Thời hạn và cách tính thời hạn được qui định tại Điều 96 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và được giữ nguyên nội dung điều luật, qui định tại Điều 134 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Ban biên tập trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Hoàng Kim Ngọc về vấn đề này.
Vấn đề áp dụng qui định về thời hạn và cách tính thời hạn được qui định cụ thể tại Điều luật và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 (gọi tắt là Thông tư 05), tuy nhiên việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược. Trong phạm vi bài viết này, tôi đưa ra quan điểm, phân tích, trao đổi nhằm đạt được một cách hiểu thống nhất trong việc áp dụng qui định về thời hạn và cách tính thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Vấn đề 1: Cách tính thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam.
Điều 96 BLTTHS năm 2003 và Điều 134 BLTTHS năm 2015 qui định:
“1.Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày và tháng. Đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì một tháng được tính là ba mươi ngày.
2.Trong trường hợp có đơn hoặc giấy tờ được gửi qua bưu điện thì thời hạn được tính theo dấu bưu điện nơi gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ được gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, trại giam thì thời hạn được tính từ ngày Ban giám thị trại tạm giam, trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.”
Quan điểm thứ nhất: với quy định trên thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 BLTTHS năm 2003; Điều 168 và Điều 169 BLTTHS năm 2015 đều tính bằng tháng và một tháng là 30 ngày.
Ví dụ: Ngày 01/01/2016, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội cướp giật tài sản theo k2 Điều 136 BLHS 1999. Ngày 03/01/2016 A bị bắt tạm giam 04 tháng theo tội danh đã khởi tố. Thời hạn điều tra là 04 tháng kể từ ngày 01/01/2016 đến ngày 28/4/2016 (120 ngày) và thời hạn tạm giam đối với A từ ngày 03/01/2016 đến ngày 30/4/2016 (120 ngày).
Quan điểm thứ hai: Thời hạn điều tra được tính theo tháng, một tháng được tính từ ngày đầu tiên của thời hạn (ngày khởi tố vụ án) và ngày kết thúc của tháng được tính vào ngày trùng của tháng sau, nếu tháng đó không có ngày trùng …Thời hạn tạm giam được tính bằng tháng và một tháng là 30 ngày không kể tháng đó có đủ 30 ngày hoặc có ngày trùng hay không.
Ví dụ: lấy lại ví dụ trên thì thời hạn điều tra đối với A là 04 tháng kể từ ngày 01/01/2016 đến ngày 01/5/2016 (04 tháng) và thời hạn tạm giam đối với A từ ngày 03/01/2016 đến ngày 30/4/2016 (120 ngày).
Tôi thống nhất với cánh hiểu của quan điểm 2.
Điều luật đã quy định: “..Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì một tháng được tính là ba mươi ngày…”.
Như vậy, ngay Điều luật đã nêu rõ, chỉ có thời hạn tạm giam được tính 01 tháng là 30 ngày, còn thời hạn điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 96 BLTTHS năm 2003 và Điều 134 BLTTHS năm 2015 thì một tháng được tính từ ngày đầu tiên của thời hạn (ngày khởi tố vụ án) và ngày kết thúc của tháng được tính vào ngày trùng của tháng sau, nếu tháng đó không có ngày trùng …Với cách hiểu của quan điểm thứ nhất rõ ràng không đúng với quy định của BLTTHS.
Vấn đề 2: Cách tính thời hạn tạm giữ:
Theo hướng dẫn tại Thông tư 05 thì Lệnh tạm giữ phải ghi cụ thể giờ, ngày tạm giữ và trên cơ sở quy định về cách tính thời hạn theo Điều 96 BLTTHS năm 2003 và Điều 134 BLTTHS năm 2015, quy định về thời hạn tạm giữ tại Điều 87 BLTTHS năm 2003 và Điều 118 BLTTHS năm 2015 thì hiện nay có 01 quan điểm khá phổ biến về cách tính thời hạn thể hiện trong Lệnh tạm giữ của Cơ quan điều tra.
Quan điểm này cho rằng: Thời hạn tạm giữ được tính theo giờ, ngày và một ngày tính tròn là 24 tiếng. Giờ kết thúc ghi trong lệnh trùng với giờ thực hiện Lệnh bắt, tạm giữ hay giờ mà Cơ quan điều tra nhận người bị bắt..
Ví dụ : Nguyễn Văn A bị tạm giữ lúc 10 giờ ngày 15/01/2016. Lệnh tạm giữ 3 ngày kể từ 10 giờ ngày 15/01/2016 đến 10 giờ ngày 18/01/2016 (thời hạn tạm giữ 72 giờ là 03 ngày).
Theo tôi quan điểm trên không chính xác. Bởi lẽ, trong trường hợp người bị tạm giữ tiếp tục bị tạm giam thì sẽ phát sinh một khoảng thời gian mà người bị tạm giữ bị tạm giữ không có Lệnh. Cụ thể:
Điều 87 BLTTHS năm 2003 và Điều 118 BLTTHS năm 2015 qui định: “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày”.
Tại mục 6 của Thông tư 05 qui định: “nếu tạm giam liên tục với tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ, không tính trùng thời hạn tạm giữ.”. Theo qui định tại Điều 96 BLTTHS năm 2003 và Điều 134 BLTTHS năm 2015 thì ngày đầu tiên của Lệnh tạm giam được bắt đầu từ lúc 00 giờ, kết thúc vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng theo Lệnh.
Trở lại ví dụ trên, thì thời hạn tạm giam tiếp theo ghi trong Lệnh tạm giam phải được hiểu là từ 00 giờ ngày 19/01/2016 – đây là ngày đầu tiên của thời hạn tạm giam theo qui định được tính tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ và không trùng lên thời hạn tạm giữ. Như vậy, do một ngày kết thúc ở 24 giờ và bắt đầu tại 00 giờ nên khoảng thời gian từ 10 giờ ngày 18/01/2016 đến 00 giờ ngày 19/01/2016 (14 giờ đồng hồ) người bị tạm giữ mà không có lệnh.
Quan điểm của tôi thì thời hạn tạm giữ và cách tính thời hạn tạm giữ cần phải hiểu thống nhất như sau: Thời hạn tạm giữ là 03 ngày, giờ và ngày đầu tiên của thời hạn là giờ và ngày thực hiện việc bắt, tạm giữ hoặc Cơ quan điều tra nhận người bị bắt đến 24 giờ ngày hôm đó là kết thúc ngày đầu tiên của thời hạm tạm giữ, 02 ngày tiếp theo kết thúc ở 24 giờ.
Ví dụ: Lấy lại ví dụ trên, thời hạm tạm giữ đối với A trong trường hợp này là từ 10 giờ ngày 15/01/2016 đến 24 giờ ngày 17/01/2016.
Từ thời điểm bắt đầu theo qui định tại Điều 87 BLTTHS năm 2003 và Điều 118 BLTTHS năm 2015 đến 24 giờ của ngày thực hiện việc bắt hay nhận người bị bắt đó phải được tính là 01 ngày tạm giữ mà không tính xem có đủ 24 giờ đồng hồ hay không, 02 ngày còn lại của thời hạn tạm giữ kết thúc ở 24 giờ.
Với cách hiểu này là hoàn toàn chính xác và phù hợp với các qui định của BLTTHS và hướng dẫn tại Thông tư 05 về cách tính thời hạn tạm giữ. Trong bất kỳ trường hợp nào, người bị tạm giữ luôn bảo đảm có lệnh khi bị tạm giữ và thời hạn tạm giữ đều không quá 03 ngày.
Trên đây là quan điểm của tôi về thời hạn và cách tính thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, rất mong được tranh luận, trao đổi ý kiến phản hồi, qua đó chúng ta có 01 cách nhìn chính xác
Hoàng Kim Ngọc - Phòng 15 VKSND Tỉnh Khánh Hoà