Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ, THI HÀNH ÁN VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA NHẰM THỰC HIỆN TỐT QUY ĐỊNH 132-QĐ/TW

Ngày 27/10/2023, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 132 – QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử, thi hành án. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Đây là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó nhấn mạnh tới tính liêm chính của các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này phải được đặt lên hàng đầu. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thức và trao đổi một số yêu cầu liên quan trực tiếp, cần quan tâm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân và Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp như sau:

I. Một số nhận thức chung về kiểm soát quyền lực:
1. Tại sao phải thực hiện việc kiểm soát quyền lực.
- Một là, tình trạng lạm quyền và lộng quyền. Đó là những hành vi lợi dụng quyền lực được giao, làm và quyết định những việc vượt quá thẩm quyền. Biểu hiện cụ thể như việc vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, hứa hão mà không làm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; cố tình lợi dụng những sơ hở của pháp luật để cố ý làm trái, trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng. Rõ nhất là sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành.
- Hai làtình trạng không “đúng vai, thuộc bài” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. tình trạng này do nguyên nhân nhận thức, không chịu nghiên cứu, học hỏi, bảo thủ, trì trệ, ý thức kỷ luật hành chính kém hoặc nhận thức được vai trò, chức trách nhưng bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng nên sa vào “mũ ni che tai”, đồng lõa với sai phạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Vì vậy, để PCTNTC phải kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, “phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn, “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”.
2.Tại sao phải kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
- Vì đây là những hoạt động thường xuyên sử dụng quyền lực nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.
- Các cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án được trao nhiều quyền lực, quá trình thực thi quyền lực có tính độc lập cao nên nếu không kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực thì nguy cơ lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này là rất lớn. Điều này có nghĩa là, các cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động này luôn có nguy cơ vì vụ lợi hoặc động cơ khác, làm trái hoặc làm vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do vậy, nếu không tăng cường KSQL đối với hoạt động này bằng một cơ chế phù hợp thì nguy cơ lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động này là rất lớn.
- Hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến nền tư pháp trong sạch của đất nước, xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào công lý, với Đảng, Nhà nước và chế độ, thậm chí có thể “đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Do vậy, việc ban hành và thực hiện nghiêm quy định về KSQL trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là việc rất thiết thực và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
3. Xuất phát từ thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Thực tiễn thực thi quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thời gian qua cho thấy, tình trạng lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn xảy ra, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Điển hình là việc can thiệp, cản trở, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án. Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý hình sự nhiều cán bộ do tham nhũng, tiêu cực.
II. Những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Tại Điều 6 Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã nêu 28 nội dung cụ thể, quy định những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án, đây là những quy định liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành kiểm sát nói chung và Kiểm sát viên, công chức được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nói riêng, cụ thể:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
2. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
3. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
4. Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
5. Can thiệp, cản trở, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và các cơ quan chức năng, hoạt động giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
6. Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
7. Cố ý không tiếp nhận, giải quyết hoặc tiếp nhận, giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với nguồn tin về tội phạm, việc khởi kiện giải quyết vụ án hành chính, vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự, việc phá sản, thi hành án.
8. Che giấu, làm sai lệch, sót, lọt nguồn tin về tội phạm hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu huỷ chứng cứ, vật chứng trái pháp luật.
9. Ban hành quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can hoặc không ban hành quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can trái pháp luật; không truy tố người có tội hoặc truy tố người không có tội hoặc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật.
10. Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp tư pháp, thay đổi tội danh, hình phạt, miễn, giảm hình phạt, miễn, giảm trách nhiệm hình sự, dân sự, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, vụ việc, chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án trái pháp luật.
11. Nhục hình, bức cung, mớm cung hoặc chỉ đạo, tổ chức thông cung đối với người bị buộc tội; truy ép, gợi ý cho đương sự, người tham gia tố tụng khác cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày không khách quan, trung thực.
12. Trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giám định, định giá tài sản không đúng quy định của pháp luật; cố ý né tránh, kéo dài thời gian cung cấp tài liệu theo yêu cầu giám định, định giá hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; kết luận giám định, định giá tài sản không đúng sự thật hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản trái pháp luật.
13. Lợi dụng quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc quyền trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, quyền huỷ án điều tra lại, quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền yêu cầu giải thích bản án để kéo dài quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án vì vụ lợi.
14. Đề nghị, quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo, xét và đề nghị đặc xá trái pháp luật.
15. Cố ý thi hành án trái nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không ra quyết định thi hành án, trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án trái pháp luật; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp khẩn cấp tạm thời, cưỡng chế thi hành án, câu kết, thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để hạn chế người mua, dìm giá, hạ giá tài sản thi hành án trái pháp luật.
16. Cố ý vi phạm các quy định về niêm phong, mở niêm phong, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, về thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản thi hành án.
17. Cản trở trái pháp luật hoạt động của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; hoạt động tự bào chữa, nhờ người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của bị hại, người được thi hành án, đương sự, người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.
18. Tư vấn, liên hệ, tiếp xúc, giải quyết không đúng quy định về chế độ thăm, gặp, liên lạc đối với người bị buộc tội, phạm nhân; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án, bị hại, người được thi hành án, đương sự hoặc người thân thích của họ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
19. Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác; chỉ đạo hoặc cung cấp, tiết lộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
20. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
21. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để áp đặt, hợp thức hoá các hành vi, quyết định trái pháp luật của mình hoặc để giải quyết việc cá nhân mình trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
22. Nhận quà (lợi ích vật chất, phi vật chất) dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tặng quà (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới mọi hình thức) để tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan làm sai lệch kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
23. Cố ý để người có quan hệ gia đình và người thân thích khác lợi dụng vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi hoặc tham gia bào chữa, tư vấn pháp lý trong vụ án, vụ việc mà mình chỉ đạo giải quyết hoặc trực tiếp giải quyết.
24. Cố ý không giải quyết, không thực hiện hoặc giải quyết, thực hiện không đúng quy định hoặc cản trở việc giải quyết đối với các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
25. Tiết lộ thông tin, đe doạ, trả thù, trù dập người kiến nghị, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi được giao quản lý, phụ trách.
26. Đe doạ, trả thù, trù dập, mua chuộc người tố giác tội phạm, người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến bản thân mình hoặc người có quan hệ gia đình trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án.
27. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng trái pháp luật các thông tin, tài liệu thu thập được từ các biện pháp nghiệp vụ.
28. Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực khác trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Do đó, việc quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quy định 132- QĐ/TW giúp các công chức, Kiểm sát viên nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy định nêu trên. Từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động của công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xác định đây là một nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng Đảng.
III. Một số yêu cầu đặt ra nhằm thực hiện tốt Quy đinh 132 - QĐ/TW:
- Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại tố cáo và người có liên quan. Tạo điều kiện để công chức tham gia phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực và xử lý người có hành vi lợi dụng tố cáo tham nhũng, tiêu cực để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.

- Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không chủ động và thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cả về mặt chính quyền và vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng.

Xuân Hùng - Phòng 1 VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập