Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

Chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII năm 2025

KIẾN NGHỊ PHÒNG NGỪA ĐỐI VỚI VIỆC CHỨNG THỰC GIẤY UỶ QUYỀN TẠI VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì ủy quyền là việc cá nhân, pháp nhân cho phép cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền của mình có được một cách hợp pháp để quyết định, thực hiện hành động pháp lý nào đó liên quan đến quyền lợi của các bên hoặc lợi ích cAủa người đã ủy quyền trong phạm vi ủy quyền. Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.

Trong tố tụng dân sự, ủy quyền là việc một người (người ủy quyền) giao cho người khác (người được ủy quyền) thay mặt mình thực hiện các công việc liên quan đến vụ án dân sự. Việc ủy quyền trong tố tụng dân sự là một quy định quan trọng, giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về uỷ quyền.

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 65/2024/TLST-DS ngày 18/3/2024 của Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn: bà Nguyễn Thị Ánh, sinh năm 1961, địa chỉ: Thôn Tây, Ninh Vân (nay là xã Ninh Phước), thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà với bị đơn: ông Nguyễn Thành Long, sinh năm 1969, địa chỉ: Đống Đa, Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hòa nhận thấy:

Trong vụ án này có bà Đặng Thị Hồng Liêm tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Ngày 08/4/2024 tại Văn phòng Công chứng Đinh Vân, bà Liêm đã uỷ quyền cho ông Huỳnh Thành thay mặt bà tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng tại Toà án và được Văn phòng Công chứng chứng thực việc uỷ quyền này với số chứng thực 24, quyển số 01/2024.

Theo Điều 77 Bộ luật TTDS thì: “Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng …”

Còn theo Điều 78 Bộ luật tố tụng dân sự thì người làm chứng có các quyền, nghĩa vụ như sau:

“1. Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.

2. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.

8. Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp ...

9. Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình

…”
Như vậy đối chiếu với quy định của pháp luật thì không có điều luật nào cho phép người làm chứng được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trong vụ án. Họ phải trực tiếp có mặt theo triệu tập của Tòa án và nếu việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì họ có thể bị dẫn giải. Do đó việc Văn phòng Công chứng Đinh Vân công chứng văn bản ủy quyền nêu trên là không phù hợp với pháp luật nên cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về sau.

Để không xảy ra vi phạm trong việc công chứng văn bản ủy quyền cho người khác làm chứng thay mình trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hòa kiến nghị các Văn phòng Công chứng trên địa bàn thị xã Ninh Hoà cần rà soát, chấn chỉnh khắc phục (Nếu có) và không để vi phạm lập lại.

VKSND thị xã Ninh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập