Thời gian qua, trong cả nước xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động về việc hiến mô, tạng của những người không may mắc bệnh nan y hoặc rủi ro tai nạn không thể tiếp tục duy trì cuộc sống, đã lan tỏa thành phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được nhiều người đang sống đăng ký thực hiện theo. Việc cứu sống những người đang chờ mòn mỏi việc cấy, ghép tạng để tiếp tục sống đã gửi gắm thông điệp đầy yêu thương trong cuộc sống, đó là: “Cho đi là còn mãi”. Đời người dù dài hay ngắn, dù chỉ sống trong phút giây nhưng nếu trao sự sống cho người khác thì dù không còn trên cõi đời này nữa, họ vẫn sống mãi trong lòng người ở lại.
Trên thực tế, một người hiến tạng có thể cứu sống không chỉ một người, nhiều cuộc đời tưởng chừng như khép chặt lại được mở ra. Câu chuyện cảm động của bé Hải An hiến giác mạc gây xúc động cho toàn xã hội, đã thôi thúc nhiều người hiến tặng mô, tạng; hay là mới đây, câu chuyện xúc động của anh Dương Hồng Quý – nam bệnh nhân chết não đã hiến mô, tạng cứu sống 06 bệnh nhân.
Như vậy, phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng càng càng được lan tỏa sâu rộng. Công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Rất nhiều người đều hiểu và biết rõ việc hiến mô, tạng là hành động cứu người, song không dễ dàng để thực hiện, bởi có rất nhiều rào cản từ quan niệm của gia đình và suy nghĩ tâm linh….do đó, việc tình nguyện hiến mô tạng vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi nhiều người bệnh đang khao khát sống phải chờ mòn mỏi và ra đi do không có nguồn tạng để ghép.
Tính mạng người là rất quý, nhưng một khi không thể duy trì được sự sống thì hiến mô, tạng cho người sống còn qúy hơn trăm lần, vạn lần. Việc hiến tạng lúc này không chỉ là việc giúp người mà là việc cứu sống được một mạng người hay có thể nhiều mạng người. Vì vậy, việc hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa nhất, nhân văn nhất. Lúc này, sự ra đi của những người hiến mô, tạng không còn là hư không, vô nghĩa mà bởi từ cái chết này, sự ra đi này mà một sự sống khác được hồi sinh, là sự sống được sẻ chia; Sự “cho đi và còn mãi” của họ sẽ trở thành động lực để những người sống học tập, làm theo - đúng theo ý nghĩa của Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” của Bộ Y tế, chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái vì con người.
Bản thân tôi, từ nhiều câu chuyện cảm động của những người hiến tạng để cứu sống tính mạng người khác, qua thời gian đấu tranh tư tưởng cũng như thuyết phục gia đình về việc ý nghĩa của hiến mô, tạng là việc giúp cho cái chết trở thành món quá quý giá cho cuộc sống, đã thực hiện được việc đăng ký tình nguyện hiến mô, tạng sau khi chết.
Hy vọng, mỗi người trong chúng ta cần tìm hiểu nhiều hơn về việc đăng ký hiến tạng sau khi chết để có thêm một khía cạnh giúp đánh giá đúng lợi ích của việc hiến mô, tạng. Đối với một gia đình khi có những người thân không may qua đời và tình nguyện hiến mô, tạng thì việc một phần cơ thể của người đã mất vẫn tiếp tục được sống để cứu giúp người khác thì dù không còn trên cõi đời nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng người ở lại. Việc cứu được dù chỉ một mạng người thật sự quý giá biết bao nhiêu và điều này khiến cho cuộc đời của người đã mất trở nên ý nghĩa và trọn vẹn hơn.
Lê Thị Hồng Lan - VKSND Tp. Cam Ranh