Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

NHỮNG NỘI DUNG MỚI CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH 118/2024/CP NGÀY 30/9/2024 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ NĂM 2019

Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thi hành án hình sự 2019. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2024, thay thế Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định tại Nghị định số 118/2024/NĐ-CP, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa giới thiệu những điểm mới cơ bản của Nghị định số 118 để bạn đọc biết. Qua đó, giúp cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Công chức nghiệp vụ nắm bắt kịp thời và áp dụng những quy định mới về thi hành án hình sự, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hình sự khi thực hiện nhiệm vụ.

 NHỮNG NỘI DUNG MỚI CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH 118/2024/CP NGÀY 30/9/2024  CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU  CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ NĂM 2019

Những nội dung mới cơ bản của Nghị định 118/2024/NĐ-CP mà công tác kiểm sát cần chú ý đó là:

1. Về căn cứ luật để Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2024/NĐ-CP

Chính phủ căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Luật Thi hành án hình sự ngày 14/6/2019; Bộ luật Lao động ngày 20/11/2019; Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020 và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an để ban hành Nghị định số 118/2024/NĐ-CP.

2. Về phạm vi Điều chỉnh quy định tại Điều 1:

Nghị định số 118/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Khoản 4 Điều 17, Điều 31, Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 43, Điều 47, Điều 48, Điều 49, Điều 51, Điều 55, Điều 74, Điều 75, Điều 149 và Điều 151 của Luật Thi hành án hình sự 2019.

3. Về đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2, là:

+ Phạm nhân, học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

+ Cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

+ Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

4. Về tổ chức Trại giam quy định tại Điều 6:

Như quy định tại Điều 6 của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020, gồm: Phân trại giam; Khu giam giữ; Nhà giam; các Công trình phục vụ; Khu lao động, dạy nghề. Tuy nhiên, tại Nhà giam chung thuộc Nhà giam quy định mỗi buồng giam giữ không quá 80 phạm nhân (Nhà giam chung tại Nghị định số 133 quy định mỗi buồng giam giữ không quá 50 phạm nhân).

 5. Về chương trình học tập, học nghề của phạm nhân quy định tại Điều 12:

Các Cơ sở giam giữ tổ chức cho phạm nhân học tập theo các giai đoạn sau:

+ Giai đoạn mới được đưa đến Cơ sở giam giữ phạm nhân để chấp hành án phạt tù, phạm nhân được tham gia học tập, phổ biến các nội dung về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; các quy định về đồ vật được đưa vào sử dụng và đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân; quy định nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử của phạm nhân; các quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù; các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế; chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; chế độ sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách báo, vui chơi giải trí; chế độ gặp, nhận quà, liên lạc với thân nhân; quy định về khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm…. Thời gian học tập, phổ biến từ 04 đến 06 ngày kể từ ngày bắt đầu lớp học. Kết thúc lớp học, phạm nhân phải viết Bản thu hoạch kết quả học tập; trường hợp phạm nhân là người già yếu, người khuyết tật không tự viết được hoặc không biết chữ thì nhờ phạm nhân khác viết hộ, sau đó đọc lại cho phạm nhân nhờ viết hộ nghe, ký tên hoặc điểm chỉ vào Bản thu hoạch…

+ Giai đoạn đang chấp hành án, phạm nhân được phổ biến, học tập các nội dung cơ bản của Hiến pháp; quy định về chính sách hình sự của Việt Nam; các quy định về tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có Điều kiện, miễn chấp hành án phạt tù; một số quy định của Luật Thi hành án hình sựBộ luật Hình sựBộ luật Tố tụng hình sựBộ luật Dân sựBộ luật Lao độngLuật Đặc xáLuật Phòng, chống ma túy…. Căn cứ Điều kiện thực tế của đơn vị, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân bố trí lịch học 02 buổi/tuần cho phù hợp (Nghị định số 133 quy định bố trí lịch học 01 ngày/tuần), hoàn thành trong thời gian không quá 06 tháng từ khi bắt đầu tổ chức lớp học, mỗi lớp học có từ 05 phạm nhân đến không quá 100 phạm nhân. Trường hợp có dưới 05 phạm nhân hoặc có nhiều phạm nhân bị ốm đau, bệnh tật hoặc sự kiện bất khả kháng khác thì tùy tình hình thực tế, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định tổ chức lớp học hoặc phổ biến, hướng dẫn phạm nhân đọc tài liệu và viết thu hoạch kết quả học tập.

+ Giai đoạn chuẩn bị chấp hành xong hình phạt tù, phạm nhân được phổ biến, học tập các nội dung sau: Các chính sách, quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng; một số nội dung cơ bản của Luật Cư trúLuật Căn cước công dânLuật Giao thông đường bộđường thủyLuật An ninh mạngLuật Xử lý vi phạm hành chính; các quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm, xóa án tích; các quy định về bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; một số nội dung, giá trị đạo đức, kỹ năng sống.

Ngoài các nội dung nêu trên, đối với phạm nhân đã được lập hồ sơ đề nghị Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có Điều kiện thì cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức phổ biến, học tập các quy định về quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có Điều kiện; đối với phạm nhân đã được Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá thẩm định có đủ Điều kiện được đề nghị đặc xá thì cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức phổ biến, học tập các quy định về quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.

Thời gian phổ biến, học tập từ 05 đến 07 ngày kể từ ngày bắt đầu lớp học, tổ chức trong khoảng thời gian phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong hình phạt tù hoặc trước khi thi hành quyết định đặc xá, quyết định tha tù trước thời hạn có Điều kiện và quyết định giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại. Mỗi lớp học không quá 100 phạm nhân.

Các cơ sở giam giữ phạm nhân phải xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức học tập, phổ biến pháp luật, giáo dục công dân cho phạm nhân, mỗi buổi học 4 giờ. Những nơi vì Điều kiện khách quan không tổ chức được lớp học thì phải tổ chức phổ biến, hướng dẫn phạm nhân tự nghiên cứu, đọc sách, tài liệu và tổ chức viết thu hoạch để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Phạm nhân nữ giam giữ ở phân trại riêng thì tổ chức học tập riêng; trường hợp giam giữ trong cùng phân trại với phạm nhân nam thì tùy Điều kiện, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định học chung hoặc học riêng nhưng phải bảo đảm không để vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân. Đối với phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm nhân khác mà xét thấy cần thiết phải tổ chức gặp gỡ, giáo dục cá biệt thì cơ sở giam giữ có kế hoạch để đề ra các biện pháp, hình thức tác động giáo dục phù hợp; đối với các phạm nhân chưa thực hiện xong trách nhiệm dân sự cần giáo dục, phổ biến họ tự nguyện, tích cực khắc phục ngay để đủ Điều kiện, tiêu chuẩn được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước.

Chương trình học tập của phạm nhân được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Tài liệu học tập của phạm nhân do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng biên soạn.

6. Chế độ dạy văn hóa cho phạm nhân được quy định tại Điều 13:

Các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức dạy chương trình xóa mù chữ cho phạm nhân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ. Đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi chưa biết chữ hoặc chưa học xong chương trình tiểu học thì thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc; chưa học xong trung học cơ sở thì căn cứ hồ sơ phạm nhân, học bạ để tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở phù hợp với Điều kiện của đơn vị mình. Thời gian học văn hóa của phạm nhân tối thiểu 02 buổi/tuần, mỗi buổi 4 giờ do Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định (Nghị định số 133 quy định 01 ngày/tuần), trừ các ngày Chủ nhật, lễ, Tết.

7. Định kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù quy định tại Điều 18:

Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 06 tháng và 01 năm. Các cơ sở giam giữ phạm nhân căn cứ kết quả nhận xét đánh giá để xếp loại chấp hành án phạt tù định kỳ theo tháng, quý, 06 tháng và 01 năm, cụ thể như sau:

. Phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù hàng tuần. Thời gian nhận xét, đánh giá tính từ ngày thứ Bảy tuần trước đến ngày thứ Sáu tuần sau;

. Phạm nhân đã chấp hành án phạt tù từ 21 ngày trở lên trong một tháng thì được xếp loại tháng. Thời gian xếp loại tháng tính từ ngày mùng một đến ngày cuối cùng của tháng đó;

. Phạm nhân đã được xếp loại từ 02 tháng trở lên trong 01 quý thì được xếp loại quý. Xếp loại quý I tính từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến ngày cuối cùng của tháng 02 năm sau; quý II tính từ ngày 01 tháng 3 đến ngày 31 tháng 5; quý III tính từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 31 tháng 8; quý IV tính từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 30 tháng 11;

. Phạm nhân đã được xếp loại từ 04 tháng trở lên trong 06 tháng thì được xếp loại 06 tháng. Xếp loại 06 tháng đầu năm tính từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến ngày 31 tháng 5 năm sau; xếp loại 06 tháng cuối năm tính từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11 của năm đó;

. Phạm nhân đã được xếp loại từ 10 tháng trở lên trong 01 năm thì được xếp loại 01 năm. Xếp loại 01 năm tính từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến ngày 30 tháng 11 của năm sau;

. Cán bộ quản giáo tổ chức họp đội (tổ) phạm nhân để nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù tuần vào thứ Sáu hằng tuần; họp nhận xét, đánh giá và xếp loại định kỳ tháng, quý, 06 tháng, 01 năm vào ngày cuối cùng của kỳ xếp loại, trường hợp ngày họp trùng vào ngày nghỉ, Lễ, Tết thì họp vào ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.

Thời gian xếp loại tính từ ngày lập biên bản tiếp nhận phạm nhân vào Trại giam, Phân trại quản lý phạm nhân của Trại tạm giam hoặc buồng quản lý phạm nhân của Nhà tạm giữ được chỉ định thi hành án phạt tù. Phạm nhân bị Điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ phạm nhân với nhau thì thời gian và kết quả xếp loại được tính liên tục cả quá trình trước và sau khi Điều chuyển.

Mỗi phân trại thuộc Trại giam thành lập Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân để họp, xét xếp loại tháng, quý, 06 tháng và 01 năm cho phạm nhân; Trại giam thành lập Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù để họp xét xếp loại quý, 06 tháng và 01 năm cho phạm nhân. Trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự - Công an cấp huyện thành lập Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù để họp xét xếp loại tháng, quý, 06 tháng và 01 năm cho phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được xem xét nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù. Trường hợp phạm nhân khiếu nại về việc xếp loại thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân phải có văn bản trả lời cho phạm nhân.

Quyết định xếp loại quý, 06 tháng, 01 năm và Bản kiểm điểm của phạm nhân được lưu hồ sơ phạm nhân. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm thông báo công khai kết quả xếp loại quý, 06 tháng, 01 năm cho phạm nhân biết; thông báo tình hình chấp hành án phạt tù, xếp loại 06 tháng đầu năm, 06 tháng cuối năm và 01 năm cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân.

8. Về tiêu chuẩn thi đua xếp loại chấp hành án phạt tù quy định tại Điều 19:

Để nhận xét đánh giá và quyết định xếp loại thi đua cho mỗi phạm nhân theo kết quả: Tốt, Khá, Trung bình, Kém hoặc xếp loại trong trường hợp lập công thì căn cứ theo các tiêu chuẩn sau:

. Nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải; trung thực khai báo, tố giác tội phạm mà mình biết; tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.

. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, Bản án, Quyết định của Tòa án và nội quy, quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi sai phạm; thực hiện nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh; không có thái độ, lời nói, việc làm tiêu cực, gây chia rẽ, mất đoàn kết và ảnh hưởng xấu đến người khác.

. Tích cực, tự giác, gương mẫu trong lao động, học nghề, tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu, định mức lao động; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; có ý thức tham gia thúc đẩy phong trào thi đua trong phạm nhân.

. Tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình và của người khác; có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác cùng rèn luyện, học tập tiến bộ và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

9. Xếp loại trong trường hợp lập công được quy định tại Điều 24:

. Các trường hợp lập công bao gồm: Cứu được người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) trở lên của Nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn; giúp Cơ sở giam giữ ngăn chặn được phạm nhân khác chống phá hoặc trốn khỏi nơi giam giữ hoặc phạm tội mới; giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, Điều tra, truy bắt, xử lý tội phạm; có phát minh, sáng chế, sáng kiến có giá trị lớn hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc khác được Cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

. Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp lập công nêu trên thì được Điều chỉnh nâng lên một mức xếp loại đối với 04 quý liên tiếp kể từ ngày Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân ký quyết định khen thưởng hoặc kể từ ngày nhận được quyết định khen thưởng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lập công, Nếu trong 04 quý đó phạm nhân đã được xếp loại tốt thì được tính để xếp loại cho 04 quý sau.

Trường hợp sau khi lập công mà phạm nhân bị xử lý kỷ luật hoặc phạm tội mới thì không được nâng mức xếp loại. Lập công trong thời gian đã có quyết định thi hành án phạt tù nhưng chưa được đưa đến cơ sở giam giữ phạm nhân để chấp hành án thì cũng được coi là lập công trong thời gian chấp hành án phạt tù và được xem xét, xếp loại như đối với trường hợp quy định nêu trên.

10. Xếp loại đối với phạm nhân đang được trích xuất để phục vụ Điều tra, truy tố, xét xử và phạm nhân đang tham gia tố tụng với vai trò là bị can, bị cáo quy định tại Điều 25:

Phạm nhân được trích xuất để phục vụ Điều tra, truy tố, xét xử (không phải là bị can, bị cáo), nếu đã chấp hành cơ bản đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 của Nghị định này thì hằng tháng, Trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự - Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận phạm nhân trích xuất có trách nhiệm xếp loại chấp hành án phạt tù theo quy định tại Nghị định này, gửi kết quả xếp loại cho cơ sở giam giữ phạm nhân đã giao phạm nhân trích xuất để lưu hồ sơ phạm nhân. Hết thời gian trích xuất mà chưa đến kỳ xếp loại tháng thì trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự - Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù của phạm nhân trong thời gian trích xuất và gửi cho cơ sở giam giữ đã giao phạm nhân trích xuất để làm căn cứ xem xét, xếp loại tháng đó theo quy định của Nghị định này. Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù hoặc nhận xét, đánh giá của trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được tính liên tục với thời gian chấp hành án ở cơ sở giam giữ.

Phạm nhân đang tham gia tố tụng với vai trò là bị can, bị cáo thì không được xếp loại chấp hành án phạt tù mà chỉ được nhận xét, đánh giá việc chấp hành Nội quy cơ sở giam giữ, kể cả trường hợp đã trích xuất về Trại tạm giam, Nhà tạm giữ hoặc chưa trích xuất ra khỏi cơ sở giam giữ phạm nhân.

Phạm nhân bị Điều tra lại hoặc xét xử lại do Bản án, Quyết định của Tòa án mà phạm nhân đang chấp hành bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì kết quả xếp loại của phạm nhân trong thời gian chấp hành bản án cũ vẫn được bảo lưu.

11. Xem xét lại quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 26:

Khi có căn cứ xác định việc xếp loại cho phạm nhân là không đúng với quy định của pháp luật hoặc phát hiện hành vi làm giả, làm sai lệch hồ sơ dẫn đến việc xếp loại cho phạm nhân không đúng với quy định của pháp luật thì cơ sở giam giữ phạm nhân phải xem xét, hủy toàn bộ kết quả của các kỳ xếp loại không đúng đó và xếp loại lại cho phạm nhân theo đúng quy định của Nghị định này.

12. Về hiệu lực thi hành quy định tại Điều 43:

- Nghị định số 118/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024, thay thế Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thi hành án hình sự.

- Quy định chuyển tiếp

. Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù của phạm nhân trước thời điểm Nghị định số 118/2024/NĐ-CP có hiệu lực được tính liên tục với kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù sau khi Nghị định này có hiệu lực. Đối với việc xếp loại chấp hành án phạt tù trước ngày 01/12/2024 vẫn thực hiện theo quy định của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thi hành án hình sự.

. Đối với phạm nhân đang thi hành quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc đưa buồng kỷ luật có hiệu lực trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì thời gian theo dõi, thử thách để được công nhận cải tạo tiến bộ thực hiện theo quy định của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thi hành án hình sự.

    . Đối với Bản cam kết, Đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của phạm nhân theo Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án hình sự mà chưa hết thời hạn 03 năm trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng đến hết thời hạn 03 năm đó./.

Việt Dũng - Phòng 8 VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập