Khoảng 12 giờ 20 phút ngày xx/7/2014, Hồ Ngọc T điều khiển xe ô tô BKS 79B-xxxxx di chuyển theo hướng từ thị xã N về thành phố NT, tỉnh K. Khi đến Km 14xx+600, Quốc lộ 1A thuộc thôn TĐ, xã NI, thị xã N, tỉnh K; T điều khiển xe ô tô sang bên trái để vượt xe ô tô đi cùng chiều. Do không quan sát kỹ trước khi vượt xe, nên xe ô tô do T điều khiển đã đâm vào xe mô tô BKS 79H1-xxxxx do chị Nguyễn Thị Kiều D điều khiển, chở sau là bà Ngô Thị Kim Th đi hướng ngược chiều. Hậu quả, chị Nguyễn Thị Kiều D chết trên đường đi cấp cứu, bà Ngô Thị Kim Th bị thương (nhưng từ chối giám định thương tích).
Theo Biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì lỗi gây ra tai nạn giao thông hoàn toàn thuộc về Hồ Ngọc T. Sau tai nạn, Hồ Ngọc T đã khắc phục cho gia đình bị hại 187.000.000 đồng và được gia đình bị hại có đơn bãi nại.
Bản thân Hồ Ngọc T có 1 tiền án, ngày xx/12/1997, Tòa án nhân dân tỉnh ĐL xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội “ Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải ” (không có giấy tờ chứng minh đã thi hành xong phần trách nhiệm dân sự).
Ngày x/6/2015 Tòa án nhân dân thị xã N, tỉnh K đã đưa vụ án Hồ Ngọc T ra xét xử, tại bản án HSST số xx/2015 ngày x/6/2015, Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy“…bị cáo xuất thân từ thành phần lao động, có địa chỉ và công ăn việc làm ổn định, thái độ khai báo thành khẩn,ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, được đại diện hợp pháp của người bị hại bãi nại về phần dân sự. Gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình phải nuôi một người em mắc bệnh thần kinh, được chính quyền địa phương xác nhận...” , đã áp dụng khoản 1 Điều 202; các điểm b,p khoản 1 và khoản 2 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Hồ Ngọc T 01 (một) năm tù về tội “ Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Sau khi bản án trên có hiệu lực pháp luật, không hiểu vì sao Tòa án nhân dân tỉnh K lại có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hướng áp dụng thêm điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự (tái phạm), tăng nặng mức hình phạt đối với bị cáo.
Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định: “ Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.”. Như vậy, văn bản đề nghị trên của Tòa án nhân dân tỉnh K là hoàn toàn không có căn cứ.
Nhưng “LẠ” ở chỗ, ngày xx/01/2016, Tòa án nhân dân cấp cao Đ đã kháng nghị bản án HSST số xx/2015 ngày xx/6/2015 của Tòa án nhân dân thị xã N nói trên. Tại kháng nghị số xx/2016/KN-HS này, trong phần xét thấy đã nhận định : “ Hồ Ngọc T có một tiền án về tội “ Vi phạm quy định về an toàn giao thông vận tải”, chưa được xóa án tích, nên lần phạm tội này thuộc trường hợp tái phạm, Tòa án cấp sơ thẩm cũng xác định T có tiền án, nhưng khi quyết định hình phạt lại không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo là sai lầm nghiêm trọng; đồng thời, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông làm chết 01 người và 01 người bị thương ( mặc dù không giám định thương tật) là lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 01 năm tù là nhẹ; không có tác dụng giáo dục, cải tạo riêng cũng như ngăn chặn vào phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này”. Từ đó, kháng nghị Bản án số xx/2015/HSST ngày xx/6/2015 của Tòa án nhân dân thị xã N theo hướng hủy bản án này về phần hình phạt đối với bị cáo Hồ Ngọc T để xét xử sơ thẩm lại theo hướng áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự và tăng hình phạt đối với bị cáo Hồ Ngọc T theo đúng qui định của pháp luật.
Việc Tòa án nhân dân cấp cao Đ kháng nghị bản án trên cũng hoàn toàn không có căn cứ Pháp luật.
Ngày xx/6/2016, Tòa án nhân dân cấp cao Đ mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hồ Ngọc T. Tại quyết định giám đốc thẩm số xx/2016/HS-GĐT, Tòa án cấp cao Đ xét thấy : “.., Hồ Ngọc T tuy đã chấp hành xong hình phạt chính, nhưng chưa chấp hành xong phần quyết định của bản án trước về phần án phí, nên bị cáo vẫn là người có án tích. Do đó, lần phạm tội này của Hồ Ngọc T thuộc trường hợp tái phạm. tòa án cấp sơ thẩm xác định Hồ Ngọc T có tiền án, nhưng khi quyết định hình phạt lại không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo là sai lầm nghiêm trọng.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông làm chết 01 người và 01 người bị thương (mặc dù không giám định thương tật) là lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 01 năm tù là nhẹ, không có tác dụng giáo dục, cải tạo riêng cũng như ngăn chặn và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này”. Từ đó, Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán -Tòa án nhân dân cấp cao Đ tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số xx/2015/HSST ngày xx/6/2015 của Tòa án nhân dân thị xã N, tỉnh K về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hồ Ngọc T để xét xử lại theo nhận định nói trên.
Cũng chưa bàn đến việc áp dụng Nghị quyết 109/2015/QH 13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015 với các chế định có lợi cho bị can, bi cáo; chẳng hạn Điều 29 Khoản 3 BLHS 2015 qui định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự : “ Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng, hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe…của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Qua nội dung vụ án và các quyết định kháng nghị số xx/2016/KN-HS ngày xx/01/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao Đ và Quyết định giám đốc thẩm số xx/2016/HS-GĐT ngày xx/6/2016 của Ủy ban thẩm phán -Tòa án nhân dân cấp cao Đ có thể thấy rằng, các Quyết định này đều không có căn cứ và vi phạm pháp luật Hình sự.
Thời gian tới, với thẩm quyền của mình, liệu Tòa án nhân dân thị xã N đưa vụ án Hồ Văn T ra xét xử theo trình tự sơ thẩm có căn cứ thêm điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS ?, có tăng nặng hình phạt đối với Hồ Văn T theo nhận định trên của Tòa án nhân dân cấp cao Đ không?
N.N.T - Phòng 7