Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Thông báo rút kinh nghiệm về án hành chính, lao động

1. Thông báo số 274/VKSTC- VPT3 ngày 08/3/2004 rút kinh nghiệm về một vụ án lao động đã bị Tòa Phúc thẩm xử huỷ án. 2. Thông báo số 247/TB-VPT2 ngày 21/8/2001 rút kinh nghiệm một số vụ án hành chính, lao động cấp phúc thẩm.

Qua thực hiện chức năng KSXX phúc thẩm, chúng tôi thấy cần trao đổi rút kinh nghiệm về nghiệp vụ với các Viện Kiểm sát địa phương trong khu vực về quá trình giải quyết việc kiện “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa:

Nguyên đơn: Ông Võ Duy Thắng

Bị đơn: công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vân Hậu

(Án của TAND thành phố X)

Nội dung vụ kiện: Ông Võ Duy Thắng ký hợp đồng lao động với công ty TNHH thương mại dịch vụ Vân Hậu, hợp đồng xác định thời hạn 01 năm, công việc giám sát kinh doanh, mức lương theo hợp đồng 2.711.346đ. Mức lương thực lãnh theo ông Thắng là 5.465.000đ; còn theo công ty Vân Hậu tổng mức lương thực lãnh là 4.511.346đ/tháng. Sự việc dẫn đến tranh chấp lao động.

Theo ông Võ Duy Thắng:

Ông vào làm việc tại công ty Vân Hậu ngày 01/5/2002 (hợp đồng có thời hạn 12 tháng từ 1/5/2002 đến 30/4/2003). Ngày29/5/2002 ông đến Văn phòng (tại Quảng Ngãi) thì ông Trần Minh Duy là phó giám đốc kinh doanh không cho vào phòng làm việc. Ngày 30/5/2002 nhận được giấy mời về công ty ở số 87A Trần Kế Xương, thành phố X để giải quyết, ông vào gặp Nguyễn Anh Phú là cán bộ điều hành phòng hành chính, ông Phú đưa cho ông 4.000.000đ để ông đi xin việc khác, ông không đồng ý. Ngày 5/6/2002 ông Phú gọi điện yêu cầu ông đến công ty và cho biết nếu ông đồng ý nghỉ thì công ty sẽ trả cho ông 1 tháng lương và một số tiền thưởng, nhưng ông không đồng ý. Ngày 10/7/2002 ông nhận được giấy mời đến công ty lúc 9 giờ ngày 12/7/2002 lúc này có tổng giám đốc và một số người khác làm việc không lập biên bản, chỉ nói miệng là yêu cầu ông trả các phương tiện mà công ty trang bị cho ông và lãnh lương tháng 5/2002, ông khồng đồng ý. Ngày 29/7/2002 theo giấy mời của công ty, ông đến gặp ông Phú, vẫn không giải quyết được, ông Phú yêu cầu ông trả đồ, ông khồng đồng ý.

Ông Thắng cho rằng: Do công ty vi phạm hợp đồng, nếu ông yêu cầu công ty phải thanh toán các khoản tiền trên 92 triệu (làm tròn số). Trong đó có tiền lương 12 tháng là 65.580.000đ.

Ý kiến trình bày của bị đơn (công ty TNHH thương mại dịch vụ Vân Hậu):

Ông Thắng vào làm việc từ 01/5/2002 thời hạn hợp đồng 1 năm, đến 30/4/2003 hết hạn hợp đồng. Mức lương trên hợp đồng là 2.711.346đ/tháng, trợ cấp đi tỉnh 1.800.000đ/tháng. Tổng mức lương thực lãnh 4.511.346đ. Sau khi ký hợp đồng lao động thì ông Thắng làm việc tại Phú Yên. Ngày 9/5/2002 ông Thắng đánh nhân viên. Ngày 13/5/2002 công ty điều ông Thắng về Quảng Ngãi làm việc. Ngày 14/5/2002 ông Thắng làm bản tường trình, cũng ngày 14/5/2002 ông Thắng tự ý lấy 3 cây thuốc của công ty đem bán lấy tiền tiêu xài. Ngày 16/5/2002 ông Thắng có làm bản tường trình nhận khuyết điểm hứa sẽ hoàn trả công ty. Ngày 27 và 28/5/2002 giám đốc chi nhánh quản lý 2 khu vực Đà Nẵng và Phú Yên có lập biên bản kiểm điểm ông Thắng và ông Thắng cho rằng việc không phù hợp đòi bồi thường để nghỉ việc. Ngày 3/6/2002 công ty mời ông Thắng đến để giải quyết, thì ông Thắng có đơn xin nghỉ việc và yêu cầu công ty trợ cấp 4-6 tháng lương và đóng 1 năm bảo hiểm xã hội, công ty đồng ý giải quyết cho ông Thắng 4.000.000đ. Ngày 05/6/2002 công ty mời ông Thắng đến đến giải quyết, nhưng ông Thắng yêu cầu có mặt tổng giám đốc và công đoàn, sau đó bỏ về, ngày 17/6/2002 công ty mời ông Thắng không đến. Ngày 12/7/2002 công ty mời ông Thắng có mặt nhưng không ký tên vào biên bản. Ngày 24/7/2002 công ty thông báo yêu cầu ông Thắng có mặt tại công ty vào ngày 29/7/2002 nếu không đến coi như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 29/7/2002 ông Thắng đến công ty thông báo đã kiện tại Toà án và chờ Toà án giải quyết.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vân Hậu yêu cầu ông Thắng trả lại các phương tiện đã trang bị cho ông Thắng và đồng ý thanh toán cho ông Thắng lương tháng 5/2002 là 4.511.346đ, lương tháng 6/2002 đến 29/7/2002 trả lương cơ bản 2.711.346, tiền phí tháng 5/2002 là 639.250đ, nếu có chứng từ công ty đồng ý thanh toán. Bảo hiểm xã hội công ty đóng từ 1/5/2002 đến 29/7/2002.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 58/LĐST ngày 26/6/2003 TAND thành phố X đã quyết định:

-  Hợp đồng lao động giữa công ty TNHH TM Dịch vụ Vân Hậu và ông Võ Duy Thắng hết hạn vào ngày 30/4/2003.

- Buộc công ty Vân Hậu thanh toán các khoản tiền, tổng cộng là 81.055.184 (Trong đó tiền lương những ngày không được làm việc là 54.136.512đ)

- Buộc ông Thắng trả lại công ty những đồ vật được trang bị…

(Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên án phí…)

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 2/7/2003 công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vân Hậu kháng cáo xin xét xử lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/1/2004 Viện Phúc thẩm 3 kết luận đề nghị huỷ án sơ thẩm giao vụ việc về công ty TNHH thương mại dịch vụ Vân Hậu giải quyết.

Án phúc thẩm lao động số 01/LĐPT ngày 8/1/2004 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh tuyên xử: Huỷ án sơ thẩm, giao vụ việc về công ty TNHH Vân Hậu giải quyết.

 

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

- Khi giải quyết việc tranh chấp lao động cần phải căn cứ vào các cơ sở pháp luật làm phát sinh và chấm dứt quan hệ lao động, đó là: hợp đồng lao động và quyết định cho thôi việc… của người sử dụng lao động để kiểm tra, xem xét đối chiếu quy định của pháp luật để đi đến quyết định.

Trong vụ kiện này, Toà án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật lao động tranh chấp là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của công ty TNHH Vân Hậu đối với ông Thắng (người lao động).

Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh của cấp sơ thẩm cho thấy:

Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vân Hậu chưa có văn bản hay quyết định nào thể hiện hành vi: Chấm dứt hợp đồng lao động với ông Võ Duy Thắng (người lao động). Và thực tế, theo ông Thắng khai: phát sinh tranh chấp hợp đồng lao động từ khi ông không được vào Văn phòng đại diện Quảng Ngãi (ngày 29/5/2002) và đến ngày 3/6/2002 ông Thắng có đơn xin nghỉ việc vì cho rằng công việc không phù hợp và yêu cầu “Công ty hỗ trợ cho tôi từ 4 (bốn) đến 6 (sáu) tháng lương cơ bản và đóng tiền BHXH cho tôi tròn 1(một) năm làm việc…”

Từ đó, nhận thấy về mặt pháp luật người sử dụng lao động vẫn chưa chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên, án sơ thẩm đã nhận định: Đối chiếu với trường hợp của ông Thắng công ty chưa đưa ra 1 quyết định xử lý kỷ luật nào với ông Thắng. Như vậy, hợp đồng lao động ký giữa ông Thắng và công ty vẫn còn hiệu lực. Ông Thắng vẫn là nhân viên của công ty Vân Hậu. Việc công ty yêu cầu ông Thắng giao trả các phương tiện ông đang sử dụng và đóng cửa không cho ông vào văn phòng làm việc được xem là hành vi “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” và đã căn cứ vào hành vi này giải quyết hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong khi công ty Vân Hậu chưa thực hiện các thủ tục pháp lý theo Điều 38 BLLĐ là không đúng.

Theo quy định của BLLĐ: Khi xác định hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ở cả 2 đối tượng:

- Người lao động

- Người sử dụng lao động

Cần phải vận dụng đúng quy định được nêu tại các Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43 của BLLĐ.

Trên đây là một số vấn đề chúng tôi thấy cần trao đổi để rút kinh nghiệm chung, nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát loại án lao động, đảm bảo tham gia kiểm sát 100% loại án này.

 Vụ án hành chính: Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc giữa người khởi kiện ông Nguyễn Bá Mạnh với người bị kiện UBND huyện P, tỉnh Q.

Ngày 9/4/2000 UBND huyện P đã ban hành quyết định hành chính số 110/2000/QĐ-UB để thi hành kỷ luật buộc thôi việc với ông Nguyễn Bá Mạnh nguyên là chuyên viên đang công tác tại phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện P, với lý do:

Trong 2 năm 1997, 1998 ông Mạnh đã có những vi phạm như: Lạm dụng quyền tố cáo của công dân phản ảnh sự việc không đúng sự thật; ý thức kỷ luật kém, nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao; để gia đình vi phạm Nghị định 87/CP nhiều lần … Sau khi có quyết định, ông Nguyễn Bá Mạnh có đơn khiếu nại, UBND huyện P trả lời theo quyết định số 283/QĐ-UB ngày 19/10/2000 giữ y quyết định buộc thôi việc nêu trên. Ông Nguyễn Bá Mạnh kiện ra Toà án để giải quyết theo vụ kiện hành chính, yêu cầu huỷ Quyết định 110/QĐ-UB, ngày 9/4/2000 của UBND huyện P thi hành kỷ luật thôi việc đối với ông.

Tại bản án HCST số 01 ngày 3/8/2001 của TAND tỉnh Q xử: Bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Bá Mạnh về việc yêu cầu huỷ Quyết định số 110/QĐUB ngày 9/4/2000 của UBND huyện P.

Trong hạn luật, định ông Nguyễn Bá Mạnh kháng cáo với nội dung: Quyết định số 110 ngày 9/4/2000 của UBND huyện P xử lý buộc thôi việc đối với ông là không có căn cứ vi phạm Điều 5 -NĐ97/CP đề nghị Tòa Phúc thẩm xử huỷ quyết định nói trên.

Ngày 2/1/2002 Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng căn cứ pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Nghị định 97/CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ, Thông tư số 05 ngày 23/7/1999 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định 97/CP xử: Chấp nhận đơn kháng cáo của ông Nguyễn Bá Mạnh, huỷ Quyết định số 110/QĐ-UB ngày 9/4/2000 của UBND huyện P về việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Bá Mạnh.

Qua vụ án trên đây cho thấy: Những vi phạm của ông Nguyễn Mạnh (xảy ra từ năm 1997, 1998), phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện P tiến hành họp kiểm điểm và đề nghị cấp trên xem xét xử lý ông Mạnh (biên bản họp để xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Bá Mạnh, UBND huyện P ra Quyết định số 66 ngày 3/5/1999 thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Bá Mạnh, nhưng do có một số thiếu sót về trình tự thủ tục nên UBND huyện P có quyết định rút quyết định nói trên. Sau đó đến ngày 9/4/2000 UBND huyện P thi hành Quyết định số 110/QĐ-UB kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Mạnh).

Như vậy từ khi phát hiện công chức vi phạm đến khi xử lý vi phạm kỷ luật của UBND huyện P đã quá thời hạn là 6 tháng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 5 -Nghị định số 97/CP về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức viên chức. Do đó cấp phúc thẩm xử sửa án sơ thẩm như nêu trên là có căn cứ.

 

- Vụ án lao động: Kiện đòi khôi phục quyền lao động giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Trung, bị đơn UBND huyện I.

Theo án sơ thẩm, nội dung vụ kiện như sau:

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh và ngành giáo dục tỉnh G, UBND huyện I đã tổ chức lớp đào tạo giáo viên cấp tốc vào năm 1993, để giảng dạy phổ cập giáo dục đối với các làng, xã vùng sâu vùng xa. Ông Nguyễn Văn Trung được đi học và sau đó phòng giáo dục Huyện Ia Grai có quyết định phân công về dạy tại các trường Hoà Phú huyện I từ tháng 8/1993. Đến đầu năm 1997, thực hiện Nghị định số 06/1997/CP ngày 21/1/1997 của Chính phủ, UBND tỉnh G đã cho phép đưa số giáo viên cấp tốc này vào danh sách hợp đồng trong biên chế và hưởng mức lương bậc 1 ngạch giáo viên tiểu học, mầm non. Cuối năm học 1998 - 1999 thực hiện chủ trương của UBND tỉnh G về việc rà soát lại giáo viên đào tạo cấp tốc, nếu ai đủ tiêu chuẩn thì tiếp tục hợp đồng còn không thì thanh lý hợp đồng. Trường trung học cơ sở IaPếch xếp ông Trung là giáo viên loại D vì ý thức tổ chức kỷ luật kém, sổ sách không đầy đủ, lên lớp không soạn giáo án trước… Vì vậy ông Trung không được xét nâng lương đợt 1/1999 và không còn trong danh sách hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Nhưng UBND huyện và Phòng giáo dục huyện IaGrai phân công cho anh Trung tiếp tục dạy tại trường IaO từ ngày 10/9/1999. Đến ngày 24/8/2000 UBND huyện I ra Quyết định 37/QĐ-UB chấm dứt hợp đồng đối với ông Nguyễn Văn Trung. Ông Trung thấy UBND huyện I đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông là trái pháp luật nên đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu được khôi phục quyền lao động.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 01 ngày 25/7/2001 của TAND tỉnh G xử: Bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Trung về việc yêu cầu UBND huyện I khôi phục quyền lao động.

Trong hạn luật định anh Nguyễn Văn Trung kháng cáo. Ngày 17/6/2002 Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng xử chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn Trung, xử sửa án sơ thẩm. Huỷ quyết định số 37/QĐ-UB ngày 24/8/2000 của chủ tịch UBND huyện I về việc chấm dứt hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế đối với ông Nguyễn Văn Trung với lý do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của UBND huyện I vi phạm Điều 38 BLLĐ.

Về hình thức hợp đồng lao động thì UBND huyện I không có văn bản hợp đồng lao động mà chỉ dựa vào danh sách giáo viên hợp đồng dài hạn để ra quyết định điều động, phân công ông Trung đi làm nhiệm vụ giảng dạy ở các trường. Đến ngày 20/3/1997 thì phòng giáo dục huyện I có phiếu hợp đồng với ông Nguyễn Văn Trung làm giáo viên thời hạn 3 năm là trái với Điều 28, 29 BLLĐ năm 1994.

Trước khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Trung, UBND huyện và ngành chủ quản không chứng minh cụ thể những vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng của ông Trung để làm căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 38 BLLĐ năm 1994 mà chỉ dựa vào danh sách giáo viên đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động của phòng giáo dục huyện lập ra để quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Trung là chưa đảm bảo căn cứ.

Trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, UBND huyện không trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi ông Trung đang công tác là vi phạm khoản 2 Điều 38 BLLĐ năm 1994 và không thông báo cho người lao động biết ít nhất là 30 ngày là trái với quy định tại khoản 3 Điều 38 BLLĐ năm 1994.

 

- Vụ án hành chínhKiện quyết định thu hồi đất giữa người khiếu kiện là ông Kiều Tiến Vĩnh với người bị kiện là UBND tỉnh Khánh Hoà.

Ngày 24/7/2000 UBND tỉnh K có Quyết định số 3327/QĐ-UB thu hồi 79,02m2 đất trong diện tích 1.053,53m2 đất mà gia đình ông Kiều Tiến Vĩnh đang sử dụng tại 61 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang với lý do diện tích đất thực tế dôi ra so với diện tích trên giấy tờ ông Vĩnh mua và để thực hiện quy hoạch điểm bán hoa tươi tại TP. Nha Trang của UBND tỉnh K. Ông Kiều Tiến Vĩnh làm đơn khiếu nại. Ngày 2/2/2001 UBND tỉnh K có công văn số 177/UB trả lời đơn của ông Vĩnh là vẫn giữ nguyên Quyết định 3327/QĐUB ngày 24/7/2000, không đồng ý với việc giải quyết của UBND tỉnh K, ngày 28/2/2001 ông Kiều Tiến Vĩnh khởi kiện vụ án hành chính đến TAND tỉnh K.

Tại bản án số 9/HCST ngày 4/10/2001 của TAND tỉnh K áp dụng Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; Điều 27, 28, 55, 56 Luật đất đai năm 1993, xử: Bác đơn khởi kiện của ông Kiều Tiến Dũng về quyết định số 3327/QĐUB ngày 24/7/2000 của UBND tỉnh K về việc thu hồi đất.

Ngày 11/10/2001 ông Kiều Tiến Vĩnh kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xét xử lại toàn bộ vụ án.

Qua tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy: Khuôn viên đất tại 61 Nguyễn Thiện Thuật, thành phố N tỉnh K hiện gia đình ông Kiều Tiến Vĩnh đang sử dụng, nguyên trước đây của ông Nguyễn Xuân Trường chiếm đất công để sử dụng từ năm 1959, ông Trường đã xây tường rào xung quanh khu đất này và xây một căn nhà cấp 4 có diện tích 40m2 vào năm 1960, với diện tích là 977m2. Ngày 4/1/1975 vợ chồng ông Trường nhượng lại diện tích này cho Toà giám mục Nha Trang do ông Hồ Ngọc Hạnh đại diện. Sau khi mua nhà và đất, ông Hạnh có đơn xin điều chỉnh diện tích đất. Ngày 28/2/1975 trắc địa sư Nguyễn Xuân Khương lập biên bản kèm theo bản đồ cắm ranh phân chia xác nhận phần diện tích đất này là 974m2 có diện tích phân lộ giới là 25m2 được Ty Điền địa và chính quyền địa phương thị thực ngày 21/3/1975. Đến năm 1976 Toà giám mục Nha Trang bán nhà và đất cho ông Nguyễn Phước. Ngày 2/7/1997 ông Nguyễn Đức Vĩnh (con ông Phước được ông Phước viết giấy cho nhà và đất) lại làm giấy nhượng nhà và khuôn viên đất này cho ông Kiều Tiến Vĩnh.

Tháng 3 năm 1998 theo số liệu đo đạc thực tế của Sở địa chính tỉnh K thì khuôn viên đất ông Vĩnh sử dụng có diện tích 1.053,53m2 chênh lệch so với giấy tờ mua bán nhà và đất là 79,02m2. Song từ năm 1979 đến nay gia đình ông Vĩnh quản lý sử dụng làm nhiệm vụ cho Nhà nước, khuôn viên đất này đã được xây tường rào bao bọc từ năm 1960, không có tài liệu nào chứng minh ông Vĩnh lấn chiếm và cũng không có ai tranh chấp. Mặt khác Quyết định số 2883/QĐ-UB ngày 24/7/2000 của UBND tỉnh K phê duyệt quy hoạch điểm bán hoa tươi tại 61 Nguyễn Thiện Thuật ra sau Quyết định thu hồi đất số 3327 ngày 24/7/2000 hơn 1 năm là không phù hợp với Điều 27, 28 Luật đất đai đã được sửa đổi bổ sung.

Như vậy quyết định của UBND tỉnh K thu hồi 79,02m2 đất trong diện tích khuôn viên đất gia đình ông Vĩnh quản lý sử dụng tại 61 Nguyễn Thiện Thuật là không đúng pháp luật. Do đó ngày 29/5/2002 cấp phúc thẩm xử chấp nhận kháng cáo của ông Vĩnh xử sửa án sơ thẩm, huỷ Quyết định số 3327/QĐUB ngày 24/7/2000 của UBND tỉnh K về việc thu hồi đất của ông Kiều Tiến Vĩnh là có căn cứ.

Trên đây là một số vụ án hành chính, lao động mà cấp phúc thẩm xử cải sửa toàn bộ án sơ thẩm. Viện Phúc thẩm 2 thông báo để Viện Kiểm sát địa phương rút kinh nghiệm chung nhằm mục đích thực hiện tốt hơn công tác kiểm sát giải quyết các loại án này trong thời gian tới. 

Ghi chú: Một số địa danh nơi xảy ra và giải quyết vụ việc đã được Ban biên tập thay đổi. 

Nguồn: Trích cuốn: "Tuyển chọn thông báo rút kinh nghiệm, kiến nghị nghiệp vụ của các Viện phúc thẩm" 

Chủ biên: TS. Dương Thanh Biểu 

Sách của: NXB Tư Pháp năm 2009

VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập