Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC – MỘT TRONG NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG TRONG NGÀNH KIỂM SÁT KHÁNH HÒA


Theo Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Như vậy, bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố - thực hiện quyền tư pháp, Viện kiểm sát còn có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp – thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp; thực chất đây là hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật đối với các chủ thể thực hiện, tham gia các hoạt động tư pháp. Có thể nói, Viện kiểm sát là cơ quan độc lập, duy nhất vừa được giao nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp, vừa thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp của Nhà nước ta. Để thực hiện tốt các chức năng này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ngành kiểm sát bắt buộc phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng; trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng trong ngành.

Một trong những biện pháp để phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân (kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021); áp dụng đối với công chức, viên chức đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp, có vị trí làm việc trong lĩnh vực công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Đồng thời quán triệt các nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác cụ thể sau: định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhằm phòng ngừa tham nhũng; việc chuyển đổi vị trí công tác phải phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật về công chức, viên chức và quy định của pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân; phải dảm bảo sự bình đẳng, khách quan, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ của người được chuyển đổi vị trí công tác, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị; phải được thực hiện theo kế hoạch và công khai, minh bạch trong cơ quan, đơn vị; nghiêm cấm lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức vì vụ lợi, để trù dập hoặc vì động cơ cá nhân.

Xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh việc thường xuyên tăng cường công tác quản lý, giáo dục công chức và người lao động; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành kiểm sát nhân dân; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề toàn khóa 2020 – 2025 về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Trung ương khóa XII về “ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xem trọng công tác giáo dục rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân gắn với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành; nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong đơn vị; Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tại các đơn vị trực thuộc để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngành Kiểm sát Khánh Hòa đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 56/KH-VKS ngày 20/01/2022 về việc chuyển đổi vị trí công tác năm 2022, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của đơn vị. Việc  xác định rõ mục đích, yêu cầu của kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; cụ thể hóa đối tượng phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, phương thức, số lượng và thời gian thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; làm tiền đề để nâng cao nhận thức của người đứng đầu các đơn vị và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch trong toàn ngành. Kết quả trong 04 tháng đầu năm năm 2022, ngành Kiểm sát Khánh Hòa chỉ thực hiện chuyển đổi đổi vị trí công tác 07 trường hợp (trong đó: 02 trường hợp chuyển đổi vị trí công tác từ Viện kiểm sát cấp huyện đến Viện kiểm sát cấp tỉnh; 05 trường hợp chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác tại Viện kiểm sát cấp huyện). Các trường hợp chuyển đổi vị trí công tác đều được thực hiện theo đúng nguyên tắc và quy định về thời hạn định kỳ chuyển đổi, tiếp tục phát huy năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và bảo đảm hiệu quả công tác tại đơn vị.

Trong thời gian tới, để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2022, ngành Kiểm sát Khánh Hòa cần tiếp tục quán triệt việc nâng cao hơn nữa nhận thức của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc về tầm quan trọng của việc chuyển đổi vị trí công tác đối với nhiệm vụ phòng ngừa tham nhũng tại đơn vị được giao phụ trách; đồng thời thực hiện hiệu quả việc phổ biến, quán triệt về vị trí công tác định kỳ chuyển đổi, thời hạn định kỳ chuyển đổi và nguyên tắc chuyển  đổi vị trí công tác đến toàn thể công chức trong ngành. Hoàn thành tốt những nhiệm vụ trên mới đảm bảo việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu kế hoạch đã đề ra, vừa phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, vừa bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị.



Phòng TCCB

Liên kết website

Thông kê truy cập