Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

1 - Vụ án Nguyễn Thị Ngọc Thiên phạm tội trốn thuế

a- Nội dung vụ án và quá trình giải quyết

Vợ chồng Trần Minh Huệ và Nguyễn Thị Ngọc Thiên là chủ cơ sở kinh doanh xe gắn máy Thành Tiên, được UBND thị xã T. cấp giấy giấy chính kinh doanh số 00804 ngày 25/7/1994 và được Chi cục thuế thị xã T. quản lý theo chế độ tự kê khai doanh thu, được tính thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán - giá mua và chịu thuế lợi tức theo kết quả kinh doanh hàng năm của cơ sở. Trong quá trình kinh doanh từ tháng 9 năm 1996 đến tháng 6 năm 1998, vợ chồng Huệ đã mua vào và bán ra 916 xe máy các loại nhưng chỉ kê khai nộp thuế 250 xe máy với chênh lệch giữa giá bán hàng và giá mua hàng là 116.650.000 đ. Chi cục thuế thị xã T. đã thu thuế doanh thu trên chênh lệch bán 250 chiếc xe (mỗi xe chênh lệch là 466.600 đ) mà cơ sở Thành Tiên báo cáo: 116.650.000 đ x 16% = 18.664.000 đ. Còn lại 666 xe máy đã bán, vợ chồng Huệ đã để ngoài sổ sách và không kê khai với mục đích trốn thuế.

Qua kiểm tra và đối chiếu các tài liệu thu giữ tại cửa hàng, Công an thị xã T. đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Huệ Thiên về tội trốn thuế và trưng cầu giám định để xác định số thuế mà các bị can đã trốn. Cục thuế tỉnh B. đã áp dụng tiết b, điểm 2, phần C của Thông tư số 97/TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính để xử lý cơ sở kinh doanh đã vi phạm các điều kiện về tính thuế doanh thu. Cục thuế tỉnh B. đã xác định số thuế Cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên phải nộp khi để ngoài sổ sách kế toán 696 xe máy (bao gồm cả 30 xe máy có liên quan trong một vụ án khác) là 710.994.442 đ, bao gồm:

+ Thuế doanh thu: 386.715.620 đ.

+ Thuế lợi tức: 324.278.822 đ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 54/HSST ngày 01/8/2002, TAND thị xã T. áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 161; các điểm a, i khoản 1 Điều 48; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 BLHS xử phạt ThiênHuệ mỗi bị cáo 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm và phạt tiền 710.994.442 đ về trội "trốn thuế"; buộc 2 bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế là 710.994.442 đ vào Ngân sách Nhà nước.

Ngày 11/8/2002, Thiên Huệ kháng cáo đề nghị TA cấp phúc thẩm xem xét lại số tiền thuế và khoản tiền phạt.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 09/HSPT ngày 21/3/2003, TAND tỉnh B. đã sửa án bản án sơ thẩm về hình phạt tiền và số tiền truy thu thuế, vì bản án sơ thẩm chưa trừ đi số thuế của 30 xe đã bị tịch thu; áp dụng khoản 4 Điều 161 BLHS, phạt tiền ThiênHuệ 628.285.185 đ; buộc hai bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế là 682.285.185 đ.

Trên cơ sở kháng nghị của VKSNDTC, ngày 19/4/2005, Hội đồng giám đốc TANDTC đã ban hành Quyết định số 08/2005/HS-GĐT hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 54/HSSP ngày 01/8/2002 của TAND thị xã T. và bản án hình sự phúc thẩm số 09/HSPT ngày 21/3/2003 của TAND tỉnh B.; giao hồ sơ vụ án cho TAND thị xã T. để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

b- Những kinh nghiệm rút ra từ vụ án

Cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên để ngoài sổ sách kế toán, không kê khai với cơ quan thuế 666 xe máy là hành vi vi phạm pháp luật. TA xét xử Thiên Huệ về tội "trốn thuế" là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, khi xác định số thuế cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên thực trốn là bao nhiêu, cần phải dựa trên số liệu xác định rằng, nếu cơ sở này kê khai đủ thì số thuế thu được khi mua vào và bán ra 666 xe máy này là bao nhiêu và số thuế đó phải được tính trên doanh thu chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào số xe máy đó (vì cơ sở này đã được cơ quan quản lý thuế trên địa bàn chấp nhận phương pháp tính thuế này). Việc Cục thuế dựa trên nguyên tắc việc phạt về khai man, lậu thuế đối với cơ sở vi phạm các quy định về việc tính thuế trên chênh lệch phải tính trên doanh thu để xác định số thuế cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên đã trốn khi để ngoài sổ sách kế toán 666 xe máy là đã vi phạm nguyên tắc: Một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần.

Bản án phúc thẩm xác định số thuế cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên đã trốn 682.282.185 đ là không chính xác, không phản ánh đúng số thuế mà cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên thực trốn vì số tiền 682.285.185 đ đã bao gồm cả yếu tố xử lý của ngành thuế khi phát hiện cơ sở này vi phạm chế độ tài chính, kế toán trong quá trình kinh doanh.

Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã sai lầm trong việc xác định số lượng thuế thực trốn của Thiên Huệ trong quá trình kinh doanh 666 xe máy. Vì vậy, quyết định giám đốc đã hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để xét xử lại.

 Nguồn: Sổ tay Kiểm sát viên hình sự tập 2

­­­­­­­­­­­­­  2- Vụ án Ngô Thị Phương phạm tội sản xuất hàng giả

Nguồn: Thông báo số 220/TB-VKSTC-V3 ngày 24/10/2011

 Ngày 18-7-2011, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Ngô Thị Phương phạm tội “Sản xuất hàng giả”, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3) xin thông báo để Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu khi vận dụng pháp luật.

1. Nội dung vụ án:

Ngày 26-02-2008, Đội quản lý thị trường quận TB kiểm tra và phát hiện tạm giữ tại Công ty TNHH may và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh (số 101 Nhất Chi Mai, phường A, quận TB) số hàng hoá gồm 14.916 cái áo thun lưới (trong đó có 12.440 áo thun nhãn hiệu ADIDAS và 2.476 áo thun nhãn hiệu NIKE) đang đóng kiện để gửi đi nước ngoài. Ngoài ra còn thu giữ của Phương những vật chứng như sau: 01 máy cắt, 01 bộ rập mẫu áo bằng bìa cac-tông. Tạm giữ và giao cho Huỳnh Ngọc Thái (chồng Ngô Thị Phương) quản lý một máy ép thuỷ lực tự chế.

Quá trình điều tra, Công an quận TB làm rõ được hành vi sản xuất hàng giả của Ngô Thị Phương như sau: Ngô Thị Phương là giám đốc Công ty TNHH may và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh. Từ tháng 12 năm 2007, thông qua Lê Thị Hà giới thiệu, Vũ Tuấn Anh (không rõ lai lịch, địa chỉ) làm nghề kinh doanh buôn bán quần áo tại UKRAINE đến gặp Phương tại cơ sở may thoả thuận may gia công áo thun lưới gắn nhãn hiệu ADIDAS và NIKE gồm nhiều màu với số lượng 15.000 cái, giá bán là 8.000 đồng/1cái, tức trị giá của hợp đồng là 120.000.000 đồng. Tuấn Anh đã ứng trước cho Phương số tiền là 80.000.000 đồng (tương đương 70% tổng giá trị hàng hóa). Sau đó, Ngô Thị Phương đã mua vải, các nguyên phụ liệu tại khu vực chợ Tân Bình đưa về cơ sở tự cắt mẫu và đưa cho các thợ bên ngoài may gia công với cách thức như sau: Trải vải trên mặt bàn rồi dùng rập đo vẽ mẫu áo cho kín mặt vải, dùng máy cắt mỗi lần thành nhiều lớp sau đó bỏ cho người tên Cường ở quận Gò Vấp để thêu lôgô theo mẫu do Tuấn Anh đưa (mỗi lần giao là 1.000 cái). Sau khi thực hiện xong, Cường trực tiếp đến giao lại cho Phương và tiếp tục nhận hàng mới về làm.

Đối với số hàng đã thêu, Phương lại giao cho các thợ may bên ngoài để may gia công thành phẩm. Với cách làm như trên, đến ngày 26-02-2008 Phương đã làm ra 14.916 cái áo thun lưới (gồm 12.440 áo thun nhãn hiệu ADIDAS và 2.476 áo thun nhãn hiệu NIKE) và dùng máy ép thuỷ lực dập, đóng kiện để gửi kho vận chuyển ra nước ngoài cho Tuấn Anh. Tính chi phí thành phẩm 01 cái áo như sau: tiền vải 5.000 đồng, thêu 500 đồng, bao bì nhãn mác 500 đồng, tiền công may 1.000 đồng, công đóng cắt ủi-đóng gói 500 đồng; tổng cộng 7.500 đồng, bán lời được 500 đồng/1cái.

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận: nhãn hiệu ADIDAS và NIKE hiện đang được bảo hộ tại Việt Nam theo đăng ký quốc tế. Qua xác minh giá bán áo thun nhãn hiệu ADIDAS  là 500.000 đồng/1 cái x 12.440 cái = 6.220.000.000 đồng (theo công văn trả lời xác minh cung cấp thông tin giá về hàng thật ADIDAS  số 32/2008/ĐHS-VPL của Văn phòng luật sư Đoàn Hồng Sơn- Đại diện theo ủy quyền của công ty ADIDAS). Giá bán áo thun nhãn hiệu NIKE là 630.000 đồng/1 cái x 2.476 cái = 1.559.880.000 đồng (theo công văn trả lời xác minh cung cấp thông tin giá về hàng thật NIKE số 01140708/ER-GD ngày 14-7-2008 của Văn phòng đại diện thường trú NIKE tại thành phố H). Tổng cộng 14.916 áo thun lưới nhãn hiệu ADIDAS và NIKE nói trên có giá trị là 7.779.880.000 đồng, đại diện hai hãng ADIDAS và NIKE đều yêu cầu xử lý về hình sự đối với Ngô Thị Phương, nhưng không yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tại kết luận giám định số 466/KLGĐ-TT ngày 09-9-2008, Phòng kỹ thuật hình sự-Công an thành phố H kết luận: “nhãn hiệu logo ADIDAS và NIKE do Ngô Thị Phương  sản xuất không trùng giống  với nhãn hiệu, logo do Công ty ADIDAS và NIKE cung cấp”. Ngày 26-11-2008, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận Tân Bình kết luận: “áo thun lưới không cổ, hàng Việt Nam giả nhãn hiệu ADIDAS và NIKE là 10.000 đồng/01 cái”. Như vậy, tổng số hàng hóa vi phạm tạm giữ nói trên có giá trị 10.000 đồng x 14.916 cái =149.160.000 đồng.

2. Quá trình tố tụng

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 21/2009/HSST ngày 22-01-2010 Tòa án nhân dân quận TB, thành phố H, xử phạt Ngô Thị Phương 2 năm 6 tháng tù về tội “Sản xuất hàng giả”; áp dụng khoản 4 Điều 156 Bộ luật hình sự phạt tiền bị cáo Phương 5.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.

Ngày 25-01-2010, bị cáo Ngô Thị Phương kháng cáo xin được giảm án và xin được án treo.

Bản án hình sự phúc thẩm số 263/2010/HSPT ngày 31-5-2010 của Tòa án nhân dân thành phố H chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 1 Điều 156; các điểm g,p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60  Bộ luật hình sự, xử phạt Ngô Thị Phương 2 năm 6 tháng tù về tội “Sản xuất hàng giả”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Ngày 28-10-2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 28/QĐ/VKSTC-V3 kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 263/2010/HSPT ngày 31-5-2010 của Tòa án nhân dân thành phố H và bản án hình sự sơ thẩm số 21/2009/HSST ngày 22-01-2010 Tòa án nhân dân quận TB, thành phố H; đề nghị Tòa Hình sự-Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm để hủy các bản án nêu trên; giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

   Tại Quyết định giám đốc thẩm số 23/2011/HS-GĐT ngày 26-7-2011, Tòa Hình sự-Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị tuyên huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 263/2010/HSPT ngày 31-5-2010 của Tòa án nhân dân thành phố H và bản án hình sự sơ thẩm số 21/2009/HSST ngày 22-01-2010 Tòa án nhân dân quận TB, thành phố H để điều tra lại; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thủ tục chung.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

 Công ty TNHH may và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh do Ngô Thị Phương làm giám đốc đã sản xuất số hàng hóa gồm 14.916 cái áo thun lưới giả nhãn hiệu ADIDAS và NIKE. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Ngô Thị Phương về tội “Sản xuất hàng giả” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.

Khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào số tiền  149.160.000 đồng do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận TB kết luận, để xử phạt bị cáo theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự là không chính xác. Việc định giá tài sản phải dựa trên giá trị hàng hóa thật được bán trên thị trường, hàng hóa giả không được phép  bán trên thị trường nên không thể lấy đó để làm cơ sở định giá tài sản. Vì vậy, việc Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận TB dựa trên giá trị hàng hóa giả (áo thun lưới không cổ, hàng Việt Nam giả nhãn hiệu ADIDAS và NIKE) được bán trên thị trường để làm căn cứ định giá là không đúng với quy định của pháp luật.

Mặt khác, với những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nếu căn cứ vào số lượng hàng giả mà Ngô Thị Phương đã sản xuất ra tương đương với số lượng hàng thật cả hai loại áo có tổng giá trị là 7.779.880.000 đồng để xét xử bị cáo theo điểm a khoản 3 Điều 156 Bộ luật hình sự  cũng  chưa có căn cứ. Bởi, việc xác định tổng giá trị hàng thật của cả hai loại áo là 7.779.880.000 đồng mới chỉ dựa trên các công văn trả lời của hai văn phòng là Văn phòng luật sư Đoàn Hồng Sơn-đại diện theo ủy quyền của công ty ADIDAS và Văn phòng đại diện thường trú NIKE tại thành phố H mà chưa có sự thẩm định, định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự là không tuân theo đúng các quy định của pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Chính vì vậy, Quyết định giám đốc thẩm số 23/2011/HS-GĐT ngày 26-7-2011 của Tòa Hình sự-Tòa án nhân dân tối cao hủy cả hai bản án của cấp phúc thẩm và sơ thẩm tại thành phố H để điều tra lại là cần thiết và đúng pháp luật.

Thông qua việc giải quyết vụ án này, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự xin thông báo để Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu trong quá trình giải quyết vụ án, khi áp dụng pháp luật cho phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo.

Ghi chú: Một số địa danh đã được Ban biên tập thay đổi

VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập