Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nêu rõ: Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất phong phú, thể hiện toàn bộ di sản và cuộc đời hoạt động của Người. Trong đó, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng là xuất phát từ yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng

* Về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Đây không chỉ là đặc thù của Việt Nam mà còn là sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn gắn bó với dân tộc, là “con nòi” của dân tộc, được toàn dân gọi là Đảng ta.

Quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ thực tiễn Việt Nam

* Về vai trò lãnh đạo và bản chất của Đảng

Về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mệnh trước hết “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng dựa trên cơ sở Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, thực hiện vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Tuy số lượng ít so với dân số nhưng giai cấp công nhân có đầy đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo đất nước thực hiện những mục tiêu của cách mạng.

Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, nên được toàn thể nhân dân lao động và cả dân tộc thừa nhận và đi theo. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền, nhưng là quyền do nhân dân ủy nhiệm, nhân dân mới thực sự là chủ. Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. Hồ Chí Minh sáng lập Đảng ta cũng đồng thời là tác giả đầu tiên soạn thảo Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định, Đảng chân chính cách mạng phải là Đảng tiên phong về lý luận, khoa học, lại còn phải tiêu biểu cho đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, toàn tâm toàn ý vì nhân dân và dân tộc.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.

* Tính tất yếu khách quan của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Người chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng.

* Nội dung công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

- Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng

Phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, lý luận. Hồ Chí Minh lưu ý: Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ. Đảng ta phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong quá trình Đảng lãnh đạo. Các nghị quyết của Đảng được xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi, sẽ ngày càng làm sáng tỏ những vấn đề mới trong thực tiễn, bổ sung và làm cho đường lối của Đảng ngày càng hoàn thiện.

- Xây dựng Đảng về tổ chức

Về hệ thống tổ chức của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Trong hệ thống tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

- Xây dựng Đảng về đạo đức

Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Người nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài”. Không như vậy, Đảng sẽ rơi vào thoái hóa, biến chất, tha hóa, xa dân, tự đánh mất sức mạnh tự bảo vệ. Sức mạnh ấy từ dân mà ra, do dân gây dựng, phát triển. Người cho rằng: Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh. Họ là con người, ai cũng có hai mặt tốt - xấu, thiện - ác thường xuyên đấu tranh với nhau. Trong điều kiện môi trường tốt, nếu cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lùi mặt ác, mặt xấu và ngược lại.

   Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Quang Liêm

Liên kết website

Thông kê truy cập