Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

BÀN VỀ TÌNH TIẾT “CÓ TÍNH CHẤT CÔN ĐỒ” TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM


Người côn đồ, kẻ côn đồ là danh từ chỉ người hung hăng, hay gây sự; vì bất cứ lý do gì hay không vì lý do gì đều sẵn sàng sử dụng vũ lực tấn công người khác mà không cần hòa giải hay dùng lý lẽ phân tích phải trái khi xảy ra bất kỳ mâu thuẫn, xung đột nào trong cuộc sống. Tính chất côn đồ là hành vi của người sẵn sàng bất kỳ lúc nào, tình huống nào, lý do nào; thậm chí không có bất kỳ lý do gì đã lập tức sử dụng hung khí, tay chân tấn công, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người khác (Đương nhiên, những người gây thương tích, giết người thuê luôn được đánh giá là có tính chất côn đồ vì không có mâu thuẫn gì với nạn nhân). Người côn đồ và tính chất côn đồ khác nhau bởi hành vi khách quan biểu hiện ra bên ngoài. Tính chất côn đồ chỉ diễn ra giữa người này và người kia mà không thể xem là có tính chất côn đồ với danh dự, tài sản và các khách thể khác. Tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS – Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS – Tội giết người. Ngoài ra, tính chất côn đồ được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm d khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 ( trừ trường hợp quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt).

Để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội giết người và cố ý gây thương tích, TANDTC có hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995.

Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TAND Tối cao hướng dẫn như sau:“Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.

Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.

Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án TAND Tối cao hướng dẫn xử lý tội giết người có tính chất côn đồ như sau: “Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.”

Hiện, có quan điểm cho rằng hành vi “Có tính chất côn đồ” đã được Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn, kết luận trong hội nghị trực tuyến giải đáp vướng mắc trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, đây không phải là hướng dẫn có tính quy phạm pháp luật như Nghị quyết, Thông tư liên ngành nên giá trị pháp lý không cao; do vậy việc nhận thức, áp dụng của các địa phương, cơ quan, cá nhân chưa có tính thống nhất và dẫn đến tình trạng án bị hủy sửa khi liên quan đến tình tiết này còn xảy ra. Thực tiễn đòi hỏi phải có Nghị quyết hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Như vậy, hành vi “Có tính chất côn đồ” chỉ được áp dụng khi khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đối với người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự phạm tội cố ý gây thương tích và tội giết người, hoặc áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội danh này. Quan điểm của người viết là hành vi “Có tính chất côn đồ” không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi người phạm tội xâm phạm các khách thể khác như xâm phạm sở hữu; xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; hành chính...Không thể kết tội một người hủy hoại tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ (trừ trường hợp gây thương tích hoặc giết người)... có tính chất côn đồ.

Xin đưa một số vụ án đánh giá về “tính chất côn đồ” còn có quan điểm chưa thống nhất sau:

Vụ án 1: Khoảng 06 giờ 30 phút ngày 27/02/2021, sau khi nhậu xong thì Phan Gia Ph điều khiển xe mô tô chở Lê Văn T đi thắp hương cho người thân. Khi đến nhà bà Nguyễn Thị Hông L, thuộc tổ dân phố X, phường Y, thị xã N, Ph dừng xe và đi bộ đến trước cổng nhà bà L gọi cửa để mượn bật lửa. Khi bà L vừa đi ra thì T đứng ngoài đường nhìn thấy xe ô tô tải biển số 79C-xxxxx của bà L đang đỗ bên lề đường trước nhà, T nhặt gạch, đá ném nhiều cái vào kính chắn gió phía trước đầu xe làm nứt vỡ kính, Ph thấy vậy cũng đi ra nhặt gạch, đá dưới đất ném tiếp làm kính bị nứt vỡ nhiều nơi. Sau đó Ph và T điều khiển xe mô tô bỏ đi. Tại kết luận định giá tài sản số 32/KL-HĐĐGTS ngày 17/3/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thị xã N xác định kính xe ô tô tải biển số 79C-xxxxx bị hư hỏng trị giá 2.200.000 đồng (Hai triệu hai trăm ngàn đồng). Sau khi Tòa sơ thẩm xét xử, các bị can kháng cáo xin hưởng án treo, bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho 2 bị cáo hưởng án treo. Tòa phúc thẩm hình sự tỉnh K đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên hủy án, ngoài lý do cần giám định lại việc khấu hao tài sản thì còn một lý do khác, đó là hành vi của 2 bị cáo cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có tính chất côn đồ theo điểm d khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Có tính chất côn đồ với tài sản hoặc các khách thể khác được áp dụng không? Đến nay, chưa có bất kỳ quy phạm pháp luật nào hướng dẫn.

Vụ án 2: Gia đình ông Nguyễn S và ông Đoàn Quốc Đ ở cạnh nhau tại thônVP, xã NP, thị xã N; do tranh chấp đất đai nên thường xảy ra mâu thuẫn. Khoảng 16 giờ ngày 10/01/2021, ông S đi ngang nhà ông Đ chửi to tiếng thì bà Trần Thị Mỹ L (vợ ông Đ) đang ở trong sân lên tiếng dẫn đến 2 bên cãi nhau và ông S bỏ đi. Một lúc sau, ông S nhìn thấy ông Đ đi về vừa mở cổng vào nhà thì nhặt đá chạy đến đứng ngoài đường ném vào sân nhưng không trúng ai, khi đó Nguyễn Minh Th (con ông S) đang ở gần thấy vậy cũng nhặt đá chạy theo sau ông S và ném vào qua trúng đầu ông Đ gây thương tích, sau đó Th lấy đá ném tiếp vào trụ cổng nhà ông Đ rồi bỏ về. Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 86/TgT-TTPY ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Trung tâm pháp y tỉnh K kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Đoàn Quốc Đ là 04%. Vụ án sau khi xét xử sơ thẩm đã bị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo hướng sửa bản án, ngoài tình tiết dùng hung khí nguy hiểm tại điểm a khoản 1 Điều 134 cần áp dụng thêm tình tiết có tính chất côn đồ theo điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS 2015. Có quan điểm cho rằng, sau khi 2 ông S, Đ cãi nhau xong thì Th cố ý dùng đá ném gây thương tích cho ông Đ là có tính chất côn đồ. Ý kiến khác lại nhận định, 2 gia đình ông S và ông Đ do tranh chấp đất đai nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, mâu thuẫn không riêng gì giữa 2 ông S, Đ mà là mâu thuẫn thường xuyên của 2 gia đình với nhau; Th là con ông S, trong cùng gia đình, cùng lợi ích nên hành vi của Th không có tính chất côn đồ.

Hành vi “Có tính chất côn đồ” hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào nêu khái niệm thống nhất và phân tích kỹ lưỡng, đây là một khái niệm hoàn toàn mang yếu tố định tính, việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính chất côn đồ hay không chủ yếu dựa vào nhận thức, quan điểm từng người khi nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ. Thực tế, một số vụ án cố ý gây thương tích vì lý do nhỏ nhặt hoặc không có lý do, chỉ dựa vào một số yếu tố chính như nhân thân người dùng vũ lực, người dùng vũ lực có “lập tức” hay không để đánh giá hành vi phạm tội đó có tính côn đồ không chưa toàn diện. Quan điểm người viết cũng cho rằng, cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với những người vì lý do nhỏ nhặt hoặc không có lý do gì đã ngay lập tức đập phá, hủy hoại sản của người khác; tuy nhiên cần phải được hướng dẫn cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật để nhận thức, áp dụng thống nhất.

Để đánh giá “Có tính chất côn đồ” hay không phải tùy từng vụ án cụ thể và đánh giá nhiều yếu tố khác như nhân thân; hung khí, công cụ, phương tiện và cách thức sử dụng; cường độ tấn công, vị trí tấn công, tương quan lực lượng, lỗi của các bên trong phát sinh mâu thuẫn, mâu thuẫn đã có từ trước hay vừa xảy ra mâu thuẫn, mâu thuẫn của nhiều người trong các nhóm lợi ích khác nhau hay giữa từng cá nhân; không gian, thời gian, địa điểm, đặc điểm tâm sinh lý, nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án, vụ việc....Có như vậy mới xác định đúng và giải quyết vụ án, vụ việc đúng quy định của pháp luật; đặc biệt là xác định rõ ràng để xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý hình sự khi cấu thành điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự; tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người không có tội./.

Ngọc Thắng

Liên kết website

Thông kê truy cập