Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Một số bất cập trong việc thực hiện quy định về nhập vụ án hình sự để điều tra, truy tố

Tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

“1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Bị can phạm nhiều tội;

b) Bị can phạm tội nhiều lần;

c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có”.

Tại khoản 1 Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

“1. Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Bị can phạm nhiều tội;

b) Bị can phạm tội nhiều lần;

c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có”.

Qua công tác thực tế, xét thấy việc Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc nhập vụ án hình sự để điều tra, truy tố còn gặp phải một số bất cập, ảnh hưởng tới thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, gây tốn kém cho chi phí trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể như sau:

Vụ án có 17 bị can bị Cơ quan điều tra khởi tố, trong đó có 15 bị can đã bị Viện kiểm sát nhân dân truy tố ra trước Toà án nhân dân để xét xử (Cáo trạng thứ nhất), còn 02 bị can trong quá trình điều tra bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đã quyết định truy nã và tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Sau khi bắt được 01 bị can bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố và Viện kiểm sát ban hành Cáo trạng truy tố bị can này (Cáo trạng thứ 2), chuyển hồ sơ đến Toà án. Tại thời điểm này 15 bị can Viện kiểm sát đã truy tố trước đó Toà án chưa xét xử được vì nhiều lý do khác nhau nên Toà án trả điều tra bổ sung để Viện kiểm sát nhập lại để truy tố 16 bị can. Như vậy, Viện kiểm sát phải ban hành Cáo trạng mới (Cáo trạng thứ 3) thay thế 02 Cáo trạng (01 Cáo trạng đã truy tố 15 bị can và 01 Cáo trạng đã truy tố 01 bị can bắt truy nã sau) và phải tiến hành các thủ tục giao Cáo trạng lại cho tất cả 16 bị can (mặc dù nội dung vụ án không thay đổi, chỉ thay đổi số lượng bị can bị truy tố). Việc này ảnh hưởng tới thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng tới kinh phí (phải in nhiều giấy, mực – Cáo trạng dài 25 trang cho mỗi bị can). Sau khi Viện kiểm sát đã ban hành Cáo trạng mới (Cáo trạng thứ 3) chuyển hồ sơ đến Toà án để xét xử thì Cơ quan điều tra lại bắt được bị can thứ 2 bỏ trốn và Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố và Viện kiểm sát ban hành Cáo trạng truy tố bị can này (bị can thứ 17 – Cáo trạng tứ 4), chuyển hồ sơ đến Toà án. Tại thời điểm này 16 bị can Viện kiểm sát đã truy tố trước đó Toà án chưa xét xử và Toà án tiếp tục quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu Viện kiểm sát nhập 16 bị can đã truy tố trước với 01 bị can (thứ 17) này để truy tố cùng 1 lần và để xét xử cùng 1 lần. Viện kiểm sát lại phải tiếp tục ban hành Cáo trạng mới (Cáo trạng thứ 5) thay thế 02 Cáo trạng (01 Cáo trạng đã truy tố 16 bị can và 01 Cáo trạng đã truy tố 01 bị can bắt truy nã thứ 17) và phải tiến hành các thủ tục giao Cáo trạng lại cho tất cả 17 bị can (mặc dù nội dung vụ án không thay đổi, chỉ thay đổi số lượng bị can bị truy tố). Như vậy, trong vụ án này Viện kiểm sát phải tiến hành ban hành tất cả 05 Cáo trạng (có nội dung vụ án như nhau, chỉ thay đổi số lượng bị can truy tố), với bản Cáo trạng dài 25 trang, nhiều bị can tại ngoại, gây khó khăn cho việc tống đạt Cáo trạng cho bị can nhiều lần, lãng phí chi phí giấy, mực, mất thời gian, ảnh hưởng tới việc vụ án bị kéo dài, …

Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về việc nhập vụ án trong giai đoạn xét xử. Mặt khác, đối với việc Toà án trả điều tra bổ sung yêu cầu Viện kiểm sát nhập vụ án trong trường hợp này là không có căn cứ. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02 ngày 22/12/2017 quy định việc phố hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung không quy định Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát trong trường hợp để nhập vụ án để Toà án xét xử cùng 1 lần khi 1 vụ án có nhiều bị can phạm tội nhưng có bị can bị truy tố trước, bị can bị truy tố sau do bỏ trốn.

Hiện nay, quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như quan điểm cá nhân còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp này Quyết định trả điều tra bổ sung là không có căn cứ. Việc Toà án trả điều tra bổ sung yêu cầu Viện kiểm sát nhập vụ án dẫn đến Viện kiểm sát phải thay đổi Cáo trạng nhiều lần mặc dù nội dung vụ án không thay đổi, chỉ thay đổi số lượng bị can bị truy tố làm ảnh hưởng đến việc vụ án bị kéo dài, gây lãng phí về thời gian của Kiểm sát viên, lãng phí về chi phí giấy mực.

Quan điểm thứ hai cho rằng, để đảm bảo vụ án được xét xử toàn diện thì trong trường hợp này dù có gây khó khăn như quan điểm thứ nhất thì vẫn phải nhập vụ án đối với tất cả các bị can để xét xử 1 lần.

   Trên thực tế việc hiểu, áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không phải lúc nào cũng thống nhất, mà có nhiều quan điểm khác nhau. Trên đây là trường hợp thực tế chưa có sự thống nhất về việc hiểu quy định cụ thể của một điều luật để áp dụng như thế nào cho đúng pháp luật. Rất mong được sự góp ý về quan điểm của bạn đọc về nội dung này.

Đậu Thị Vân Anh

Liên kết website

Thông kê truy cập