Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Về việc áp dụng pháp luật tố tụng dân sự, kinh tế, hành chính, lao động

1.Thông báo số 332/VKSTC-VPT3 ngày 30/3/2004 rút kinh nghiệm qua việc Tòa Phúc thẩm quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Để thực hiện tốt hơn chức năng kiểm sát và giám sát các hoạt động tư pháp, trong đó có công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh tế, đòi hỏi ngành kiểm sát cần làm tốt công tác kiểm sát tất cả các khâu trong quá trình giải quyết vụ kiện. Có như vậy, mới kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của ngành Toà án để thực hiện tốt chức năng theo quy định của pháp luật.

Dưới đây, chúng tôi muốn trao đổi nghiệp vụ qua KSXX phúc thẩm việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:

Nguyên đơn: Ngân hàng Công thương Việt Nam (Chi nhánh 1)

Bị đơn: Cơ sở Nguyễn Thị Kim Lan

(Án sơ thẩm tỉnh Y)

Nội dung vụ kiện:

Ngân hàng Công thương Việt Nam khởi kiện bà Nguyễn Thị Kim Lan đòi nợ 870.398.802đ theo 7 hợp đồng tín dụng. Ngân hàng yêu cầu các người bảo lãnh là ông Nguyễn Khuyến, bà Trần Thị Xuyên thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo giấy cam kết bảo lãnh thế chấp tài sản. Bà Xuyên không chấp thuận vì không ký vào giấy bảo lãnh.

Quá trình giải quyết vụ kiện:

Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 39/KTPT ngày 6/9/2002 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh đã huỷ phần quyết định “Bác yêu cầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam đòi phát mãi tài sản thế chấp căn nhà số 87.T Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận B thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên. Ngân hàng Công thương Việt Nam có trách nhiệm trả lại giấy tờ chủ quyền căn nhà trên cho ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên”. Giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra và xét xử lại theo quy định của pháp luật (Lý do: Xác định tính hợp pháp của hợp đồng bảo lãnh).

Ngày 18/10/2002 TAND tỉnh Y thụ lý vụ kiện. Đến ngày 9/6/2003 TAND tỉnh Y có công văn số 1304/CVKT yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký của bà Trần Thị Xuyên để xác định tính hợp pháp của giấy bảo lãnh thế chấp tài sản (ngày tháng trong công văn bị sửa).

Ngày 27/6/2003 TAND tỉnh Y ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế. Lý do ghi trong quyết định “Cần đợi kết quả giám định”.

(Tại công văn số 2239/C21 ngày 15/2003 của Phân viện khoa học hình sự: Đã xác định ngày 27/6/2003 có nhận được trưng cầu giám định số 1304 ngày 15/5/2003 của TAND tỉnh Y).

Nguyên đơn đã kháng cáo quyết định tạm đình chỉ nêu trên.

Tòa Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Huỷ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong vụ án

*Về thời gian tố tụng:

Toà sơ thẩm thụ lý vụ án ngày 18/10/2003 nhưng mãi đến 15/5/2003 (5 tháng 27 ngày) mới có quyết định trưng cầu giám định và đến ngày 27/6/2003 TAND tỉnh Y mới ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế. Như vậy, TAND tỉnh Y đã vi phạm Điều 34 khoản 2 PLTTGQ các vụ án kinh tế. Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án… phải ra 1 trong các quyết định sau… tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Do đó, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi cho các đương sự. Chúng tôi thấy Viện Kiểm sát cần tăng cường kiểm sát quá trình giải quyết các vụ án kinh tế ngay từ khi Toà án thụ lý để kịp thời phát hiện các vi phạm của Toà án nhằm kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật tố tụng (nếu có) đối với Toà sơ thẩm.

* Về căn cứ để tạm đình chỉ:

TAND tỉnh Y đã căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 38 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế để quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế. Nhưng tại Điều 38 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế không quy định“Cần đợi kết quả giám định” là lý do của Toà án áp dụng trong trường hợp này là không có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát tỉnh Y không phát hiện vi phạm pháp luật trên để kháng nghị phúc thẩm là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

Trên đây là một số vấn đề chúng tôi thấy cần trao đổi rút kinh nghiệm chung, không ngoài mục đích cùng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành.

 

2. Thông báo số 275/VKSTC-VPT3 ngày 08/3/2004 rút kinh nghiệm qua việc Tòa Phúc thẩm huỷ quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ kiện.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong lĩnh vực KSXX các vụ án dân sự. Qua thực hiện chức năng KSXX phúc thẩm chúng tôi thấy cần trao đổi để rút kinh nghiệm về nghiệp vụ đối với việc giải quyết vụ kiện “Đòi nợ” giữa:

Nguyên đơn: Công ty TNHH Thăng Long

Bị đơn: Bà Vũ Thị Mai

(Án sơ thẩm tỉnh X)

Đã bị Tòa Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh phúc xử: Huỷ quyết định đình chỉ để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

Nội dung vụ kiện:

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Xây dựng Thăng Long và bà Vũ Thị Mai có ký 01 hợp đồng liên doanh thi công Quốc lộ 1A (hợp đồng số 08/HĐLĐ ngày 21/4/1997).

Trong phần thủ tục của hợp đồng có ghi rõ:

Bên B: Bà Vũ Thị Mai

Địa chỉ: (Ghi nơi cư trú của bà Mai)

Điện thoại (Ghi mã số vùng nơi bà Mai cư trú)

(Lưu ý không ghi chức danh, hoặc đại diện cho pháp nhân)

Ở phần chữ ký, bà Mai cũng ký với tư cách cá nhân (không có đóng dấu của pháp nhân)

Quá trình thực hiện hợp đồng thì bà Mai có nợ vốn đầu tư của công ty TNHH Xây dựng Thăng Long tổng cộng là 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng).

Quá trình giải quyết nợ vốn:

Tại biên bản cuộc họp ngày 29/10/1997 bà Mai được ghi là đại diện cho công ty TNHH Bình Hà (không ghi rõ do ai uỷ quyền), xác nhận nợ công ty TNHH Xây dựng Thăng Long đồng thời cam kết trả nợ.

Do đòi nợ bà Mai nhiều lần không được nên công ty TNHH xây dựng Thăng Long khởi kiện bà Mai ra trước Toà án.

TAND tỉnh X thụ lý số 20/DSST ngày 14/4/2003.

Ngày 4/7/2003, TAND tỉnh X có quyết định số 01/QĐ-TA“Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Kê biên bản thu tài sản thuộc sở hữu của bà Vũ Thị Mai để đảm bảo thi hành án khoản nợ 200.000.000đ. Bà Mai khiếu nại quyết định này, Chánh án TAND tỉnh X đã có công văn trả lời: Xác định việc giải quyết vụ kiện thuộc thẩm quyền của Toà án Tỉnh X nên quyết định kê biên là đúng.

Ngày 10/9/2003 TAND tỉnh X ra quyết định số 06: Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự. Nội dung quyết định ghi: “Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh Y”, đồng thời ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

* Ngày 19/9/2003 công ty TNHH Xây dựng Thăng Long kháng cáo quyết định.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ kiện nhận thấy:

- Bà Vũ Thị Mai ký hợp đồng liên doanh xây dựng với tư cách cá nhân, không phải đại diện cho công ty TNHH Bình Hoà (có trụ sở tại tỉnh Y).

- Địa chỉ ghi trong hợp đồng là nơi cư trú của bà Mai tại tỉnh X.

- Công ty TNHH Bình Hoà có hợp đồng với công ty TNHH Xây dựng Thăng Long để giải quyết nợ của bà Mai và cam kết trả nợ, sự tham gia này chỉ phát sinh quyền nghĩa vụ liên quan, và cũng không thuộc đối tượng theo đơn khởi kiện.

Căn cứ vào hợp đồng đã được ký kết đã xác định rõ: Bà Vũ Thị Mai là bị đơn trong vụ kiện “đòi nợ” do công ty TNHH Xây dựng Thăng Long đứng nguyên đơn. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết vụ kiện theo đúng quy định của pháp luật là TAND tỉnh X. Do đó, quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của TAND tỉnh X là không đúng pháp luật. Cấp phúc thẩm đã xét và quyết định huỷ quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ kiện nói trên để giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại từ giai đoạn đầu.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

- Để ngày càng nâng cao chất lượng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Tòa án theo luật định và Chỉ thị công tác năm 2004 của Viện KSNDTC cần phải:

- Tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp của TAND cùng cấp ngay từ giai đoạn Toà thụ lý đơn khởi kiện, trong đó kiểm sát được việc xác định đúng tư cách của các đương sự tham gia tố tụng trong mối quan hệ pháp luật tranh chấp, trên cơ sở đó để xác định đúng thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật

- Kiểm sát chặt chẽ quá trình giải quyết vụ kiện và các quyết định của TAND cùng cấp trong quá trình giải quyết vụ kiện để phát hiện các vi phạm pháp luật để kịp thời kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, hoặc kháng nghị phúc thẩm để yêu cầu Toà cấp trên khắc phục, sửa chữa các vi phạm nghiêm trọng của Toà án sơ thẩm cùng cấp. Đối với vụ kiện này do Viện KSND tỉnh X không phát hiện vi phạm của Toà án cùng cấp trong việc ban hành Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ kiện nên không kịp thời kháng nghị phúc thẩm. Đây là thiếu sót cần rút kinh nghiệm chung.

Trên đây là những vấn đề chúng tôi thấy cần phải trao đổi kinh nghiệm với các địa phương trong khu vực, với mong muốn chúng ta cùng làm tốt hơn nữa chức năng của Viện Kiểm sát các cấp theo quy định của pháp luật.

 

3. Thông báo rút kinh nghiệm số 905/VKSTC-VPT3 ngày 22/10/2004 về kiểm sát việc giải quyết án dân sự.

Thông qua thực hiện nhiệm vụ KSXX phúc thẩm đối với án dân sự, Viện Phúc thẩm 3 thông báo đến các đồng chí để rút kinh nghiệm đối với vụ án dân sự mà Tòa Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên: Huỷ án để điều tra xét xử lại.

* Vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Nguyên đơn: Nguyễn Thị Minh Thanh

Bị đơn: công ty Xây dựng Kiến Tạo

Tóm tắt nội dung vụ án:

Nguyên đơn và bị đơn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh- trong đó bị đơn giao cho nguyên đơn bán hết phần đất đã phân lô 30.000m2 (phân thành 123 lô biệt thự), tổng giá trị là 37 tỷ. Cụ thể nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn 3 đợt (từ 25/9/2001 đến 10/10/2001) là 25 tỷ, số tiền còn lại bên A (bị đơn) làm chủ quyền giao cho bên B (nguyên đơn) đến đâu sẽ thanh toán xong đến đấy.

Nguyên đơn trình bày: Quá trình thực hiện hợp đồng, đã tiến hành lập thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng 108 lô đất cho khách hàng và giao tiền 2 đợt cho bị đơn là 17 tỷ 11 triệu đồng. Sau đó giá đất tăng bị đơn vi phạm hợp đồng đem đất đã giao bán cho người khác và không đẩy nhanh thi công hạ tầng nên không giao đúng thời hạn cho khách hàng. Từ đó hai bên thống nhất thanh lý hợp đồng.

Bị đơn trình bày: Theo thoả thuận bà Thanh đã giao đợt I, II vào tài khoản Ngân hàng được 15 tỷ đồng, giao tiền mặt 645.000.000đ. Tiếp theo bà Thanh thu tiền của khách hàng và tự ý giữ lại, không giao tiếp đợt 3 như thoả thuận, từ đó hai bên thống nhất thanh lý hợp đồng.

Theo đối chiếu thực tế với khách hàng thì bà Thanh mới giao dịch chuyển quyền sử dụng 91 lô đất bằng 31.777.402.000đ. Bà Thanh đã thu 17.899.700.500đ, số tiền còn lại công ty thu được 13.624.423.000đ.

Số 32 lô đất còn lại, công ty đã trực tiếp chuyển quyền sử dụng cho khách hàng trị giá 12.750.225.000đ. Tính đến 15/10/2003, công ty đã thu được tiền bán 123 lô đất là 37.878.288.000đ. Số tiền còn lại trong khách hàng chưa thu là 4.394.639.500đ. Số tiền bà Thanh thu của khách hàng tự giữ lại chưa giao cho công ty là 2.254.700.500đ.

Bà Thanh yêu cầu: công ty Kiến Tạo (bị đơn) phải thực hiện biên bản thanh lý hợp đồng là hoàn tất giấy tờ pháp lý 8 lô đất đứng tên những người thân của bà (mà bà được hưởng). Ngoài ra, quá trình chuyển nhượng 3 Lô đất cho Nguyễn Thị Thái Hằng và Đỗ Phương Hà, bà đã hoàn tiền cho bà Hằng, bà Hà nêu yêu cầu bị đơn phải làm thủ tục giấy tờ 3 lô đất đứng tên bà.

Phía bị đơn: Không chấp nhận bản thanh lý hợp đồng vì sau khi thanh lý bà Thanh không bàn giao hồ sơ của khách hàng cho công ty Kiến Tạo. Chỉ đồng ý trích thưởng cho bà Thanh 3% phần tiền bà Thanh đã thu được từ khách hàng 17.897.700.500đ x 3% = 536.970.000đ.

Tại bản số 23/DSST ngày 24/12/2003 của TAND tỉnh X đã tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị Minh Thanh.

Buộc công ty TNHH Xây dựng Kiến Tạo thanh toán cho bà Thanh bằng giá trị 8 lô đất đã bán thành tiền là 2.806.800.000đ, và số tiền giá trị 1/2 đất nhà trẻ là 1.201.200.000đ. Tổng cộng: 4.008.000.000đ.

Buộc bà Thanh có nghĩa vụ hoàn trả cho công ty TNHH Xây dựng Kiến Tạo 852.262.000đ.

Sau khi khấu trừ, công ty Kiến trúc phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà Thanh số tiền là 3.155.738.000đ.

(Ngoài ra bản án còn tuyên các phần khác).

Sau khi xét xử sơ thẩm, công ty TNHH Xây dựng Kiến Tạo kháng cáo xin xét xử lại.

Án phúc thẩm số 161/DSPT ngày 13/5/2004 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử: Áp dụng Điều 69 khoản 3 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự xử: Huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 23/DSST ngày 24/12/2003 của TAND tỉnh X để điều tra, hoà giải và xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

- Về thủ tục tố tụng:

* Việc tranh chấp có liên quan đến những người mua đất dự án: Bà Thanh (nguyên đơn khai đã bán 123 lô đất cho 115 khách hàng. Còn biên bản thanh lý thể hiện chỉ có 91 lô đất được bà Thanh bán. Phía bị đơn khẳng định bà Thanh chỉ bán 91 lô đất, còn một số khách hàng chưa nộp đủ tiền, và bà Thanh còn giữ hơn 2 tỷ đã thu 115 khách hàng đã mua 123 lô đất như bà Thanh khai hoặc 91 lô đất như công ty Kiến Tạo khai là thiếu toàn diện. Và việc không đưa những khách hàng này tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Một vấn đề khác, trong biên bản thanh lý hợp đồng có việc chi hoa hồng cho bà Nguyễn Thị Hoa và bà Lê Thị Dung (nội dung này trong hợp đồng chính không có). Cấp sơ thẩm công nhận bản thanh lý nhưng không đưa hai người này tham gia tố tụng cũng là thiếu sót nghiêm trọng.

Do đó, khi kiểm sát việc giải quyết án dân sự cần yêu cầu Toà án xác định đầy đủ người tham gia tố tụng nhất là đối với tất cả những người có quyền và nghĩa vụ liên quan để giải quyết triệt để vụ án nhằm tránh sai sót trong quyết định về quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự trong xử án dân sự.

- Về điều tra thu thập chứng cứ:

Như đã nêu ở phần tố tụng: Cấp sơ thẩm chưa điều tra các khách hàng mua đất, nên không làm rõ được số tiền thực nộp và còn thiếu của từng khách hàng. Nên không xác định được việc công ty Kiến tạo (bị đơn) nại ra bà Thanh (nguyên đơn) còn giữ 2 tỷ khách hàng nộp cho bà Thanh là đúng hay sai.

+ Mâu thuẫn từ trình bày của hai phía về số lượng lô đất do bà Thanh bán là 123 lô hay 91 lô không được điều tra làm rõ.

- Thanh lý hợp đồng không căn cứ vào hợp đồng đã ký, cũng như việc phía công ty đơn phương yêu cầu chấm dứt hợp đồng, nhưng cấp sơ thẩm không điều tra làm rõ lỗi của các bên dẫn đến tuyên buộc TNDS chưa đảm bảo đủ căn cứ.

Vì vậy, khi kiểm sát việc giải quyết án cần yêu cầu Toà án điểu tra đầy đủ, toàn diện các chứng cứ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật dân sự được chính xác như quy định tại Điều 21 khoản 1 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân: “Kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ vụ án; yêu cầu Toà án nhân dân hoặc tự mình xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án”.

Trên đây là một vấn đề còn thiếu sót trong một vụ án dân sự bị Tòa Phúc thẩm huỷ án để điều tra xét xử lại. Viện Phúc thẩm 3 xin thông báo đến các đồng chí để cùng rút kinh nghiệm chung, nhằm để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự.

4. Thông báo rút kinh nghiệm 120/VKSTC- VPT2 ngày 18/4/2004 về việc xác định không đúng thẩm quyền giải quyết vụ án (trích).

Qua kết quả KSXX phúc thẩm vụ án dân sự giữa:

- Nguyên đơn:

Vợ chồng bà: Nguyễn Thị Bá - Sinh năm 1943

Ông: Đỗ Văn Á - Sinh năm 1939.

- Bị đơn bà: Hà Thị Đào - Sinh năm: 1928

Viện Phúc thẩm 2 thấy cần phải thông báo để các VKS tỉnh, thành phố trong khu vực rút kinh nghiệm chung.

Nội dung vụ án: Hộ bà Hà Thị Đào sinh sống tại K211A/12C phường B thành phố D từ trước ngày giải phóng. Năm 1989 gia đình bà Đào được cấp trích lục sổ nghiệp chủ nhà ở chỉ thể hiện ngôi nhà có cấu trúc: Nhà trệt, tường xây, mái tôn, nền xi măng + gạch bông và diện tích xây dựng là 79,70m 2. Ngoài ra không thể hiện diện tích đất. Nguyên phía trước nhà bà Đào có một khoảng đất trống vừa dùng làm lối đi vào hộ nhà bà Nguyễn Thị Bá vừa để thông thoáng. Trước năm 1988 (thời điểm hộ Bà Bá chuyển đến ở) bà Đào đã làm một cái bếp làm tạm thời trên diện tích đất trồng này, bếp có diện tích 3,3m2 (1,5m x 2,2m) bằng tôn xung quanh để trống. Năm 1993 bà Đào tiếp tục lấn chiếm cơi nới diện tích bếp tạm thêm 5,5m2 (2,5m x 2,2m) đưa tổng diện tích bếp tạm lên 8,8m2. Lúc này, bà Bá có đơn khiếu nại nên ngày 12/01/1993 UBND phường T có biên bản giải quyết tranh chấp yêu cầu hộ bà Đào phải đưa bếp tạm về diện tích cũ (1,5m x 2,2m) còn diện tích nới rộng trái phép (2,5m x 2,2m) chỉ được xây cao tính từ mặt đường đi là 1m sau đó sử dụng lưới để bọc quanh. Do bà Đào không thực hiện đúng nên ngày 14/01/1993 UBND phường T lập biên bản kết luận việc sửa chữa cải tạo nhà bếp của bà Đào là hoàn toàn trái phép, yêu cầu bà Đào phải đình chỉ việc sửa chữa cải tạo từ 9h ngày 14/01/1993, phạt hành chính là 100.000đ. Bà Đào muốn tiếp tục sửa chữa thì phải được cơ quan chức năng cho phép. Năm 1999 bà Đào làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyển sử dụng đất ở và đã được UBND thành phố D ra quyết định số 5247/QĐ-UB ngày 29/5/2000 cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số: 3401031105 ngày 29/5/2000 (hồ sơ gốc số 7926) với diện tích đất 116,5m2 trong đó có phần diện tích nhà bếp tạm nêu trên với diện tích hiện tại 16,1m2. Đầu năm 2002 khi bà Đào làm thủ tục xin giấy phép để sửa chữa xây dựng lại nhà bếp nói trên thành nhà 2 tầng trên lợp tôn thì bà Bá có đơn khiếu nại về việc bà Đào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích nhà bếp bà Đào đã lấn chiếm lối đi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Ngày 23/3/2002 UBND phường T có công văn số 08/CV- UB gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị ngừng cấp giấy phép xây dựng nhà K24A/12C cho hộ bà Hà Thị Đào, đồng thời đề nghị Sở địa chính - Nhà đất (cũ) giải quyết trả lời đơn cho công dân. Ngày 22/4/2002 Sở địa chính - Nhà đất có văn bản số 235/ĐCNĐ trả lời đơn của bà Nguyễn Thị Bá, trong đó có nội dung trong quá trình lập Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bà Đào đã kê khai đất tự khai phá và xây dựng nhà từ năm 1966, hồ sơ đã được các hộ tiếp giáp, tổ dân phố, UBND phường xác nhận (kể cả phần diện tích bếp nêu trên)… nên bà Đào được UBND Thành phố D cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định. Đồng thời đề nghị bà Đào có đơn gửi Toà án nhân dân Thành phố D để xem xét giải quyết (Hồ sơ thể hiện bà Bá ký xác nhận phần các hộ tiếp giáp trong biên bản xác định hiện trạng ranh giới, mốc giới thửa đất lập ngày 29/11/1999).

Ngày 6/5/2000 bà Nguyễn Thị Bá có đơn khởi kiện gửi đến TAND quận H thành phố D yêu cầu Toà án huỷ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo quyết định số 5247 ngày 29/5/2000 của Chủ tịch UBND thành phố D vì cho rằng trong diện tích đất được cấp giấy (116,5m2) bà Đào lấn chiếm trái phép 16,1m2 đất công cộng (đường đi) để làm bếp làm hẹp lối đi và ảnh hưởng đến không gian thông thoáng của gia đình bà, việc lấn chiếm của bà Đào đã bị UBND phường T lập biên bản năm 1993 nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyển sử dụng đất là không đúng.

TAND quận H đã thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự và tiến hành điều tra xác minh, sau đó có quyết định chuyển vụ án lên Toà án nhân dân thành phố D để giải quyết theo thẩm quyền.

TAND thành phố D thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự số 01/DSST ngày 01/10/2002 và đưa vụ án ra xét xử theo bản án số 09/DSST ngày 25/9/2003 trong phần quyết định đã tuyên:

Bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bá, ông Đỗ Văn Á về việc yêu cầu huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 3401031105 ngày 29/5/2000 (hồ sơ gốc số 7926) của UBND thành phố D đã cấp cho bà Hà Thị Đào và ông Mạc Phú.

Án phí DSST 50.000đ bà Bá, ông Á phải chịu.

Trong thời hạn luật định bà Nguyễn Thị Bá có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xử huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 16,10m2 của nhà bếp bà Đào vì việc lấn chiếm của Bà Đào làm hẹp lối đi chung vào nhà bà và nếu bà Đào tiến hành sửa chữa cải tạo diện tích bếp này sẽ ảnh hưởng đến độ thông thoáng của gia đình bà.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14/4/2004 đại diện Viện Phúc thẩm 2 đã nhận định bà Nguyễn Thị Bá, ông Đỗ Văn Á khởi kiện yêu cầu huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất mà UBND thành phố D cấp cho hộ bà Hà Thị Đào vì bà Đào đã lấn chiếm đất công cộng là đường đi vẫn được cấp giấy chứng nhận phần lấn chiếm là không đúng pháp luật và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà, bà Bá không khiếu kiện hộ bà Đào lấn chiếm đất của gia đình bà nên nội dung vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự mà phải giải quyết theo thủ tục hành chính với đối tượng là quyết định hành chính số 5247/QĐ - UB ngày 29/5/2000 của UBND thành phố D.

Do vậy đã đề nghị Tòa Phúc thẩm xử huỷ án sơ thẩm giải quyết theo thủ tục hành chính.

Hội đồng xét xử Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã chấp thuận đề nghị trên, quyết định huỷ án sơ thẩm vì thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự là không đúng thẩm quyền, giao hồ sơ cho Toà án sơ thẩm giải quyết theo thủ tục hành chính.

Qua giải quyết vụ án nêu trên đề nghị các Viện Kiểm sát địa phương trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự cần lưu ý đến các mỗi quan hệ pháp luật để quyết định đúng thẩm quyền giải quyết vụ án.

 

5. Thông báo rút kinh nghiệm số 120/TB-VPT3 ngày 9/1/2007về xét xử vụ án hành chính có vi phạm.

Người khởi kiện: Ông Nguyễn Đình Thuần, bà Nguyễn Thị Thành, bà Thái Thị Kim Thuý.

Người bị kiện: Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CSĐTTP- KTCV) Công an tỉnh V.

Theo án sơ thẩm số 01/HCST ngày 5/9/2006 thì nội dung việc kiện như sau:

Ngày 4/12/2005 phòng CSĐTTP-KTCV công an tỉnh đã phát hiện xe ô tô mang biển số 6…L- 4005 trở 16 tấn me muối không đúng hoá đơn nên đã đề nghị lập biên bản vi phạm hành chính số 218/BB-VPHC ngày 5/12/2005 đối với ông Hồ Văn Đức tài xế xe tải này.

Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính nêu trên, ngày 12/12/2005 Trưởng phòng CSĐTTP-KTCV công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính số 139/QĐ-XPHC đối với ông Nguyễn Đình Thuần hình thức: Phạt tiền 5 triệu đồng và tịch thu tang vật là 16 tấn me muối.

Không đồng ý với quyết định này, ngày 28/2/2005 ông Thuần và các bà Nguyễn Thị Thành, Thái Thị Kim Thuý đã khởi kiện thành 1 vụ án hành chính. Người khởi kiện xuất trình 2 hoá đơn giá trị gia tăng số 0045941 và 0045942 ngày 4/12/2005, để chứng minh số hàng hoá mua là hợp pháp.

*Án sơ thẩm đã tuyên: bác yêu cầu của người khởi kiện.

- Áp dụng K1, Điều 10; 31; 42; 55; K1 Điều 56 Pháp lệnh cử lý vi phạm hành chính; Điều 20; 21; 22 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2004, Điều 2, 4 phần 1 và điểm 1 mục B, phần 2 Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT-BTC-BTM-BCA ngày 8/10/2003 hướng dẫn sử dụng hoá đơn chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường:

Công nhận quyết định số 000139/QĐ-XPHC ngày 12/12/2005 của trưởng phòng CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh V đúng pháp luật.

*Viện trưởng VKSND tỉnh V đã có quyết định kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm huỷ quyết định xử phạt hành chính vì đã không xác định đúng bản chất của việc vi phạm, trình tự thủ tục thực hiện việc xử phạt vi phạm.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy có nhiều vi phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục trong quá trình thực hiện việc xử phạt hành chính và quá trình thụ lý giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm, cụ thể như:

- Quyết định xử phạt hành chính phải dựa trên cơ sở biên bản xử phạt hành chính. Nhưng quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Đình Thuần lại căn cứ vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Văn Đức là trái với quy định tại Điều 55 pháp lệnh xử phạt hành chính. Điều đáng chú ý là: Biên bản xử phạt vi phạm hành chính lập ngày 5/12/2005 lại không đóng dấu của cơ quan nào. Do đó biên bản này không có giá trị pháp lý. Tại biên bản vi phạm hành chính có đề cập đến 2 tờ hoá đơn giá trị gia tăng số 0045941 và 0045942 nhưng lại không có ý kiến đánh giá nào đối với 2 hoá đơn này.

- Ông Thuần, bà Thành, bà Thuý là đồng sở hữu 16 tấn me muối nhưng quyết định xử phạt hành chính lại chỉ xử phạt đối với ông Thuần vì cho rằng chỉ một mình ông Thuần là chủ hàng là thiếu căn cứ. Mặt khác dù cả 3 người đứng tên trong đơn khởi kiện. Nhưng Toà sơ thẩm đã không yêu cầu bà Thành nộp án phí hoặc trả lại đơn cho 2 đương sự này trái với qui định tại K1, Điều 32 và Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên tại bản án sơ thẩm lại nhận định: “Có triệu tập trực tiếp nhiều lần nhưng cả bà Thành, bà Thúy không có mặt nên bà Liên (đại diện cho bà Thành) và bà Thuý không có tư cách khởi kiện”. Tuy nhiên tại phần quyết định bản án vẫn tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Liên và bà Thuý là mâu thuẫn nhau.

Đặc biệt sau khi thụ lý vụ án, Toà án cấp sơ thẩm đã không thực hiện việc điều xác minh mà lại sử dụng toàn bộ tài liệu điều tra xác minh, biên bản ghi lời khai ... do chính các trinh sát của phòng CSĐTTP-KTCV công an tỉnh Vĩnh Long thực hiện để xét xử là vi phạm nghiêm trọng Điều 32,38 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Luật tổ chức TAND.

Do có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nêu trên nên cấp phúc thẩm đã huỷ án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Ghi chú: Một số địa danh nơi xảy ra và giải quyết vụ việc đã được Ban biên tập thay đổi.

Nguồn: Trích cuốn: "Tuyển chọn thông báo rút kinh nghiệm, kiến nghị nghiệp vụ của các Viện phúc thẩm"

Chủ biên: TS. Dương Thanh Biểu

Sách của: NXB Tư Pháp năm 2009

VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập