Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định. Vấn đề thu phí thi hành án dân sự được quy định tại Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, (sau đây gọi tắt là Luật THADS), Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí (gọi tắt là Nghị định số 120/2016/NĐ-CP); Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS (gọi tắt là Thông tư số 216/2016/TT-BTC).
Tại khoản 7 Điều 3 Luật THADS quy định về trách nhiệm nộp phí thi hành án dân sự như sau: “ Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định”, như vậy người có trách nhiệm nộp phí thi hành án dân sự là người được thi hành án, tức là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
Tại Điều 3 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự là tổ chức thu phí thi hành án dân sự”. Theo đó cơ quan THADS nơi tổ chức thi hành vụ việc, nơi chi trả tiền, tài sản cho người được thi hành án là cơ quan có trách nhiệm thu phí thi hành án.
Đối với mức phí thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC như sau:
“1. Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự như sau:
a) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;
b) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;
c) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng;
d) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng;
đ) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
2. Đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.
Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải thanh toán cho ông A 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:
Số phí thi hành án dân sự ông A phải nộp là: 3% x 200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;
Số phí thi hành án dân sự bà B phải nộp là: 3% x (500.000.000 đồng - 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.
3. Đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư này.
5. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận.”
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự có nhiều quan điểm khác nhau về mức phí thi hành án phải nộp, cụ thể:
Ví dụ: theo Bản án số 07/DS-ST tuyên: bà Trần Thị M được quyền sử dụng đất lô 01 có diện tích 462m2... gắn liền với quyền sử dụng các tài sản gồm: ...mái che phía trước nhà chính có diện tích 20m2. Ông Nguyễn Văn V phải tháo dỡ mái che phía sau nhà chính trên phần lô 01, giao đất cho bà M. Trong quá trình thi hành án hết thời gian tự nguyện thi hành án 10 ngày qua xác minh ông V có điều kiện thi hành nhưng không thực hiện, Chấp hành viên nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở thì ông V đã tự tháo dỡ mái che trên phần đất lô 01 và giao đất cho bà M được Cơ quan thi hành án lập biên bản giao nhận tài sản tương ứng với số tiền 100.000.000đ.
Mức phí thi hành án người được thi hành án phải nộp được tính như sau:
Quan điểm thứ nhất: Trong trường hợp này người phải thi hành án không tự giao đất cho người được thi hành án mà do cơ quan thi hành án tác động nên họ mới thực hiện. Do đó người được thi hành án phải nộp phí thi hành án được tính như sau: 100.000.000đ x 3% = 3.000 .000đ. Bởi vì tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC có nêu “...các đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau...” được hiểu là các đương sự đã tự thực hiện nghĩa vụ với nhau sau đó mới báo cho cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên chỉ là người chứng kiến việc họ tự giao nhận tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự. Đối với trường hợp sau khi đã ra quyết định thi hành án và hết thời hạn tự nguyện thi hành án 10 ngày, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, đốc thúc việc thi hành án nên người phải thi hành án mới thực hiện nghĩa vụ giao nhận tiền, tài sản cho Cơ quan thi hành án để chi trả cho người được thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự.
Quan điểm thứ hai: người được thi hành án phải nộp mức phí thi hành án như sau: 100.000.000đ x 1/3 x 3% = 1.000.000đ. Vì theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC được hiểu là sau khi ra quyết định thi hành án, hết thời hạn tự nguyện thi hành án 10 ngày, mặc dù Chấp hành viên đã tiến hành xác minh, đốc thúc việc thi hành án hoặc kể cả đã ra quyết định cưỡng chế việc thi hành án nhưng chưa tổ chức tiến hành cưỡng chế thi hành án nhưng các đương sự đã giao nhận tiền, tài sản cho nhau thì cũng được xem là các đương sự đã tự giao nhận cho nhau nên mức phí thi hành án người được thi hành án phải nộp là 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo người viết đồng tình với quan điểm thứ hai về mức phí thi hành án người được thi hành án phải nộp trong trường hợp các đương sự đã tự giao nhận tiền, tài sản cho nhau là 1/3 mức phí thi hành án do luật định. Bởi lẽ, tự giao nhận là biểu hiện của sự thỏa thuận của các đương sự. Pháp luật đề cao và khuyến khích các đương sự thỏa thuận, tự nguyện thi hành án cũng là mục tiêu phấn đấu và cũng là sự mong muốn hướng tới của các cơ quan thi hành án nói chung và của các Chấp hành viên nói riêng, góp phần thắt chặt được mối quan hệ đoàn kết, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức và tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Sự tự nguyện thi hành án của người được thi hành án thể hiện ở chỗ họ có thể thỏa thuận với người phải thi hành án về thời gian, địa điểm, phương thức thi hành án, nhưng thỏa thuận này không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Việc tự nguyện thi hành án của người được thi hành án cũng được Nhà nước khuyến khích và được thể hiện dưới một cơ chế khác, đó là người được thi hành án cũng có thể đơn phương tự nguyện đồng ý cho bên phải thi hành án hoãn thi hành án, thời gian hoãn do bên được thi hành án quyết định. Hoặc người được thi hành án cũng có thể đơn phương tự nguyện từ bỏ quyền và lợi ích của họ được hưởng theo bản án quyết định, nếu việc từ bỏ này không làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước hoặc của người khác. Việc tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án có thể được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng với quyết định thi hành án, cũng có thể họ chỉ tự nguyện thực hiện một phần trong các khoản phải thi hành án. Vì vậy, một mặt, phải ghi nhận sự tự nguyện của người phải thi hành án, mặt khác phải tiếp tục động viên, khuyến khích họ nên có thái độ tự giác, tự nguyện trong việc chấp hành pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tôi về mức thu phí thi hành án dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự và Thông tư 216/2016/TT-BTC, rất mong được tranh luận, trao đổi ý kiến phản hồi, qua đó chúng ta có một cách nhìn chính xác.
Minh Phương - VKSND thị xã Ninh Hòa