Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính về thời hiệu xem xét hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong những năm qua, các quan hệ tranh chấp về dân sự, hành chính trong những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến đa dạng và phức tạp. Việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các chủ thể sử dụng đất đã kéo theo nhiều vụ kiện hành chính, trong đó loại án người khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp chiếm một số lượng không nhỏ, nếu như không muốn nói đây là loại án hành chính tương đối phổ biến hiện nay. Điều này đã đặt ra cho Thẩm phán, Kiểm sát viên - những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính phải có những kiến thức, sự am hiểu sâu rộng về việc giải quyết loại án này. Thẩm phán, Kiểm sát viên phải nắm vững các căn cứ, quy định pháp luật từ giai đoạn xem xét, đảm bảo các điều kiện về thụ lý vụ án cho đến giai đoạn đưa vụ án ra xét xử và ban hành Bản án, trong đó việc xem xét, đảm bảo cho vụ án hành chính về yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thụ lý đúng quy định của pháp luật là một nội dung hết sức quan trọng mà Thẩm phán, Kiểm sát viên cần nắm vững để thực thi nhiệm vụ theo đúng pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1-Điều 123-Luật Tố tụng hành chính, Tòa án không tiến hành thụ lý vụ án mà thực hiện việc trả lại đơn khởi kiện cho người gửi đơn kiện khi thuộc một trong các trường hợp: người khởi kiện không có quyền khởi kiện; người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ; trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó; sự việc đã được giải quyết bằng Bản án hoặc Quyết định đã có hiệu lực pháp lực; sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33-Luật Tố tụng hành chính; đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại Khoản 1-Điều 118-Luật tố tụng hành chính mà không được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 luật này; hết thời hạn được thông báo quy định tại Khoản 1-Điều 125-Luật tố tụng hành chính mà người khởi kiện thuộc trường hợp phải nộp tạm ứng án phí không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí của Tòa án. Như vậy, theo quy định tại Khoản 1-Điều 123-Luật Tố tụng hành chính, trường hợp khi nhận đơn khởi kiện mặc dù xác định được rõ ràng thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án cũng không được trả lại đơn khởi kiện do không có căn cứ

Tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại Điều 143-Luật Tố tụng hành chính thì một trong những căn cứ để Tòa án án đình chỉ giải quyết vụ án hành chính đã thụ lý thời hiệu khởi kiện đã hết (điểm h-Khoản 1). vậy, chúng ta có thể hiểu khi có căn cứ xác định người khởi kiện gửi đơn khởi kiện quá thời hạn 01 năm, kể từ ngày họ nhận được hoặc biết được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân làm ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì việc họ khởi kiện không được Tòa án chấp nhận do thời hiệu khởi kiện không còn. Song, điều đáng nói là quy định tại Điều 123 -Luật Tố tụng hành chính đã dẫn đến Tòa án dù có căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện đã hết nhưng khi nhận đơn khởi kiện Thẩm phán cũng không được trả lại đơn khởi kiện mà phải tiến hành đình chỉ giải quyết sau khi thụ lý xong. Điều này vừa không thống nhất với các quy phạm khác của chính pháp luật tố tụng hành chính, thể hiện ở việc  Điều 143-Luật tố tụng hành chính quy định các trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện nhưng Tòa án đã thụ lý thì phải tiến hành đình chỉ việc giải quyết vụ án (điểm h-Khoản 1), cho thấy Tòa án đã thụ lý thì cũng không thể giải quyết, trong khi căn cứ hết thời hiệu khởi kiện đã rõ ràng thì việc buộc Tòa án phải thụ lý để rồi sau đó lại phải thực hiện việc đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định này thực sự gây nên sự lãng phí không đáng có về thời gian, tài chính, công sức ... của đương sự và các Cơ quan tiến hành tố tụng. Bất cập này cũng tương tự như quy định tại điểm g-Khoản 1-Điều 217-Bộ luật tố tụng dân sự với quy định tại Điều 192-Bộ tố tụng dân sự về trả lại đơn khởi kiện và quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS 2015 về “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra Bản án, Quyết định giải quyết vụ việc”. Thực tế này, dẫn đến có Tòa án đã áp dụng điểm a-Khoản 1-Điều 123-Luật Tố tụng hành chính để trả lại đơn khởi kiện cho người gửi đơn vì cho rằng chính việc thời hiệu khởi kiện không còn thì coi như đương sự không có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, quan điểm này cũng chưa thuyết phục, bởi lẽ trường hợp “không có quyền khởi kiện” chỉ đồng nhất với trường hợp “không còn quyền khởi kiện” về kết quả, còn về bản chất thì không hoàn toàn như nhau và đến nay cũng chưa có hướng dẫn nào về pháp luật tố tụng xác định nội dung này là đồng nhất.

Đồng thời, theo Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xác định là Quyết định hành chính. Tuy nhiên, quan điểm xem xét đối với vấn đề thời hiệu khởi kiện giữa vụ án hành chính và vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại hoàn toàn trái ngược nhau. Cụ thể, cũng liên quan đến vấn đề xem xét thời hiệu nhưng đối với việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật khi giải quyết vụ án dân sự thì theo hướng dẫn tại Điều 5-Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 6/01/2014 của Liên ngành Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 lại quy định “Tòa án không áp dụng thời hiệu quy định trong pháp luật tố tụng hành chính khi xem xét yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật”, cho thấy đối với yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp mà có căn cứ xác định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân là trái pháp luật thì Tòa án không áp dụng thời hiệu khi giải quyết vụ án dân sự, trong khi đối với vụ án hành chính thì việc giải quyết vụ án có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp thì phải xem xét về thời hiệu khởi kiện như đã phân tích ở trên; trường hợp Tòa án đã thụ lý mà xác định thời hiệu khởi kiện không còn thì phải đình chỉ giải quyết vụ án. Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất trong công tác xây dựng pháp luật, dẫn đến tình trạng các quy phạm pháp luật điều chỉnh ở một số ngành luật lại có xung đột nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng, thực thi pháp luật, tạo sự bất bình đẳng về quyền lợi của công dân khi tham gia vào các vụ án  tranh chấp về dân sự, hành chính như hiện nay.

Vì vậy, thiết nghĩ đối với chúng ta là những người trực tiếp làm công tác bảo vệ pháp luật và các nhà xây dựng luật cần có quan điểm thống nhất, đồng bộ khi nhìn nhận về vấn đề này. Cụ thể, cần xác định “thời hiệu khởi kiện đã hết” là một trong các căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại các Điều 123-Luật tố tụng hành chính và Điều 192-Bộ luật tố tụng dân sự. Việc quy định như trên sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc giải quyết được một phần lượng án tồn, cũng như từng bước dần tháo gỡ những bất hợp lý trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật như hiện nay./.

Ngọc Thuận

Liên kết website

Thông kê truy cập