Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

“Bây giờ bắt người, VKSND Tối cao chỉ dùng dây thừng thôi”

“Đã là thợ mộc thì phải có cưa, có đục, nếu chỉ có đục thôi thì làm sao làm được thợ mộc? Cơ quan điều tra VKSND Tối cao hiện nay đến bắt người cũng không có cả cái còng số 8. Bây giờ bắt người, VKSND Tối cao chỉ dùng dây thừng thôi”.


Ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao.

Ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao.

 

Đó là thông tin bất ngờ được ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao, đưa ra tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự chiều 14/10.

Đồng ý với nhiều nội dung được đưa ra trong dự thảo luật nhưng ông Nguyễn Hải Phong đề nghị xem xét lại quy định về tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và VKSND Tối cao cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Đã là cơ quan điều tra thì phải có đủ thẩm quyền, biện pháp. Đã là thợ mộc thì phải có cưa, có đục, nếu chỉ có đục thôi thì làm sao làm được thợ mộc. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao hiện nay đến bắt người cũng không có cả cái còng số 8. Bây giờ bắt người, VKSND Tối cao chỉ dùng dây  thừng thôi. Tại sao cùng là cơ quan điều tra, cơ quan này khi bắt người được dùng còng số 8, cơ quan khác lại dùng dây thừng? Không thể vì cơ quan điều tra VKSND Tối cao chỉ điều tra một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp thôi mà giới hạn như vậy thì không sòng phẳng”- ông Phong nêu thực tế.

Ông Phong cho biết VKSND Tối cao đã từng kiến nghị về vấn đề này nhưng khi xây dựng pháp lệnh thì cơ quan chủ trì lại nhận thức rằng VKSND thì cần gì tới còng.

“Tôi xin nói thẳng là cơ quan điều tra VKSND Tối cao được quyền bắt khẩn cấp, chúng tôi bắt thường xuyên, trước khi bắt phải được phê chuẩn, nhưng lại không được chấp thuận. Chánh án Nguyễn Hiệp (nguyên Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam) nhận hối lộ, cơ quan điều tra bắt khẩn cấp cũng không có còng. Chúng tôi không có còng nên bây giờ chúng tôi chỉ có dây thừng trói thôi. Thế nên quy định phải rõ ràng, công bằng. Cấp cục ở công an, quân đội có gì thì lẽ ra chúng tôi phải có cái đó, nhưng ở đây chúng tôi không có”- ông Phong nói.

Đáp lại, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự án luật) đặt vấn đề: “Cơ quan điều tra của công an, quân đội, viện kiểm sát có cần giống nhau không? Bộ Công an có tới 12.000 điều tra viên, Viện kiểm sát có năm chỉ làm 9 vụ, thậm chí 7 vụ, trong khi Bộ Công an làm hơn trăm nghìn vụ. Nó còn phụ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể được giao, tùy theo mức độ công việc, tổ chức khác nhau.

Ví dụ, VKSND Tối cao có Cục điều tra, sau đó tới phòng là tốt quá rồi. Bộ Công an có trường Đại học Cảnh sát, Đại học An ninh. Không thể tổ chức nào cũng có bộ máy đó được, tổ chức bộ máy còn phụ thuộc vào tính chất công việc”.

Về việc trang bị còng số 8, ông Hiện nói tiếp: “Tại sao tòa án, viện kiểm sát ra lệnh bắt, nhưng thực hiện cái đó phải là lực lượng vũ trang, công an mới thực hiện chứ. Tôi đồng ý với các đồng chí bên Bộ Công an, thậm chí lực lượng công an xã cũng không có còng được, tất nhiên cái này không thể quy định trong luật này được”.

“Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhầm. Điều tra viên là người thực hiện lệnh bắt, luật tố tụng hình sự cũng quy định thực hiện như vậy. Ra lệnh bắt thì Viện kiểm sát phê chuẩn, sau khi có lệnh rồi thì điều tra viên cơ quan điều tra viện kiểm sát phải bắt, nhưng bắt lại không được dùng còng. Chỗ này không nhầm lẫn giữa kiểm sát viên và điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao được. Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, chúng tôi đã nói điều này nhưng không được nghe. Anh Hiện thông cảm, anh cứ lắng nghe chỗ này. Tất nhiên càng không phải bắt càng tốt, nhưng bắt phải đúng luật, công cụ hỗ trợ phải phù hợp. Anh Vương (Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an) thông cảm, chúng tôi không vì cái gì cả, nhưng đã là cơ quan điều tra thì phải có. Điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thì phải có còng chứ?”- ông Phong thẳng thắn.

Ngay lập tức, Thượng tướng Lê Quý Vương “phản pháo”: “Thưa anh Phong, tất cả những trường hợp bị bắt không nhất thiết lúc nào cũng phải dùng còng. Còng đề phòng anh chạy trốn, trốn chạy. Cái đó phải rõ. Cái đó nằm trong công cụ hỗ trợ, cũng chẳng ai cấm các anh trang bị cái đó cả”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng VKSND Tối cao chỉ xử lý tội phạm ở phạm vi hẹp, biên chế nhỏ hơn nên thành lập cơ quan điều tra cấp cục là hợp lý, tuy nhiên quyền hạn phải được đảm bảo. “Trong dự thảo luật này không ghi rõ cụ thể “món” còng hay không còng, nhưng nếu đối tượng phản kháng, rút súng ra thì phải có công cụ hỗ trợ chứ. Súng không có, còng không có, dây không nói, thì làm sao bắt người? Anh Hiện cũng phải suy nghĩ thêm để tính toán cho hợp lý. Đã thành lập ra cơ quan điều tra, có điều tra viên, có tội liên quan đến tư pháp thôi nhưng phải ra lệnh bắt, phải bảo đảm để người ta thực hiện cái quyền này. Tại sao công an còng được, anh này không còng được, nếu người ta rút súng ra thì tính sao? Đây là quyền lực của anh này thì phải đảm bảo”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội chốt lại: “Luật này của Quốc hội, không phải luật của công an, nên các đồng chí phải khiêm tốn tiếp thu, chỉnh sửa”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện nay đã có pháp lệnh về sử dụng công cụ hỗ trợ. “Tôi đề nghị ghi một điều vào chương 8 dự thảo luật này về việc khi sử dụng công cụ hỗ trợ thì thực hiện theo pháp lệnh kia, tinh thần như thế thôi là đủ".

VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập