Quy định tại Điều 5- Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) về “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” được xác định là một trong những nguyên tắc có tính cơ bản của BLTTDS. Theo đó, các đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ, việc dân sự, tức là chỉ khi đương sự có yêu cầu khởi kiện bằng đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu thì Tòa án mới xem xét thụ lý, giải quyết yêu cầu, khởi kiện đó của đương sự. Nguyên tắc này còn đảm bảo tối đa “quyền tự định đoạt” của đương sự khi xác định đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình so với yêu cầu khởi kiện trước đó (Khoản 2-Điều 5-BLTTDS).
Song, vấn đề đặt ra là liệu đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hay không ? Thực tế cho thấy nhiều trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự liên tục thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu hoặc sau khi Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đương sự mới có thay đổi, bổ sung yêu cầu. Giả sử, nếu xem xét yêu cầu này của đương sự thì Tòa án phải quay lại giai đoạn xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ yêu cầu của đương sự trước khi đưa ra phán quyết, song cũng không loại trừ sau khi thay đổi , bổ sung yêu cầu thì tại phiên tòa đương sự lại rút yêu cầu này. Điều này rõ ràng không chỉ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án của Tòa án mà còn làm lãng phí thời gian, tài chính của các bên đương sự cũng như kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Vướng mắc trên làm cho các cơ quan thực thi pháp luật gặp không ít lúng túng trong một thời gian dài trước đây khi phải đối mặt với vấn đề này.
Kể từ sau khi có hiệu lực, BLTTDS năm 2015 đã phần nào tháo gỡ khó khăn này, song thiết nghĩ vẫn chưa triệt để. Bởi, theo quy định tại khoản 3- Điều 200- BLTTDS quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, xác định “bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” và khoản 2- Điều 201- BLTTDS cũng quy định về quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, xác định “người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Điều này cho thấy, đối với yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập thì Tòa án chỉ chấp nhận xem xét khi yêu cầu hoặc thay đổi yêu cầu của bị đơn hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đưa ra trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Trong khi trên thực tế nguyên đơn là người đưa ra yêu cầu khởi kiện có thể có thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình so với yêu cầu tại đơn khởi kiện nhưng BLTTDS lại chưa quy định mốc thời điểm cụ thể để xem xét việc chấp nhận hay không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu như đối với bị đơn hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Mặc dù theo quy định tại Điều 70, Điều 233 và Điều 234-BLTTDS đều xác định nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu của mình. Tuy nhiên, nội dung các quy phạm này cho thấy BLTTDS chỉ mới giới hạn việc xem xét, chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn trong trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm nếu việc thay đổi, bổ sung đó của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Vậy, trước khi đưa vụ án ra xét xử nếu nguyên đơn có thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Có chấp nhận hay không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó của nguyên đơn ?
Nghiên cứu quy định tại các Điều 208, 209, 210, 211- BLTTDS có thể thấy rằng mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là một thủ tục tố tụng hoàn toàn mới so với quy định tố tụng trước đây. Mục đích của phiên họp này là nhằm xác định rõ các nội dung có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án như thế nào, bao gồm: yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của các đương sự; những vấn đề các bên đương sự thống nhất được; những vấn đề các bên đương sự chưa thống nhất được và yêu cầu Tòa án giải quyết; các tài liệu, chứng cứ mà các bên đương sự đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; việc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Đồng thời, việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ có ý nghĩa bảo đảm quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự, bảo đảm cho các đương sự có điều kiện thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, tức là BLTTDS “chốt” lại những vấn đề, những nội dung liên quan đến việc phải xem xét, giải quyết vụ án của Tòa án và thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ được xác định là thời điểm “chốt” nên kết quả phiên họp này là một trong những cơ sở có ý nghĩa quan trọng để Tòa án quyết định ra một trong các các quyết định được quy định tại khoản 3-Điều 203-BLTTDS, bao gồm: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trước mắt, để giải quyết vướng mắc này Tòa án nhân dân tối cao có công văn số 01/2017 ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án các địa phương, trong đó tại mục 7, Phần IV đã hướng dẫn thực hiện nội dung như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.
Như vậy, trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được chấp nhận. Trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện từ thời điểm Tòa án mở phiên họp trở đi thì việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ được chấp nhận nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Hướng dẫn này của ngành Tòa án phù hợp với quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan được quy định tại khoản 3-Điều 200 và khoản 2- Điều 201-BLTTDS.
Vì thế, thiết nghĩ nhằm đảm bảo cho các quy định của pháp luật tố tụng dân sự ngày càng hoàn thiện; là cơ sở pháp lý cụ thể cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật, BLTTDS năm 2015 cần bổ sung thêm nội dung này vào Chương XII. Cụ thể, cần xác định thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là thời điểm để xem xét việc yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với phạm vi chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn tương ứng với nội dung được quy định tại khoản 3-Điều 200 và khoản 2- Điều 201-BLTTDS như quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan ./.
Ngọc Thuận - Phòng 9