Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Thời hạn giao nhận hồ sơ giữa tòa án và Viện kiểm sát trong trường hợp tòa án quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung

Theo quy định tại điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây xin được viết tắt là BLTTHS) thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa được quyền: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

     Tại điều 179 BLTTHS quy định về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

        1. Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

       a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

       b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;

       c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

       Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

       2. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết.

     Trong trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

   Về trả hồ sơ trong quá trình xét xử tuy không được quy định cụ thể tại BLTTHS, nhưng thực tế khi có những quy định tại khoản 1, điều 179 BLTTHS thì Hội đồng xét xử có quyền trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung.

   Tại các điều 182, 229 của BLTTHS quy định rất cụ thể về thời hạn giao các quyết định, bản án của Tòa án cho bị cáo, Viện kiểm sát, người đại diện hợp pháp, người bị hại, những người tham gia tố tụng khác như: Chậm nhất mười ngày trước khi mở phiên tòa hoặc giao ngay, hay niêm yết, gửi giấy báo... Tuy nhiên việc Tòa án chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát trong thời gian nào, trực tiếp hay không trực tiếp sau khi có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung chưa được BLTTHS quy định cụ thể.

      Từ việc BLTTHS không quy định về thời gian, cách thức giao nhận giữa Viện kiểm sát và Tòa án đối với các vụ án trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, đã dẫn đến việc nhiều vụ án Tòa án không giao trực tiếp cho Viện kiểm sát mà giao qua đường Bưu điện và thời gian giao có nhiều vụ án sau khi có quyết định trả hồ sơ thì đến mười ngày sau mới có việc giao nhận giữa Viện kiểm sát và Tòa án. Từ đó, có nhiều cách giải quyết khác nhau.

       Chúng tôi xin nêu 01 ví dụ cụ thể: Ngày 09/9/2016, Hội đồng xét xử TAND huyện Cam Lâm có quyết định số: 03/2016/HSST - QĐ yêu cầu điều tra bổ sung lần thứ nhất cho VKSND huyện Cam Lâm để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Hoàng Minh và 6 bị cáo khác bị VKSND huyện Cam Lâm truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 19/9/2016 hồ sơ vụ án mới được chuyển đến VKSND huyện Cam Lâm.

    Quan điểm thứ nhất cho rằng: Luật không quy định về thời gian, cách thức  giao nhận hồ sơ. Do vậy, trong trường hợp trên Tòa án giao hồ sơ cho Viện kiểm sát sau mười ngày hoặc thời gian bao nhiêu sau khi có quyết định trả hồ sơ không có  gì vi phạm. Vì theo quy định tại  khoản 2, điều 122, BLTTHS  trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung (Nếu Viện kiểm sát bổ sung được và không trả cho Cơ quan điều tra) thì quy định thời hạn điều tra bổ sung là một tháng (không quy định từ thời gian nào). Còn đối với trường hợp trả cho Cơ quan điều tra điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung là hai tháng kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra.

    Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong trường hợp này rõ ràng là Tòa án đã vi phạm tố tụng. Viện kiểm sát cần phải kiến nghị phòng ngừa những vi phạm có thể tái diễn vì theo quy định tại các điều 199, 200 của BLTTHS thì bản án, các quyết định (trong đó có quyết định trả hồ sơ) phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản; sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký tòa án ký vào biên bản đó). Như vâỵ, biên bản phiên tòa hoặc quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, đều phải hoàn thành sau khi kết thúc phiên tòa, được giao cho Viện kiểm sát, không có lý do gì để nhiều ngày. Việc Tòa án mười ngày sau khi có quyết định trả hồ sơ mới chuyển giao hồ sơ cho Viện kiểm sát là vi phạm BLTTHS, ảnh hưởng đến thời gian điều tra bổ sung (đối với trường hợp Viện kiểm sát tự bổ sung), việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, việc thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án đã được quy định tai khoản 1, điều 239 BLTTHS (và không loại trừ trong thời gian này có sự sửa chữa, thêm bớt vào những diễn biến không hoặc có tại phiên tòa vào biên bản phiên tòa).

      Về thời hạn giao nhận hồ sơ vụ án trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung đã được quy định chặt chẽ tại khoản 3, điều 280 của BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên , do có sự sai sót nên việc thi hành Bộ luật này phải dừng lại. Do vậy, BLTTHS năm 2003 vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành và vẫn còn nhiều quan điểm, cách thức giải quyết khác nhau về thời hạn giao nhận hồ sơ giữa Viện kiểm sát và Tòa án khi có án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Qua trang điện tử của Ngành, chúng tôi rất mong được các đồng nghiệp, bạn đọc trao đổi để trong quá trình thực hành công tố và kiểm sát xét xử đối với vụ án hình sự mang lại kết quả cao và tránh vi phạm tố tụng hình sự./.

Trần Danh Cảnh - VKSND huyện Cam Lâm

Liên kết website

Thông kê truy cập