Tác phẩm “Sửa đối lối làm việc” được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu vào năm 1948, gồm 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy vấn đề kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Bác viết dung dị nhưng lập luận chặt chẽ, câu từ sâu sắc, toàn diện. Cả 6 phần Bác đều nêu những khuyết điểm của cán bộ đảng viên; nhưng tập trung nhất là phần III - Tư cách và đạo đức cách mạng, và đây cũng là phần có vị trí đặc biệt quan trọng và có độ dài nhất trong tác phẩm của Người. Ở đây, Bác yêu cầu mỗi đảng viên phải thực hiện một cách nghiêm túc mối quan hệ giữa lời nói và việc làm “chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành” và nêu nhiệm vụ cụ thể của mỗi cán bộ đảng viên phải làm gì, làm như thế nào để thực hành lý luận. Bác viết “Vô luận thế nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”. Trái lại, những cán bộ, đảng viên nào “ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại..vv đó đều là trái với lợi ích của Đảng”, Bác lấy “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” là những phẩm chất cơ bản của đạo đức cách mạng; đó là cơ sở, cái cốt lõi để thực hành lý luận. Người cũng chỉ rõ, trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “Chí công vô tư”, cho nên mắc phải chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa này như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các chứng bệnh nguy hiểm. Đọc “Tư cách và đạo đức cách mạng” trong “Sửa đổi lối làm việc” chúng ta càng hiểu và thấm nhuần hơn tư tưởng phấn đấu tu dưỡng của mỗi cán bộ cách mạng, để có đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất đạo đức cách mạng, lãnh đạo bằng đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào hiện thực cuộc sống. Trong phần III - Tư cách và đạo đức cách mạng của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, cần nghiên cứu làm rõ hai vấn đề lớn, gồm:
- Thứ nhất: Bản chất tư cách của Đảng cách mạng chân chính, Bác đưa ra 12 điều thuộc về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, đó là:
1. Đảng không phải là tổ chức làm quan, phát tài. Đảng phải là tổ chức lãnh đạo nhân dân vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ.
2. Cán bộ phải hiểu lý luận và gắn lý luận với thực hành.
3. Khi Đảng ra một chỉ thị phải dựa vào những điều kiện thiết thực và những kinh nghiệm của các nước trên thế giới và của địa phương; phải do quần chúng kiểm soát các khẩu hiệu, chỉ thị xem có đúng hay không.
4. Luôn luôn phải xem xét tất cả các công tác của Đảng. Mọi công tác phải đứng về phía quần chúng.
5. Phải dạy cán bộ, đảng viên, nhân dân tinh thần yêu nước, cần kiệm liêm chính.
6. Mỗi một công việc của Đảng vừa phải giữ nguyên tắc vừa phải liên hiệp dân chúng để vừa lãnh đạo, vừa học hỏi và vừa nâng cao dân chủ.
7. Mỗi một công việc của Đảng phải giữ được tính cách mạng và khéo linh hoạt để có được cách thức đấu tranh và tổ chức tốt hơn để thực hiện được lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.
8. Đảng không che giấu khuyết điểm, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm để tự sửa chữa, tự tiến bộ và dạy cán bộ, đảng viên “Nếu tự Đảng giấu giếm những khuyết điểm là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ vì đâu mà có những khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tim mọi cách để sửa chữa nó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
9. Phải chọn những người rất trung thành, hăng hái; đoàn kết họ trở thành một nhóm trung kiên lãnh đạo.
10. Phải luôn luôn đẩy bỏ những phần tử thù oán ra ngoài.
11. Phải giữ kỷ luật nghiêm từ trên xuống dưới. Tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất quán, tự giác.
12. Đảng phải luôn luôn xét lại các Nghị quyết, chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không hóa ra lời nói suông. Đồng thời còn có hại tới lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Người viết “Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài, nó phải làm trọn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Cán bộ của Đảng phải biết lý luận, mọi công việc của Đảng phải đứng về phía quần chúng, cán bộ đảng viên phải liên hệ chặt chẽ với dân chúng, Đảng không che dấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình; Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm kiên trung lãnh đạo; Đảng phải giữ kỷ luật nghiêm từ trên xuống dới. Để kết luận về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh viết:
“Muốn cho Đảng được vững bền
Mười hai điều đó chớ quên điều nào”…