Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH TRONG TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” (Kỳ 5)

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 105-HD/BTGTW ngày 11/10/2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Kế hoạch số 145 ngày 31/12/2019 của Đảng bộ thị xã Ninh Hòa về học tập và thực hiện chuyên đề năm 2020 về ; "Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Ðảng và hê thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hòa tiếp tục thực hiện việc tìm hiểu tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Người; qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn đơn vị về những nội dung cơ bản, những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh qua “Sửa đổi lối làm việc”

- Quan điểm về nhân dân:

Hồ Chí Minh đánh giá vai trò của nhân dân là hàng đầu: “Chúng ta phải tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt, lúc nào họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: Những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm. Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên”. Yêu thương, kính trọng, gắn bó, đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân; coi nhiệm vụ đó là hạnh phúc lớn lao của đời người cách mạng; đó là tính nhân văn cao cả, tập trung tất cả tư tưởng làm nên sự vĩ đại của tư tưởng, tình cảm, của trí tuệ tâm hồn và nhân cách lớn của nhân loại, nhân cách Hồ Chí Minh.

- Quan điểm về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện Đảng cầm quyền:
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề này là một hệ thống quan điểm toàn diện, phong phú. Dựa trên nền tảng những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê nin, dựa trên hoàn cảnh thực tiễn của lịch sử và cách mạng nước ta, Bác đã vận dụng và phát triển những nguyên lý đó một cách sáng tạo, hiệu quả, linh hoạt, mạng lại những thành công có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng từ đó đến nay, kể cả trong tương lai. Các nguyên tắc để xây dựng Đảng kiểu mới bao gồm:



NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH TRONG TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” (Kỳ 5)
Bác Hồ tham gia kéo lưới với bà con ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh tư liệu)

Một là: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: Người chỉ rõ, phải tập thể lãnh đạo, vì một người khôn ngoan, tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng không thể trông thấy và xem xét mọi mặt của vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Về cá nhân phụ trách, việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch định rõ rồi thì cần giao cho một người hay một nhóm người phụ trách, đây là quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau”. Hiện nay, do không nẵm vững nguyên tắc nay nên nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều đơn vị để xảy ra hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, độc đoán chuyên quyền, lợi ích nhóm… gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng. Đảng ta cũng thẳng thắn nhận định “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ: (Nghị quyết TW 4 - Khóa 11 - Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay). Từ đó, để đấu tranh phòng, chống, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Từng cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, rèn luyện, có chương trình hành động cụ thể, tạo được bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức, quyết tâm sửa mình theo gương Bác. Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần được tiến hành toàn diện, song phải có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giác ngộ cách mạng của cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, hết lòng phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Từng cán bộ, đảng viên phải “tự răn mình” trước cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thống nhất giữa nói và làm, gương mẫu chấp hành Chỉ thị, Nghị quyết, Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội.

Hai là: Tự phê bình và phê bình: Đây cũng là một quan điểm mang tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, bởi đây là quy luật phát triển, là vũ khí để rèn luyện Đảng viên và xây dựng Đảng. Người đặt “Tự phê bình” lên trước “Phê bình”, tự phê bình và phê bình trước hết để soi vào mình, để thấy rõ mình hơn và người khác giúp mình thấy rõ mình hơn. “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là làm cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”. Hiện nay, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống” cũng phần lớn từ nguyên nhân không chịu trang bị cho mình thứ “vũ khí” tự phê bình và phê bình; hoặc được trang bị đầy đủ lý luận về công tác xây dựng Đảng, nắm rõ vị trí, tầm quan trọng mang tính quy luật của công tác này nhưng không sử dụng, không dám sử dụng dẫn đến nói suông, lý luận sáo rỗng, làm cho tính chiến đấu trong Đảng, làm cho vũ khí của Đảng bị dần mai một, kém tác dụng. Người dạy “Mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng và công việc thực tế” là vậy. Và “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo léo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta cũng nhất định thắng lợi”. Đây cũng là hoạt động thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, nhằm để tự tu dưỡng, giúp nhau cùng tiến bộ và củng cố đoàn kết nội bộ. Theo tổng kết một năm thực hiện Nghị quyết TW 4 Khóa XI của Ban Tuyên giáo trung ương về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ thực trạng “nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý”, cấp dưới không dám phê bình khuyết điểm của cấp trên còn khá phổ biến, cấp trên thường “giành thành tích về mình nhưng cấp dưới e ngại sợ trù ám, sợ luân chuyển… là thực trạng đáng lo ngại cần mạnh dạn nêu ra để khắc phục, sửa chữa. Tự phê bình và phê bình chỉ thật sự đạt kết quả cao khi cấp ủy và người đứng đầu nêu cao tính tiên phong gương mẫu, gợi mở và tiếp thu chân thành, tiếp thu nghiêm túc tất cả các ý kiến đóng góp, chỉ có như vậy cơ quan, đơn vị mới trở thành khối đoàn kết, trong sạch, vững mạnh như người cha già ân cần chỉ dạy: Cán bộ càng cao, đảng viên trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Để có kết quả tốt, trước hết cái tâm phải trong sáng, cái đầu phải tỉnh táo; “Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”. Đối với tổ chức Đảng thì “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Ba là: Vấn đề cán bộ, đảng viên: Từ mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tết - xã hội 2011-2020 của Đảng ta là “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”; đòi hỏi các tổ chức Đảng và toàn Đảng một năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu mới, trong đó vấn đề then chốt nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết TW Đảng khóa XI nhận định vẫn có không ít cán bộ, Đảng viên còn yếu kém. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, Đảng viên là rất nghiêm trọng, không ít cán bộ, đảng viên yếu kém về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tụt hậu về trí tuệ, năng lực tư duy, năng lực tổ chức và hoạt động thực tiễn trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng. Tuổi bình quân của cán bộ ngày một cao, lực lượng kế cận hụt hẫng, sự không thống nhất giữa nói và làm… là vấn đề đáng lo ngại. Trong khi phần lớn cán bộ, đảng viên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, bằng con đường phi pháp giàu lên nhanh chóng, gây nên sự bất bình chính đáng trong quần chúng, đồng thời tạo ra kẽ hở để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dung tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá đảng. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, chúng ta cần phải tập trung vào các giải pháp:

- Thứ nhất: Cần tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo dức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, chống chủ nghĩa cá nhân - Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấy rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, chủ nghĩa cá nhân sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, lối sống tư sản có nhiều cơ hội để thâm nhập vào nước ta, tác động mạnh vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những người bản lĩnh chính trị kém, không chịu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo dức cách mạng dễ bị sa ngã. Hơn nữa, một trong những nội dung chống phá quyết liệt nhất của các thế lực thù địch đối với Đảng và cách mạng nước ta là thông qua sự tha hóa về phẩm chất đạo đức lối sống của từng cán bộ, đảng viên để làm lu mờ bản chất giai cấp công nhân, tính cách mạng của Đảng. Tình trạng “Chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chay tuổi, chạy bằng cấp… chưa được khắc phục…,” trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, tự diễn biến, tự chuyển hóa có những chuyển biến phức tạp” ngay từ bên trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh của cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề thực sự cấp bách, đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị công tác nào cũng không được bằng lòng với chính mình về trình độ hiểu biết, đạo đức và tác phong trong công việc. Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong rèn luyện, học tập, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, đạo đức lối sống.

- Thứ hai: Cần đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên - Văn kiện Đại hội XI của Đảng chỉ rõ “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý Nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoành thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân…”. Do vậy, cán bộ, đảng viên cần được bồi dưỡng trình độ học vấn về lý luận chính trị, khoa học - kỹ thuật, quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật để hoàn hành nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu chung trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế tri thức phát triển, toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập rộng rãi.

- Thứ ba: Cần đổi mới việc nhận xét đánh giá cán bộ, phân loại đảng viên, thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương luân chuyển cán bộ - Giải pháp này có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, đảng viên. Giải pháp này phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ, sự tín nhiệm, vị trí việc làm. Nhận xét đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào sự vững vàng về chính trị, vào công việc được đảm nhiệm, vào sự đúng đắn của những quyết định và hiệu quả của nó trong thực tiễn, vào sự quy tụ cán bộ cấp dưới và uy tín trong quần chúng, căn cứ vào đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình cán bộ, mối liên hệ với nhân dân…

- Thứ tư: Tăng cường nguồn lực có chất lượng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giải pháp này đòi hỏi tập trung thực hiện tốt những nội dung như: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội; đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, thực sự trở thành nơi thu hút thanh niên, đoàn viên, hội viên tham gia phong trào học tập, lao động; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đổi mới hình thức tuyên truyền, nêu gương cán bộ, đảng viên tốt để quần chúng học tập, noi theo, qua đó dìu dắt, hướng dẫn, động viên họ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng, phát động, tổ chức và duy trì tốt các phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để phát hiện, lựa chọn những quần chúng ưu tú bổ sung cho đội ngũ của Đảng.

- Quan điểm thực tiễn và nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn.

Có thể khẳng định rằng, thực tiễn cuộc sống, thực tiễn cách mạng đã hun đúc nên con người Hồ Chí Minh, mọi nhận thức, hành động của Người đều xuất phát từ thực tiễn, coi trọng các quy luật vận động và phát triển của thực tiễn để “ứng xử” với thực tiễn một cách linh hoạt theo triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cũng chình từ yêu cầu thực tiễn đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XX, nhân dân mất nước, cơ cực lầm than, sống đời nô lệ mà Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, mang lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Với Người, thực tiễn không đồng nghĩa với thực dụng, thiển cận, kinh nghiệm của nghĩa. Bác là người học, tìm, nhận thức và xác định được tầm quan trọng của lý luận có ý nghĩa quyết định đến thực tiễn. Tháng 7 năm 1920, qua báo Nhân đạo (L’Humanite’) Pháp, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của V.I. Lênin về vẫn đề dân tộc và thuộc địa, Người viết “Luận cương của V.I. Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng của chúng ta”. Lý luận chính là sự khái quát cao từ các quy luật hình thành, vận động, phát triển và biến đổi của thực tiễn, lý luận lại được vận dùng vào thực tiễn một cách khoa học, sáng tạo. Lý luận phải gắn với thực tiễn mới trở thành lý luận “sống”, lý luận có khoa học, mang hơi thở của đời sống xã hội. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết “kém lý luận hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông” mà người cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan. Cũng chính vì kém lý luận mà cán bộ ta gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, ý mình nhĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. Cũng từ kém, khinh lý luận suông mà bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa dễ nảy sinh và phát triển. Do đó, đối với Đảng Cộng sản, phải có một lý luận tiền phong. “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế là “Lý luận chân chính”. Mối quan hệ giữa lý luận và thực tiến là mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ với nhau, là tiền đề và kết quả của nhau. “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”. Qua đó, Bác đánh giá cao vai trò của lý luận trong mối quan hệ với thực tiễn. “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Trong những năm gần đây, một số bộ, ngành của nước ta đã chưa thực sự vận dụng sâu sắc, triệt để quan điểm này của Bác nên chủ quan, duy ý chí, xa rời thực tế, ban hành những Thông Tư, Quy định trái với thực tiễn đời sống xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân (như quy định cộng điểm cho bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thịt Lợn chỉ được bán trong 8 tiếng, ngực “lép” không được điều khiển phương tiện giao thông, xe chính chủ, giấy chứng minh nhân dân phải ghi tến bố mẹ, quy định về số lượng vòng hoa đi viếng, phạt 5 triệu đồng khi nghe điện thoại ở cây xăng, quy định về đổi giờ học, giờ làm, quy định về đỗ, lưu thông xe ngày chẵn lẻ, quy định tổ chức tang lễ cho cán bộ, công chức, viên chức “không để ô cửa có lắp kính trên nắm quan tài…” mới thấy được rằng, tư tưởng “nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị giáo dục, định hướng cho mọi hoạt động điều hành, quản lý xã hội.

- Quan điểm về phong cách diễn đạt, tuyên truyền.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã chỉ ra ba hạng khuyết điểm “Khuyết điểm về tư tưởng, tức bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức bệnh hẹp hòi” và “Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa”. Để có phong cách điễn đạt, tuyên truyền, trước hiết cần phải có nội dung tuyên truyền, nhưng có ai nghĩ về thực trạng bất ngờ này: Theo số liệu báo cáo của Chính phủ năm 2014, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trong tổng số 1574 văn bản được kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 312 văn bản trái pháp luật, trong đó 186 văn bản sai căn cứ pháp lý, 64 văn bản sai hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung. Với 312 văn bản sai phạm như vậy, sau khi truyên truyền thì người dân sẽ thực thi ra sao? Muốn tập hợp, phát huy sức mạnh của dân chúng, vấn đề quan trọng là phải có cách tuyên truyền, vận động hợp lý, khoa học, nhất là nói và viết sao cho hiệu quả, làm thế nào mà “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ các tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng”. Theo ý Bác, việc nói, viết của cán bộ, đảng viên phải phản án đúng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, đúng với thực tế khách quan, phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, rõ mục đích. Người phê phán lỗi diễn đạt dài dòng, rỗng tuếch “Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy mực, mất công người xem”. Về phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng, Bác yêu cầu “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”, luôn dùng lời lẽ, những thí dụ giản dị, thiết thực và dễ hiểu. Khi nói, khi viết, phải luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết, trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Và mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hãy nghe dân phê bình. “Vi mô rồi lại vĩ mô, cuối cùng chẳng biết chi mô mà làm”, để chiêm nghiệm, nghiêm khắc với bản thân trong lời ăn, tiếng nói, cách diễn đạt, tuyên truyền và kiên quyết sửa chữa ngay những thói “ba hoa” ấy.

Tóm lại, “Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm chính trị quan trọng của Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Đây là tác phẩm có tính chiến đấu, tính Đảng, tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm ngắn gọn nhưng bao quát nhiều vấn đề quan trọng, những nguyên tắc tối cần thiết trong cách thức, phương pháp, lề lối, tổ chức, thực hiện…của Đảng, Nhà nước, chính quyền và của từng cán bộ, đảng viên. Tác phẩm đưa ra những khiếm khuyết, những giải pháp trong quan hệ giữa hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, đảng viên với quần chúng nhân dân. Toàn bộ tác phẩm toát lên những tư tưởng lớn lại, những tư duy biện chứng, khoa học mang tính quy luật, tính nguyên tắc, và những tư tưởng ấy vẫn nóng hổi hơi thở thời đại, vẫn còn sáng người giá trị giáo dục, định hướng trong quá trình xây dựng, phát triển từng ngày của đất nước.

N.N.T - VKSND thị xã Ninh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập