Đoàn Thị Phượng và Lê Thị Phương Ly sống chung tại phòng trọ ở Hà Ra, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Trong quá trình sống ở đây, Đoàn Thị Phượng đã mua ma túy của một người tên Tư (không rõ lai lịch) ở thành phố Hồ Chí Minh về bán cho Vũ Thị Ngọc Phượng và Phan Thanh Thông tại khu vực Đại lộ N (không rõ địa điểm cụ thể), như sau :
- Lần 1 : Vào ngày 18/10/2014, Đoàn Thị Phượng bán 02 cục ma túy với giá 3.500.000 đồng cho Vũ Thị Ngọc Phượng và Phan Thanh Thông.
- Lần 2: Vào ngày 22/10/2014, Đoàn Thị Phượng bán 01 cục ma túy với giá 1.750.000 cho Vũ Thị Ngọc Phượng và Phan Thanh Thông.
- Lần 3: Vào ngày 26/10/2014, Đoàn Thị Phượng bán 02 cục ma túy với giá 3.500.000 đồng cho Vũ Thị Ngọc Phượng và Phan Thanh Thông.
- Lần 4: Vào ngày 31/10/2014, Đoàn Thị Phượng nói Lê Thị Phương Ly đi bán 01 cục ma túy với giá 1.600.000 đồng cho Vũ Thị Ngọc Phượng và Phan Thanh Thông, Ly đồng ý rồi giao lại tiền cho Đoàn Thị Phượng.
Sau đó, Ly nói với Đoàn Thị Phượng để Ly cùng mua ma túy bán cho những người nghiện. Phượng đưa cho Ly 30.000.000 đồng và chỉ cho Ly người tên Tư như trên để Ly vào mua ma túy. Tối ngày 02/11/2014, Ly vào thành phố Hồ Chí Minh mua 45 cục ma túy của người tên Tư với giá 45.000.000 đồng, đến tối 03/11/2014, Ly về đến Nha Trang rồi về phòng trọ cất giấu ma túy.
Đến sáng ngày 04/11/2014, Ly mang 15 cục ma túy về thành phố C để bán. Khi đến khu vực huyện L, Ly bán 01 cục ma túy cho một người tên Nhẫn (chưa rõ lai lịch) với giá 1.700.000 đồng. Đến khoảng 09 giờ cùng ngày, Vũ Thị Ngọc Phượng gọi điện thoại cho Đoàn Thị Phượng hỏi mua 02 cục ma túy. Đoàn Thị Phượng nói gọi cho Ly để mua ma túy. Sau đó, cả hai đều gọi điện thoại cho Ly về việc bán ma túy cho Vũ Thị Ngọc Phượng, Ly đồng ý và hẹn Vũ Thị Ngọc Phượng đến quán bà Phượng ở đường P thành phố C để lấy ma túy. Khoảng 09 giờ 30 phút, Phan Thanh Thông chở Vũ Thị Ngọc Phượng đến quán bà Phượng, Ly bán cho Vũ Thị Ngọc Phượng và Thông 02 cục ma túy với giá 3.500.000 đồng. Sau đó, Ly về nhà cất giấu 12 cục ma túy còn lại . Phượng và Thông đang đi trên đường P thì bị phát hiện, bắt quả tang, thu giữ 02 cục bột nén màu trắng, tổng trọng lượng 1.919 gam.
Sau khi nghe tin Ly bị bắt giữ, Đoàn Thị Phượng đã đem 30 cục ma túy còn lại ném xuống cống thoát nước (không rõ) ở thành phố Nha Trang.
Tiến hành khám xét tại nhà Ly, cơ quan điều tra thu giữ 12 cục chất bột nén màu trắng có tổng trọng lượng 11.269 gam.
Tiến hành khám xét tại phòng trọ của Đoàn Thị Phượng đang trọ, thu giữ 63 đoạn ống hút bằng nhựa ; 06 lưỡi dao lam ; số tiền 9.300.000 đồng.
Ngày 11/11/2014, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh K kết luận chất bột nén màu trắng thu giữ là chất ma túy, loại heroin.
Tại bản án sơ thẩm số 44/2015/HSST ngày 03/7/2015 của Tòa án nhân dân thành phố C trong phần xét thấy, về vật chứng vụ án có « 01 (một) tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng dùng để gói 02 cục ma túy thu của Vũ Thị Ngọc Phượng » và một số tài sản, vật chứng khác. Đồng thời nhận định : « Các xe máy, điện thoại và số tiền thu giữ là phương tiện, công cụ các bị cáo sử dụng để vi phạm pháp luật và tiền thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật, các bị cáo không chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp nên tịch thu sung công quỹ ».
Tuy nhiên, tại phần quyết định về vật chứng vụ án,Tòa án nhân dân thành phố C đã áp dụng Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định « tịch thu tiêu hủy 01 (một) tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng dùng để gói 02 cục ma túy thu của Vũ Thị Ngọc Phượng ».
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản án, Viện kiểm sát tỉnh K thấy rằng:
Vật chứng thu giữ 01 (một) tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng dùng để gói 02 cục ma túy thu của Vũ Thị Ngọc Phượng là tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, theo qui định tại Điểm b Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự cần bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Việc bản án tuyên tịch thu, tiêu hủy vật chứng là tiền nói trên đã có hiệu lực pháp luật và cơ quan Thi hành án dân sự thành phố C đã ra quyết định thi hành án số 198/QĐ-CCTHA ngày 09/11/2015 về nội dung này nhưng không thể thi hành được bởi không có thẩm quyền, chức năng tiêu hủy tiền.
Từ nhận định trên, việc tịch thu, tiêu hủy vật chứng là tiền VNĐ đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K báo cáo Viện kiểm sát Đ xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm, áp dụng Điều 76 khoản 2 điểm b Bộ luật TTHS tịch thu 1.000 đồng sung công quỹ.
Ngày 5/4/2016 VKS tỉnh K nhận được công văn số 70 ngày 31/3/2016 của VKS Đ với nội dung :“ Khi đối tượng Vũ Thị Ngọc Phượng dùng tờ tiền mệnh giá 1000 đồng để gói 02 cục ma túy thì tờ tiền mệnh giá 1000 đồng nêu trên đã bị nhàu, bẩn cũ. Do đó, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn lưu thông theo qui định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 02/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 25 nêu trên qui định:
“ Điều 4. Tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông
1.Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (nhóm nguyên nhân khách quan):
a, Tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số;nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền”. Công văn cũng nhận định: “ Vì không đủ tiêu chuẩn lưu thông nên sẽ không sử dụng được. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm căn cử điểm đ khoản 2 Điều 76 BLHS “...Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.” để quyết định tịch thu tiêu hủy tờ tiền nêu trên là đúng qui định của pháp luật”. Từ đó thấy rằng không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án trên.
Sau khi nhận được công văn trên, VKS tỉnh K thấy: việc VKS Đ nhận định dùng tiền để gói ma túy nên bị nhàu, bẩn, cũ, do đó suy luận không đủ điều kiện, tiêu chuẩn lưu thông; VKS Đ viện dẫn Điều 4 khoản 1 điểm a Thông tư 25/2013 nói trên (qui định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) và nhận định tiếp “ vì không đủ tiêu chuẩn lưu thông nên sẽ không sử dụng được” là không có căn cứ. Bởi việc xác định tiền có đủ tiêu chuẩn lưu thông hay không phải do cơ quan có thẩm quyền của ngân hàng giám định theo qui định tại Điều 7 Thông tư này qui định, không thể có tổ chức, cơ quan, cá nhân khác nhận định, đánh giá tiêu chuẩn lưu thông của tiền được.
Mặt khác, tại Thông tư 27/2012 ngày 25/4/2012 của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (Qui định về tiêu hủy tiền) có qui định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thẩm quyền quyết định tiêu hủy tiền; hội đồng tiêu hủy, nhiệm vụ quyền hạn; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ của các tổ chuyên trách tiêu hủy tiền; qui trình tiêu hủy tiền...không phải là cơ quan Tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự mà phải do các cơ quan có thẩm quyền của Ngân hàng Nhà Nước quyết định. Việc nhận định:“Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 76 BLHS “...Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy” để quyết định tịch thu tiêu hủy tờ tiền nêu trên là đúng qui định của pháp luật” của VKS Đ là không có căn cứ, cần được tiếp tục báo cáo kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo Pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.
Đến nay, việc thi hành tiêu hủy vật chứng là 1000 Việt Nam đồng trong bản án nói trên vẫn không thể thực hiện được do cơ quan Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có thẩm quyền tiêu hủy tiền như lập luận trên và cũng chưa có sự thống nhất về nhận thức, cần có sự chỉ đạo thực hiện.
Đây là nhận thức của cá nhân người viết, các đồng chí trong ngành cùng trao đổi để nâng cao nhận thức pháp luật trong quá trình công tác.
Nguyễn Ngọc Thắng - Phòng 7