Việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu cũng như việc rút yêu cầu khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, có hiệu lực ngày 01/7/2004 (Sau đây xin được viết tắt là BLTTHS). Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 thì: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Khoản 2 Điều luật cũng quy định: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ...” Như vậy, BLTTHS đã quy định trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm người bị hại rút yêu cầu khởi tố ( đối với các tội phạm nêu ở khoản 1, điều 105 BLTTHS) thì vụ án phải được đình chỉ.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật các cơ quan tiến hành tố tụng có những quan điểm khác nhau về ngày mở phiên tòa sơ thẩm.
Bài viết này chúng tôi xin đề cập đến vấn đề ngày mở phiên toà sơ thẩm của một vụ án cụ thể được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và sau đó người bị hại rút yêu cầu khởi tố.
Nội dung vụ án như sau: Khoảng 19 giờ ngày 11/10/2015, Nguyễn Văn H đến nhà bạn gái là chị N, ở thôn K, xã S, huyện C chơi. Trong quá trình nói chuyện thì giữa H và N phát sinh mâu thuẫn, cãi nhau nên N bỏ đi vào trong nhà. H bực tức nên nhặt đá ném vào tường nhà, ông Đ (cha của N) đi ra bảo H về. H không về mà nhặt đá ném ông Đ. Sau đó H cãi vã, xô sát với gia đình ông Đ. Qúa trình xô sát, cãi vã H đập 1 quạt điện, làm chiếc quạt bị hư hỏng hoàn toàn (giám định về thiệt hại là 128.000đ). Sau đó H dùng phần động cơ của cây quạt này đánh ông Đ, làm ông Đ bị gãy kín 1/3 giữa xương quay trái (Giám định tỷ lệ thương tật của ông Đ là 6%). Cho đến ngày 16/10/2015, ông Đ có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Ngày 16/3/2016, H bị VKSN D huyện C truy tố H về các tội Huỷ hoại tài sản theo quy định tại khoản 1, Điều 143 Bộ luật hình sự (tài sản là chiếc quạt tuy chỉ thiệt hại chưa đến 2.000.0000đồng, nhưng trước đó ngày 07/9/2015 H bị chủ tịch UBND xã S xử phạt hành chính với số tiền 2.000.000 đồng về hành vi Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác) và tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự.
Ngày 07/4/2016, Toà án nhân dân huyện C ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử và ấn định thời gian mở phiên tòa vào lúc 08 giờ ngày 21/4/2016. Tuy nhiên, tại phiên toà ngày 21/4/2016, do vắng mặt người bị hại Đ, những người làm chứng nên HĐXX hoãn phiên Toà. Quyết định hoãn phiên tòa ấn định thời gian mở lại phiên toà vào lúc 08 giờ ngày 10/5/2016.
Ngày 10/5/2016, Toà án mở lại phiên Toà xét xử vụ án. Trước khi khai mạc phiên Toà, ông Đ trình HĐXX đơn xin bãi nại và rút yêu cầu khởi tố hình sự đối với H. HĐXX quyết định hoãn phiên toà để làm rõ nội dung yêu cầu của ông Đ và ấn định thời gian mở phiên toà vào lúc 08 giờ ngày 27/5/2016.
Tại bản án sơ thẩm số 21 ngày 27/5/2016, TAND huyện C áp dụng điểm a,i khoản 1 điều 104; điểm b,p khoản 1, khoản 2 điều 46 BLHS xử phạt H 9 tháng tù về tội cố ý gây thương tích ( Riêng tội Hủy hoại tài sản xử phạt 9 tháng tù, do tội danh này không liên quan đến những vấn đề cần tranh luận trong bài viết này nên chúng tôi không đề cập 1 cách chi tiết)
Sau khi bản án số 21 ngày 27/5/2016 của TAND huyện C tuyên xử có nhiều quan điểm khác nhau về đường lối xét xử.
Quan điểm thứ nhất: Theo quy định tại khoản 2, Điều 105 BLTTHS thì vụ án cố ý gây thương tích nêu trên được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là ông Đ. Vì người bị hại Đ có đơn rút yêu cầu khởi tố đối với H trước ngày 27/5/2016 (ngày mở phiên toà sơ thẩm) thì phải tòa án phải đình chỉ xét xử với tội danh cố ý gây thương tích. Quan điểm này coi ngày 25/7/2016 là ngày mở phiên tòa sơ thẩm.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngày 07/4/2016, Toà án nhân dân huyện C có quyết định đưa vụ án ra xét xử và ấn định thời gian mở phiên toà vào lúc 08 giờ ngày 21/4/2016. Quan điểm này coi ngày 21/4/2016 là ngày mở phiên tòa sơ thẩm. Do vậy, trường hợp ông Đ rút đơn yêu cầu khởi tố sau ngày 21/4/2016 thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung. Khi đến phần nghị án Hội đồng xét xử thảo luận và ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 BLHS hoặc miễn hình phạt cho bị cáo H theo quy định tại Điều 54 BLHS. Quan điểm này cho rằng ngay tại điểm 3, điều 178 của BLTTHS quy định về nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng phải quy định về: Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Đồng tình với quan điểm thứ hai là ngày 07/4/2016, Toà án nhân dân huyện C có quyết định đưa vụ án ra xét xử và ấn định thời gian mở phiên toà vào lúc 08 giờ ngày 21/4/2016. Quan điểm này cũng đồng ý ngày 21/4/2016 là ngày mở phiên tòa sơ thẩm. Nhưng về đường lối xử lý lại khác. Cụ thể trong trường hợp ông Đ rút đơn yêu cầu khởi tố sau ngày 21/4/2016 thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung và vẫn tuyên xử bị cáo H về tội Cố ý gây thương tích. Việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì HĐXX xem đó là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng cho bị cáo (như trường hợp người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo).
Tại khoản 2, điều 155, Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định rõ việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố (đối với những tội danh, điều khoản cụ thể và trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ). Nhưng rất tiếc là có sự sai sót nên việc thi hành BLTTHS năm 2015 phải dừng lại. Do vậy, các quy định của BLTTHS năm 2003 vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành và về ngày mở phiên tòa sơ thẩm vẫn còn có những quan điểm khác nhau.
Qua trang tin điện tử của Ngành, chúng tôi rất mong được các đồng nghiệp, bạn đọc trao đổi để trong qúa trình thực hành công tố và kiểm sát xét xử đối với vụ án cố ý gây thương tích (mà người bị hại rút yêu cầu khởi tố) có căn cứ pháp lý, tránh vi phạm nghiêm trọng THHS trong việc giải quyết vụ án./.
N.T.H - Viện KSND huyện Cam Lâm