Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIẾN VIỆC ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TRƯỜNG HỢP ĐƯƠNG NHIÊN XÓA ÁN TÍCH, CẦN HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH , THÁO GỠ

Quy định các trường hợp đương nhiên xóa án tích thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với những người đã thực hiện hành vi phạm tội. Nhà nước đương nhiên công nhận và xem những người đã bị kết án thực hiện đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về trường hợp đương nhiên được xóa án tích là người chưa bị kết án. Người được đương nhiên xóa án tích không phải chịu hậu quả pháp lý nào từ bản án kết tội đã xóa án tích trước đây nếu họ thực hiện tội phạm mới. Cơ quan tiến hành tố tụng không được sử dụng bản án đã được xóa án tích để làm căn cứ xác định tội phạm, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm đối với họ. Mặt khác, trên phương diện xã hội thì quy định đương nhiên xóa án tích còn giúp người đã bị kết án không bị mặc cảm mà hòa nhập cộng đồng.

Thực tiễn áp dụng quy định về các trường hợp đương nhiên xóa án tích trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đã nảy sinh vướng mắc và có quan điểm khác nhau. Cụ thể trong bài viết này tôi chỉ giới hạn phạm vi xem xét vướng mắc trong trường hợp người bị kết án chưa chấp hành xong bản án trước đây về phần án phí hình sự để xem xét điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng khi xét xử các vụ án hình sự, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án không gửi hoặc chậm gửi bản án đến Cơ quan thi hành án dân sự nên Cơ quan thi hành án dân sự không có cơ sở để ra quyết thi hành phần án phí hình sự đối với người bị kết án. Trên thực tế người bị kết án chưa nộp án phí hình sự theo quyết định của bản án đã có hiệu lực mặc dù đã chấp hành xong hình phạt chính và đủ điều kiện về thời hạn để xem xét đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 BLHS. Về tình huống này có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: trong trường hợp trên, phải xem là đã đương xóa án tích đối với người bị kết án. Họ không có lỗi trong việc không đóng án phí hình sự hoặc đóng trễ hạn. Trách nhiệm ra quyết định thi hành án phần án phí hình sự thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, về nguyên tắc có lợi họ phải được xem là đương nhiên xóa án tích theo thời hạn được qui định tại Điều 70 BLHS kể từ thời điểm họ chấp hành xong hình phạt chính đã tuyên.

Ví dụ 1: Ngày 10/01/2018, A chấp hành xong hình phạt tù 01 năm về tội trộm cắp tài sản. Ngày 15/12/2019, Tòa án chuyển bản án đã xét xử A đến cơ quan thi hành án dân sự.  Ngày 16/12/2019, Cơ quan thành hành án dân sự ra quyết định thi hành án phần án phí hình sự, ngày 01/01/2020, A nộp tiền án phí hình sự.

Ví dụ 2: Ngày 10/01/2018, A chấp hành xong hình phạt tù 01 năm về tội trộm cắp tài sản. A chưa thi hành phần án phí và cơ quan thành hành án dân sự không ra quyết định thi hành án phần án phí hình sự do không nhận được bản án hình sự đã xét xử A.

Theo quan điểm trên, trong cả hai ví dụ, A đều được xem là xóa án tích từ thời điểm 10/01/2020. A thi hành phần án phí hình sự trong thời hạn được xem là đương nhiên xóa án tích. Việc A chậm không đóng án phí là do Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án  nên theo nguyên tắc có lợi cho A thì thời hạn xem là đương nhiên xóa án tích đối với A là 02 năm kể từ ngày 10/01/2018, chứ không xét 02 năm kể từ ngày A đóng án phí là ngày 01/01/2020 (ví dụ 1). A được xem là được đương nhiên xóa án tích.

Quan điểm thứ 2:

Trong mọi trường hợp, người bị kết án chưa chấp hành xong phần án phí hình sự đều không xem là đã chấp hành xong bản án, họ không được xem là đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 BLHS.Tôi đồng ý theo quan điểm này bởi:

Thứ nhất: Khi nói áp dụng nguyên tắc có lợi là phải có quy định thể hiện người bị kết án có được hưởng lợi từ qui định đó chứ không phải nói chung chung, “thấy là có lợi”. Trong trường hợp này, đối với phần án phí trong bản án hình sự, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nào quy định về thời hiệu thi hành phần án phí riêng trong bản án hình sự ngoại trừ quy định tại Điều 60 BLHS. Tức là thời hiệu thi hành phần án phí hình sự cũng là thời hiệu thi hành bản án. Khi bản án đã hết thời hiệu thi hành thì phần án phí trong bản án đó đương nhiên hết thời hiệu thi hành. Như vậy, bất cứ lúc nào, khi Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành phần án phí hình sự thì người bị kết án phải chấp hành. Nếu xem họ đương nhiên chấp hành xong bản án ở hai ví dụ trên theo quan điểm 1 thì phải xem xét giải quyết vấn đề người bị kết án có phải đóng án phí hình sự nữa hay không, mà rõ ràng hiện nay không có quy định nào hướng và người bị kết án vẫn phải chấp hành phần án phí hình sự.

Thứ hai: Người bị kết án phải chấp hành bản án là sự bắt buộc của nhà nước đối với họ. Người bị kết án biết họ phải chấp hành những gì trong bản án đã có hiệu lực với họ. Trong giai đoạn thi hành án, người bị kết án thường xuyên được Cơ quan thi hành án hình sự nhắc nhở, tạo điều kiện để người bị kết án có điều kiện chấp hành các phần của bản án bằng nhiều hình thức như người bị kết án được lựa chọn tự nguyện thi hành bản án, cụ thể là phần án phí trước khi có quyết định thi hành án do vậy không thể nói người bị kết án không biết họ phải chấp hành phần án phí do không nhận được quyết định thi hành án về án phí. Mặt khác, việc người bị kết án không chấp hành án phí hình sự là thể hiện thái độ thiếu sự tôn trọng pháp luật đối với bản án đã có hiệu lực với họ. Như vậy, người bị kết án trong trường hợp này không thể  nhận sự khoan hồng của Nhà nước. Việc không chấp hành phần án phí trong bản án không thể xem là chấp hành xong bản án để xem xét việc đương nhiên xóa án tích.

Thực trạng hiện nay chỉ có các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn nhưng mang tính chất nội bộ của ngành chỉ đạo hướng dẫn xử lý vướng mắc trên. Tuy nhiên nội dung các văn bản này lại chỉ ra mâu thuẫn trong các cơ quan tiến hành tố tụng.  Cụ thể: Ngày 03/01/2019, Viện kiểm sát tối cao có công văn chỉ đạo một số các viện kiểm sát cấp tỉnh, áp dụng các trường hợp người bị kết án chưa thực hiện việc chấp hành án phí như các ví dụ nêu trên được coi là đương nhiên xóa án tích. Tuy nhiên , Tòa án nhân dân tối cao trong thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính ngày 03/4/2019 lại chỉ đạo các Tòa án nhân dân xác định các trường hợp trên không xem xét là đương nhiên xóa án tích.

Sự bất đồng quan điểm trong việc xác định xóa án tích trong trường hợp người bị kết án chưa chấp hành án phí trong bản án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là một vướng mắc lớn, quan trọng liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội cũng như tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, gây ra những khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương trong đấu tranh chống tội phạm. Cá nhân tôi rất mong Liên ngành trung ương sớm có sự thống nhất, hướng dẫn chung về vấn đề này./.

Hoàng Kim Ngọc - VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập