, đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chấp hành cũng như không mất đi các quyền luật định khác đối với bị án. Và nếu bị án không có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan Thi hành án hình sự thì đương nhiên hồ sơ không thể chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp xã, thời gian chấp hành án chưa được tính. Việc này sẽ khắc phục được bất cập trong trường hợp sau xét xử, bị án bỏ đi nơi khác dẫn đến không thi hành được bản án trên thực tế./.

Theo kiemsat.vn

Liên kết website

Thông kê truy cập