Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỘT PHÁ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC KIỂM SÁT ÁN HÀNH CHÍNH-KINH DOANH THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG NĂM 2024 CỦA NGÀNH KIỂM SÁT KHÁNH HÒA

Thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2024, tại nội dung Hướng dẫn công tác số 28/HD-VKSTC ngày 28/12/2023 của Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là “Xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động là nhiệm vụ trọng tâm đột phá năm 2024; trong đó, tập trung nâng cao tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính được Tòa án chấp nhận; giảm tỉ lệ án bị hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác, tạo chuyển biến tích cực, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao”.

Theo đó, tại Kế hoạch số 24/KH-VKS-VP ngày 05/01/2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa về công tác của ngành Kiểm sát Khánh Hòa năm 2024 và Chương trình công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2024 của Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng 10) cũng xác định công tác đột phá năm 2024 của ngành kiểm sát Khánh Hòa trong công tác này là “Tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; trên 70% kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận. Giảm tỉ lệ án hành chính, kinh doanh thương mại bị hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Tiếp tục thực hiện việc số hóa hồ sơ và việc xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án”.

Trên cơ sở chỉ đạo trên của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Vụ nghiệp vụ đã cho chúng ta thấy: Trong năm 2024, công tác kiểm sát đối với vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật tiếp tục được xác định là một trong những khâu công tác trọng tâm của Ngành Kiểm sát. Vì vậy, đòi hỏi toàn Ngành phải tập trung đưa ra nhiều giải pháp mang tính chủ động, tích cực và quyết liệt nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong khâu công tác này, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2024. Đối với ngành Kiểm sát Khánh Hòa, từ kết quả thực hiện công tác kiểm sát loại án này trong nhiều năm qua của đơn vị, cho thấy, để thực hiện tốt các nội dung về công tác đột phá năm 2024 trong lĩnh vực án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, ngành Kiểm sát Khánh Hòa cần chú trọng và tập trung thực hiện nghiêm túc và quyết liệt một số biện pháp chủ yếu sau:

Một là: Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Khánh Hòa phải quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 và Hướng dẫn số 28/HD-VKSTC ngày 28/12/2023 của Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật về việc “xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động là nhiệm vụ trọng tâm đột phá năm 2024”, từ đó nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo, Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ được phân công;

Hai là: Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo Kiểm sát viên được phân công trực tiếp tham gia phiên tòa, phiên họp phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật; nắm chắc và đối chiếu các tình tiết, nội dung của vụ án, các hoạt động tố tụng của Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng,… trong các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án với các quy định của pháp luật về nội dung và quy định của pháp luật về hình thức được quy định tại Bộ luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính,… cũng như các án lệ đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố, kịp thời phát hiện những vi phạm của Tòa án trong quá trình giải quyết để báo cáo Lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị;

Ba là: Lãnh đạo các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc duyệt báo cáo đề xuất giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động của Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa, phiên họp cũng như trong việc quyết định kháng nghị và kiên quyết bảo vệ kháng nghị; Chú trọng việc báo cáo đề xuất bằng sơ đồ tư duy, qua đó nâng cao khả năng tư duy của Kiểm sát viên trong việc đánh giá chứng cứ;

Bốn là:  Đối với các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động do Tòa án xét xử trái quan điểm phát biểu của Viện kiếm sát, Lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo Kiểm sát viên  phảikịp thời nghiên cứu, đối chiếu lại các quy định của pháp luật, đồng thời tích cực yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan trong các vụ án hành chính thực hiện việc cung cấp, bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm căn cứ xem xét kháng nghị và báo cáo ngay cho Lãnh đạo Viện để kháng nghị khi có căn cứ;

Năm là:  Tăng cường việc kiến nghị đối với những vi phạm không nghiêm trọng, chưa đến mức kháng nghị nhằm đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất thông qua việc kiểm sát chặt chẽ đối với các Bản án, Quyết định hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật do Tòa án ban hành hoặc trong quá trình kiểm sát đối với hồ sơ vụ án vụ, việc cụ thể trong lĩnh vực này;

Sáu là: Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Khánh Hòa tăng cường sự phối hợp trong công tác kháng nghị phúc thẩm đối với vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chủ động báo cáo Phòng Nghiệp vụ- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đối với các vụ, việc phức tạp ngay sau xét xử để có chỉ đạo kịp thời, nhất là đối với những vụ, việc trái quan điểm với Tòa án, có căn cứ để kháng nghị;

Bảy là:  Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Khánh Hòa cần chủ động khen thưởng hoặc đề xuất cấp trên khen thưởng đột xuất đối với cá nhân tích cực, có nỗ lực xuất sắc, làm tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án và báo cáo Lãnh đạo Viện xem xét kiến nghị hoặc kháng nghị theo quy định đạt chất lượng.

Thiết nghĩ, việc thực hiện một cách đồng bộ và có trách nhiệm đối với các giải pháp nêu trên sẽ góp phần giúp cho ngành Kiểm sát Khánh Hòa thực hiện có hiệu quả đối với các nội dung của công tác đột phá trong lĩnh vực kiểm sát án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật của Ngành trong năm 2024 theo chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 và chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại Kế hoạch số 24/KH-VKS-VP ngày 05/01/2024 về công tác kiểm sát năm 2024 của ngành Kiểm sát Khánh Hòa.

Ngọc Thuận

Liên kết website

Thông kê truy cập