Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

MỘT SỐ BẤT CẬP, KHÓ KHĂN TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TẠM GIAM ĐỐI VỚI LOẠI TỘI PHẠM VỀ MA TÚY

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội về ma túy trên địa bàn huyện Cam Lâm diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Với đặc thù là Huyện nằm dọc tuyến Quốc lộ 1A, phía Bắc giáp ranh với xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh), xã Phước Đồng (thành phố Nha Trang), phía Nam giáp ranh với phường Cam Nghĩa (thành phố Cam Ranh), đây là các khu vực nhạy cảm về tệ nạn ma túy. Đặc biệt tại địa bàn Huyện có Khu công nghiệp Suối Dầu là nơi thường tập trung nhiều thành phần từ các địa phương khác tới lao động, sinh sống và làm ăn. Các đối tượng ma túy chủ yếu là người địa phương. Để có ma túy, các đối tượng thường gom tiền ra thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh hoặc vào khu vực phường Cam Nghĩa (thành phố Cam Ranh) mua về phân lẻ để sử dụng và bán lại kiếm lời. Công tác tuần tra, kiểm soát đối với ma túy trong thời gian qua đã được các cơ quan chức năng tăng cường nhưng việc phát hiện và xử lý còn gặp nhiều khó khăn vì loại tội phạm này hoạt động rất tinh vi, đơn lẻ, “hàng hóa” được phân chia nhỏ; sử dụng điện thoại để liên lạc, giao dịch và chỉ bán ma túy cho đối tượng quen biết từ trước; thường xuyên thay đổi nơi giao hàng và cất giấu; bán lưu động bằng xe mô tô, gắn máy…

Theo thống kê hiện nay cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn Huyện đều có người nghiện ma túy với 81 trường hợp có hồ sơ quản lý. Các đối tượng sử dụng ma túy với tuổi đời còn rất trẻ, có nhiều trường hợp chỉ mới 15 - 16 tuổi. Các địa phương tập trung nhiều đối tượng nghiện ma túy là: Cam Thành Bắc, Suối Tân, Suối Cát và Cam Đức. Trong năm 2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cam Lâm đã khởi tố 03 vụ/03 bị can về các tội: Mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm ra Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 07 trường hợp (chỉ riêng trong tháng 01/2019, Toà án đã ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 03 trường hợp).

Tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa thời gian qua xảy ra 02 vụ án gây xôn xao dư luận liên quan đến ma túy đều do các đối tượng có hộ khẩu thường trú tại địa bàn huyện Cam Lâm thực hiện, điển hình là vụ án Giết mẹ và em trai xảy ra ngày 05/01/2019 tại thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc do Nguyễn Võ Ngọc Bảo, sinh năm 2000 (là đối tượng thường xuyên sử dụng ma túy đá) thực hiện hoặc vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” xảy ra ngày 21/10/2018 tại địa bàn thành phố Nha Trang với số lượng 2,9 kg ma túy đá do đối tượng Trần Minh Hoàng, sinh năm 1991 thường trú tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm thực hiện.

Thông qua vụ án Trần Minh Hoàng cho thấy: Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can, bị cáo phạm tội được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chặt chẽ, qua đó góp phần hạn chế được việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam bừa bãi, dẫn đến oan, sai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hạn chế áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng lại gây khó khăn và cản trở đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử. Vì một số đối tượng, cụ thể là đối tượng Trần Minh Hoàng trước khi phạm tội tại thành phố Nha Trang thì vào ngày 18/7/2018, tại địa bàn huyện Cam Lâm, Trần Minh Hoàng đã có hành vi tàng trữ 0,3536g ma túy đá và đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Cam Lâm khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1, Điều 249 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” nhưng sau đó bị can Hoàng đã bỏ trốn và tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn thành phố Nha Trang.

Thiết nghĩ, với tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn huyện Cam Lâm nói riêng thì việc hạn chế áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng được quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự đã gây không ít khó khăn và cản trở đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng; hạn chế đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời dễ gây hiểu nhầm và gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, Ngành cấp trên cần cho ý kiến về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn như trong trường hợp vừa phân tích trên./.

Trần Danh Cảnh - VKSND Cam Lâm

Liên kết website

Thông kê truy cập