Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH TRONG TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” (kỳ 4)

- Thứ hai: Đạo đức cách mạng (phận sự của đảng viên và cán bộ).

Khi đánh giá vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người viết rằng “Cũng giống như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người cán bộ, đảng viên phải “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết…vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng”. Đảng viên và cán bộ phải có “đạo đức cách mạng”; Người khái quát và đi sâu phân tích những phẩm chất đạo đức từ “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” một cách xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. “Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Trí vì không có việc tư túi, nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng… Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại vinh hoa, phú quý không chính đáng. Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình…Chỉ có một thứ là ham học, ham tiến bộ…” Để làm rõ hơn phận sự của Đảng viên và cán bộ, ta có thể phân tích, nắm bắt 2 vấn đề chính sau:

Một là: Vai trò của đạo đức cách mạng là hết sức quan trọng; nó liên quan đến sự thành bại trong công việc của Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh khẳng định; đạo đức cách mạng như gốc của cây, nguồn của sông, là căn bản của mỗi Đảng viên và cán bộ. Nếu không có đạo đức cách mạng, nếu tự mình hủ hóa, xấu xa thì không những không làm được gì mà còn không lãnh đạo được cách mạng dù cho có tài giỏi đến mấy.

Hai là: Nội dung của đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa từ tri thức chuẩn mực của văn hóa phương Đông và từ truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam nói riêng; với những bổ sung và phát triển về chất cho phù hợp với yêu cầu sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Xuất thân từ gia đình nhà Nho, từ tinh hoa của các bậc Thánh hiền như Khổng Tử (Nhân bao hàm 2 yếu tố chủ yếu là thương yêu con người và giúp con người cùng với các tiêu chí “Cung kính”, “Khoan hậu”, “Thành tín”, “Cần mẫn”, “Từ huệ”). Người đã nâng “Nhân” lên tầm cao mới mang tính Đảng, tính cách mạng; con người là đồng bào, đồng chí; những suy nghĩ, hành động có hại đến nhân dân, đng chí, có hại đến Đảng thì phải chống; mình phải là trụ cột cho mọi người, lo trước mọi người, hưởng sau mọi người; không sợ cực khổ, không ham uy quyền…Nghĩa, theo văn hóa phương Đông là cách ứng xử giữa người với người phụ thuộc vào địa vị, quan hệ của mình đối với người khác trong gia đình, ngoài xã hội như vợ chồng, cha mẹ con, nghĩa thầy trò, nghĩa vua tôi, bạn hữu…Nhưng “Nghĩa” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ứng xử ngay thẳng, không tư tâm, không làm điều bậy, không có việc gì giấu Đảng; thấy việc gì phải thì phải làm, phải ủng hộ; thấy việc gì trái thì phải tránh; không sợ phê bình…Trí, theo Người không chỉ là trí thức hay kinh nghiệm con người có được qua quá trình sống, chiến đấu, lao động, học tập; mà Trí còn là phải tự rèn mình sao cho không làm việc gì một cách mù quáng, để cho đầu óc ta luôn trong sạch, sáng suốt; biết xem người, biết xem việc để luôn biết dùng, biết cất nhắc người tốt; biết loại bỏ những phần tử hủ hóa, biết việc gì lợi để làm, biết việc hại để tránh. Dũng, theo Bác dạy không chỉ là sự can đảm, gan dạ, bất khuất mà còn là bản lĩnh, trung thực để chiến thắng chính mình. Đó là phải có gan làm việc đúng, việc phải; có gan sửa chữa “khuyết điểm mình phạm phải, có gan chịu đựng gian khổ, khó khăn; thậm chí hy sinh cả tính mạng nếu đó là lý tưởng, là việc lợi cho dân, cho Đảng, cho nước. Maxim-Gorki viết “Khó khăn gian khổ là dòng sữa mẹ nuôi lớn những anh hùng hào kiệt” quả thật đúng với “Dũng” của Bác Hồ. “Liêm”, theo Bác là không lấy của người làm của mình, ít lòng tham muốn vật chất; không tham sung sướng; không tham địa vị, tiền tài, không tham kẻ tâng bốc mình…ĐẠO ĐỨC mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm này không phải là đạo đức thủ cựu, thuần túy, là đạo đức phong kiến mà là đạo đức mới, ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG. Đạo đức cách mạng không phải vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của Đảng, là ấm no hạnh phúc của nhân dân, tổ quốc, dân tộc và cả loài người.

Nói tóm lại, đạo đức cách mạng gồm năm tính tốt là “Nhân, Nghía, Trí, Dũng, Liêm”. Những đức tính này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa từ đạo đức Nho giáo, mang đậm bản săc văn hóa dân tộc “Lấy chí nhân thay cường bạo, Đem đại nghĩa thắng hung tàn”; nhưng Người đã bồi đắp vào đó những nội dung mới phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của cách mạng nước ta, tươi mới và sâu sắc ở chỗ “Không phải là đạo đức thủ cựu, nó là đạo đức mới, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, nhưng cũng phải nhận thức được Đức và Tài có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Có đức phải có tài, nếu không sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn có hại cho nhân dân. Mặt khác, phải thấy trong đức có tài, mà tài càng lớn đức phải càng cao, vì đức, tài là nhằm phục vụ nhân dân và đưa cách mạng đến thắng lợi. Không những thế, theo Bác, người cán bộ, Đảng viên “phải giữ kỷ luật”.

Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác; “không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ tiên phong. Mà đó là tự giác, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên”. Ngoài ra “đối với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi kỷ luật nghiêm khắc của Đảng mà xin ra khỏi Đảng thì Đảng vẫn bằng lòng để họ ra. Đảng chỉ yêu cầu họ một điều là: Họ thề không tiết lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng. Như thế thì Đảng vẫn giữ tình cảm thân thiện với họ”, phải khắc phục “những khuyết điểm, sai lầm”; đó là “bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh hữu danh vô thực, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị(không nhìn xa trông rộng), bệnh cá nhân, bệnh tị nạnh, bệnh a dua xu nịnh”. Hàng loạt các bệnh Người “chuẩn đoán” thì khi nhìn vào bản thân mỗi chúng ta cũng nhận ngay ra bệnh gì mình mắc phải; có thể một bệnh, có thể nhiều bệnh, có thể có người mắc hầu hết các bệnh để từ đó mạnh dạn, trung thực, thẳng thắn và tự giác sữa chữa bằng được, như mong muốn của Người. Bác cũng nhắc về bệnh sợ tự phê bình, và khẳng khái: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Phải bình tĩnh tìm ra nguyên nhân sai lầm và cách sửa cữa khuyết điểm. Bác nói “Đảng không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng”. Bác nghiêm khắc nhưng chân thành phê phán thái độ đối với người có khuyết điểm, sai lầm như đối với hổ mang, thuồng luồng, đòi đuổi ra khỏi Đảng ngay, làm cho họ chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh chủ quan, duy ý chí, dễ mắc sai lầm.
Thứ ba: Tư cách và bổn phận của Đảng viên.

Hồ Chí Minh viết về tiêu chuẩn người Đảng viên; thể thức giới thiệu, kết nạp người vào Đảng; rèn luyện, giáo dục Đảng viên mới. Người chỉ rõ bổn phận của người đảng viên là “Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc, đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết, hết sức giữ gìn kỷ luật và giữ bí mật của Đảng; kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng; cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc, cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng

Thứ tư: Phải rèn luyện tính Đảng:

Bác căn dặn: “Mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”. Tính Đảng là “phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau. Đảng viên phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phải kiên quyết thực hành kỷ luật. Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, để đảm bảo tính liên hoàn, khoa học, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, logic, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố cục tác phẩm thành Sáu mục từ I đến VI; mỗi mục lại đề cập đến các vấn đề cấp bách theo đòi hỏi của thực thế Cách mạng Việt Nam. Mặc dù Mục III - “Tư cách đạo đức cách mạng” - có nhiều nội dung quan trọng nhất đã được phân tích ở trên thì các mục còn lại (gồm: Phê bình và sửa chữa; Mấy vấn đề kinh nghiệm; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo và Chống thói ba hoa) đều có mối liên hệ biện chứng, hữu dụng, chặt chẽ với nhau và không thể tách rời trong tác phẩm. Nghiên cứu các vấn đề trong mỗi mục sẽ thấy có sự cần thiết, gắn kết với các vấn đề trong mục khác nhằm đi đến một mục đích cao cả là hạnh phúc của nhân dân, vì dân phục vụ.

Mục thứ nhất: Phê bình và sửa chữa. Bác yêu càu phải nhận thức và thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng, các nguyên tắc đảm bảo cho Đảng tồn tại và phát triển, đó là thực hiện phê bình và tự phê bình. Cán bộ, đảng viên cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm để công việc ngày càng tiến bộ. Giải pháp cho việc này là các cơ quan  phải tổ chức ủy ban học tập, đề ra kế hoạch nghiên cứu, thảo luận, kiểm tra và thực hành, xác định thời gian, tài liệu và cách thức học tập. Phải Sửa đổi lối làm việc của Đảng nhằm khắc phục bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, hẹp hòi, bệnh ba hoa.

Mục thứ hai: Mấy vấn đề kinh nghiệm. Người yêu cầu phải nhận thức được vài trò của lý luận và đổi mới việc giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên; khắc phục cho được bệnh coi thường lý luận, lý luận suông, sách vở, giáo điều, phải học tập lý luận chính trị một cách thiết thực, tránh hình thức. Mục này nêu rõ những điểm cơ bản sau.

Một là: Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong.

Hai là: Chính sách khẩu hiệu thì đúng, nhưng cách làm, cách thực hành chưa đúng vì thế kết quả chưa đạt được mỹ mãn.

Ba là: Phải nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc. Bất kỳ công việc gì thành công hoặc thất bại cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận; đó là chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới.

Bốn là: Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái, bất kỳ việc to, nhỏ; hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả việc làm, tăng mức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, thì đều là sáng kiến.

Năm là: Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm với nhân dân.

Sáu là: Cần khắc phục hai chứng bệnh ở cán bộ là bệnh khai hội và bệnh nể nang không thiết thực, sợ mất lòng.

Mục thứ ba: Tư cách đạo đức cách mạng. Đã phân tích ở trên.

Mục thứ tư: Vấn đề cán bộ. Người đề cập đến vài trò quyết định của đội ngũ cán bộ và phải đổi mới cách đánh giá, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Mục này, Bác phân tích các tiêu chí một cách sâu sắc, toàn diện.

Một là: Cần phải huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận cho cán bộ.

Hai là: Biết dạy cán bộ và dùng cán bộ; phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng, giữ gìn cán bộ.

Ba là: Lựa chọn cán bộ, phải chọn những người rất trung thành và hăng hái trong công việc, luôn luôn quan hệ mật thiết với dân chúng, có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn, luôn giữ kỷ luật.

Bốn là: Có năm cách đối với cán bộ; đó là chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo và giúp đỡ cán bộ.

Năm là: Chính sách cán bộ; đó là hiểu cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ và phê bình cán bộ.

Mục thứ năm: Cách lãnh đạo, đưa ra cách lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng ra quyết định đúng đắn kịp thời, tổ chức thực hiện đúng, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đúng đắn. Lãnh đạo đúng là quyết định mọi vấn đề cho đúng, tổ chức thi hành cho đúng, tổ chức kiểm soát cho đúng. Muốn lãnh đạo đúng, người lãnh đạo phải có mối liên hệ chặt chẽ với các tầng lớp dân chúng. Và bất kỳ công việc gì cũng phải dùng hai cách lãnh đạo; đó là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng và liên hợp người lãnh đạo với quần chúng.

Mục thứ sáu: Chống thói ba hoa; Người nêu lên tầm quan trọng của đối mới công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; nhất là phải đổi mới cách nói và viết của cán bộ, đảng viên, khắc phục tệ ba hoa, sáo rỗng và nói không đi đôi với làm.

Như vậy; đã 72 năm từ khi Bác viết “Sửa đổi lối làm việc”, toàn bộ nội dung, ý nghĩa của tác phẩm đến nay vẫn thật sự cần thiết và còn nguyên giá trị.

Ngọc Bình - VKSND thị xã Ninh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập