Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

VKSND tỉnh Khánh Hòa: Kiến nghị Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa

Thông qua hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa phát hiện Chấp hành viên Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa vi phạm việc tạm giữ tiền để nộp thuế thu nhập cá nhân và giữ lại tiền để thuê nhà cho người có nghĩa vụ liên quan không đảm bảo quy định của pháp luật, cụ thể:

Qua kiểm sát hồ sơ thi hành Quyết định thi hành án số 321 ngày 10/7/2012 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, về việc buộc ông Nguyễn Hữu Bính - Chủ doanh nghiệp tư nhân Phúc Bính phải thanh toán cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Cam Ranh 9.048.866.465đ và lãi suất phát sinh theo hợp đồng kể từ ngày 06/9/2011 cho đến khi ông Bính thanh toán hết nợ cho Ngân hàng. Quá trình thi hành án, Chấp hành viên đã kê biên và bán tài sản thế chấp là nhà đất tại 253 Nguyễn Trãi, Cam Linh, Cam Ranh được 10 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí cưỡng chế, đã chi trả 9.573.979.805đ cho Ngân hàng; tạm giữ lại 108.000.000đ hỗ trợ thuê nhà cho 03 hộ gia đình ở nhờ nhà của người phải thi hành án và 200.000.000đ (2% giá trị tài sản bán được) để nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, theo Điều 12 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc Hội được thông qua ngày 21/6/2017 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, quy định: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng ... trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”; và Khoản 2 Điều 17 Nghị quyết quy định về áp dụng pháp luật: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết này”. Đồng thời, tại Mục 2.4 Văn bản số 3022 ngày 15/8/2017 của Tổng cục   thi hành án dân sự hướng dẫn Điều 12 Nghị quyết trên: “Từ ngày 15/8/2017, khi thực hiện việc thanh toán tiền thu được từ xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, cơ quan thi hành án dân sự ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng sau khi trừ đi chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Đối với các nghĩa vụ khác của người phải thi hành án chỉ được thực hiện thanh toán trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế”.

Theo hồ sơ thi hành án, ngày 26/10/2017 Ngân hàng gửi thông báo cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, xác định Doanh nghiệp Phúc Bính hiện còn nợ 12.4534.678.621đ, như vậy khoản tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm nhỏ hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Nên căn cứ các quy định viện dẫn trên, thì Ngân hàng phải được ưu tiên thanh toán trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế (nếu có). Do đó, việc Chấp hành viên giữ lại 200.000.000đ để dự trù nộp thuế thu nhập cá nhân là không đúng quy định và kéo dài việc thi hành án.

Về số tiền 108.000.000đ Chấp hành viên giữ lại để thuê nhà cho người có nghĩa vụ liên quan: Ngày 13/10/2017 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa và ngày 17/10/2017 tại UBND phường Cam linh, TP Cam Ranh, với sự tham gia của các Ban, Ngành, đại diện Ngân hàng và có mặt của những người có quyền lợi liên quan (03 hộ gia đình các ông Thịnh, Phát, Cường đang ở nhờ 03 căn phòng tại nhà của người phải thi hành án), tiến hành họp giải quyết về việc hỗ trợ cho 03 hộ gia đình liên quan, đã đi đến thống nhất áp dụng Điều 115 Luật Thi hành án dân sự sẽ hỗ trợ là 108.000.000đ để họ tự nguyện phối hợp trong việc cưỡng chế giao nhà đất cho người mua trúng đấu giá: 03 hộ gia đình nhận 108.000.000đ và tự chuyển toàn bộ động sản của mình và giao 03 căn phòng ở nhờ cho cơ quan thi hành án giải quyết theo quy định pháp luật vào ngày 20/10/2017 hoặc nếu họ không phối hợp trong việc cưỡng chế người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ dùng số tiền này để thuê nơi ở cho 03 gia đình. Tuy nhiên ngày 27/10/2017, do người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế giao tài sản nêu trên cho người mua trúng đấu giá, 03 hộ gia đình các ông Thịnh, Phát, Cường không phối hợp trong việc cưỡng chế, không có mặt và khóa cửa 03 căn phòng đang  ở nhờ. Do đó, Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa phải tiến hành phá khóa và chuyển toàn bộ tài sản hiện có về kho của Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa để tiếp tục giải quyết theo quy định pháp luật, đồng thời không tiếp tục ký hợp đồng thuê nơi ở cho 03 hộ gia đình nói trên. Như vậy, 03 hộ gia đình trên không thực hiện theo hướng giải quyết đã dự trù trước khi tổ chức cưỡng chế và Chấp hành viên cũng không phải thuê nơi ở cho họ, nhưng Chấp hành viên vẫn giữ lại số tiền 108.000.000đ là không có cơ sở.

Việc Chấp hành viên tiếp tục giữ lại 308.000.000đ về 02 khoản tiền nêu trên là không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi và gây thiệt hại cho người được thi hành án nhất là đối với các tổ chức tín dụng trong việc triển khai và thực hiện Nghị Quyết số 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu chưa được bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, đồng thời kéo dài việc thi hành án trong việc chậm thanh toán tiền, vi phạm Khoản 4 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá” (Chậm hơn 30 ngày).

  Để đảm bảo việc thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định pháp luật. Ngày 14/12/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành kiến nghị yêu cầu Cục trưởng thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện việc thanh toán các khoản tiền nói trên cho người được thi hành án đảm bảo theo quy định pháp luật.

Duy Cường - Phòng 11

Liên kết website

Thông kê truy cập