Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Một nhà nước mà ở đó, quyền con người được tôn trọng và bảo vệ không chỉ dừng lại ở các tuyên bố chính trị, ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được bảo vệ trong thực tế. Quyền con người là một giá trị thiêng liêng bất khả xâm phạm, nó thẻ hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tố Tụng hình sự. Không phổ biến, không rộng lớn, không diễn ra hàng ngày hàng giờ như các lĩnh vực hành chính, kinh tế, môi trường…, nhưng có thể nói quyền con người trong Tố tụng hình sự lại là quyền dễ bị xâm phạm và bị tổn thương nhất và hậu quả để lại cũng nghiêm trọng nhất khi nó động chạm đến quyền được sống, quyền tự do và sinh mệnh chính trị của một cá nhân.
Quyền con người trong tố Tụng hình sự bao gồm: Quyền được xét xử công bẳng bởi một thủ tục tố tụng hình sự; Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và quyền tự do cá nhân khác. Mọi trường hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế trách nhiệm hình sự phải trên cơ sở luật định; Quyền được suy đoán vô tội; Quyền được bào chữa và biện hộ, quyền không bị xét xử quá mức chậm trễ; Người chưa thành niên, Người bị hạn chế về năng lực nhận thức hoặc điều khiển hành vi phải được áp dụng thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt; Quyền kháng cáo bản án để xét xử phúc thẩm, quyền được nhanh chóng minh oan, quyền không bị kết tội hai lần về cùng một hành vi…; Các quyền con người trong thi hành án hình sự và sau xét xử…
Trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự, Phòng 7-VKSND tỉnh Khánh Hòa đưa ra một vụ án điển hình, do vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng hình sự “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”, gây bất lợi cho bị cáo dẫn đến việc hủy án, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, người tiến hành tố tụng cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Nội dung vụ án:
Huỳnh Quốc Tuấn là nhân viên lễ tân của cơ sở Massage Yến Phương, địa chỉ: số 04 Lê Lợi, phường Xương Huân, thành phố N. Vào khoảng 12 giờ 15 phút ngày 13/10/2016 có 04 khách Quốc tịch Nga đến Massage tại cơ sở Yến Phương. Huỳnh Quốc Tuấn đưa 02 khách lên phòng 102 và yêu cầu nhân viên vào massage cho khách, sau đó khoảng 05 phút thì Tuấn vào phòng đưa khăn. Lợi dụng nhân viên đang Massage cho khách không để ý. Tuấn lục quần áo của ông Chalov Dmitrii, lấy 100USD và 500.000 đồng tiền Việt Nam, tiếp tục mở ví của bà Gracheva Elena, lấy 300USD, 2.500 rúp và 2.000.000 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi phát hiện mất tài sản ông Chalov Dmitrii và bà Gracheva Elena trình báo Công an. Tại Cơ quan điều tra Tuấn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội trộm cắp tài sản và giao nộp tài sản đã trộm cắp.
Theo thông báo tỷ số giá ngoại tệ tháng 10/2016 của Kho bạc Nhà nước: 01 USD = 21.939 đồng, 01 rúp = 347 đồng. Tổng cộng tài sản trộm cắp là 12.143.100 đồng.
Tại bản Cáo trạng số 272/CT-VKS ngày 15/11/2017 của Viện KSND thành phố N, tỉnh Khánh Hòa đã truy tố bị cáo Huỳnh Quốc Tuấn về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Bản án hình sự sơ thẩm số 249/2017/HSST ngày 15/12/2017 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Khánh Hòa áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm g, h, p, n khoản 1, khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Huỳnh Quốc Tuấn 06 tháng tù.
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa phúc thẩm nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa thấy rằng :
Theo kết luận giám định, bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa là nơi cư trú của bị cáo, bị cáo đang hưởng chế độ khuyết tật và được quản lý tại xã Ninh Thọ. Qua đó cơ sở xác định: Bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần.
Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 57 Bộ luật TTHS năm 2003, Hướng dẫn tại phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa cha, mẹ của bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là người đại đại diện hợp pháp của bị cáo để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, nhất là quyền bào chữa. Trong trường hợp họ không mời người bào chữa, thì cơ quan tố tụng phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ. Chỉ trong trường hợp cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo cùng từ chối người bào chữa thì mới tiến hành các thủ tục tố tụng mà không có sự tham gia của người bào chữa. Đối với trường hợp có mỗi bị cáo hoặc chỉ có mỗi đại diện hợp pháp của bị cáo từ chối người bào chữa, thì bắt buộc vẫn phải cử người bào chữa tham gia tố tụng. Các tài liệu trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện cả bị cáo và đại diện hợp pháp của bị cáo cùng từ chối người bào chữa, nhưng Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân thành phố N không yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho bị cáo là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây bất lợi cho bị cáo.
Để bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, bảo vệ tốt hơn quyền con người trong tố tụng hình sự theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp, các cơ quan và người tiến hành tố tụng cần nâng cao nhận thức về quyền con người, tăng cường giáo dục quyền con người đối với người tiến hành tố tụng là các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, bởi một điều mà người ta lo ngại nhất khi nói đến vấn đề bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự đó chính là sự xâm phạm quyền con người từ phía công quyền, sự xâm phạm này phần nhiều nằm ở nhận thức và hoạt động cụ thể của người tiến hành tố tụng./.
Nguyễn Ngọc Thắng