Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Panetta nhấn mạnh Chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á - Thái Bình Dương (TBD) của Mỹ, và mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những bước tiến tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Thủ tướng khẳng định VN luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn Mỹ với tư cách là một cường quốc châu Á - TBD, sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Để phục vụ mục tiêu này, Chính phủ Mỹ cần sớm bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.
Cam kết lâu dài với Việt Nam
Trước đó, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng nước ta do đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng làm trưởng đoàn đã có cuộc hội đàm với đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Edward Panetta làm trưởng đoàn.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, ông Leon Panetta cảm ơn phía VN đã tạo điều kiện cho ông có “chuyến thăm lịch sử” đến vịnh Cam Ranh với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ có mặt tại đây kể từ sau khi kết thúc chiến tranh.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, tại hội đàm hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có các biện pháp thúc đẩy thực hiện bản ghi nhớ hợp tác song phương mà Bộ Quốc phòng hai nước ký cuối 2011. Các lĩnh vực này gồm có: đối thoại song phương cấp cao, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, gìn giữ hòa bình, hợp tác quân y, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Hai bên cũng sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc da cam tồn lưu tại một số khu vực.
|
|
|
Khu vực sẽ có sự ổn định nếu có một VN hùng mạnh, một Indonesia hùng mạnh, một Philippines hùng mạnh và các nước trong khu vực hùng mạnh
|
|
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Edward Panetta
|
|
|
Phía Mỹ cũng đưa ra đề xuất về việc thiết lập một văn phòng về điều phối hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên. Đây cũng là một tín hiệu cho sự cam kết lâu dài trong quan hệ quốc phòng với VN, ông Panetta nói.
Bên cạnh đó là việc tìm kiếm hài cốt quân nhân, xác định thông tin, trao lại các kỷ vật chiến tranh cho gia đình quân nhân hai nước. Ngay tại buổi họp báo Bộ trưởng Panetta đã trao lại cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, do phía Mỹ thu được năm 1966 tại Quảng Ngãi. Ngược lại ông Panetta cũng nhận lại một số thư tín cá nhân của trung sĩ Steve Flaherty, người đã thiệt mạng trong một chiến dịch năm 1969.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, những hợp tác song phương được thực hiện trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đôi bên cùng có lợi, vì hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực. Đồng thời đóng góp chung cho thế giới, không làm phương hại đến an ninh của các nước láng giềng và các quốc gia khác.
Lý do ông Panetta có mặt ở Việt Nam
Trả lời câu hỏi về sự quan ngại của các bên thứ ba đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực, ông Panetta khẳng định mục đích căn bản của Mỹ ở khu vực châu Á - TBD là mong muốn cải thiện cơ hội hòa bình, an ninh, thịnh vượng cho khu vực.
“Mục đích của chúng tôi là làm việc các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc để thúc đẩy cải thiện quan hệ quân đội các nước với nhau, giúp gia tăng khả năng của từng nước có thể tự bảo vệ, tự duy trì an ninh cho mình”, ông Panetta nói.
|
|
Trả lời câu hỏi của hãng tin AFP về việc sử dụng cảng Cam Ranh cho tàu quân sự Mỹ, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh hoan nghênh các tàu hậu cần, kỹ thuật của Mỹ đến sửa chữa ở các cảng thương mại hiện thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
|
|
|
Bộ trưởng Panetta khẳng định Mỹ luôn coi mình là một thành viên trong gia đình châu Á - TBD và mục tiêu của Mỹ là làm việc cùng các nước để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng trong khu vực. Yếu tố cốt lõi để thực hiện được điều đó, theo ông Panetta chính là những quy định, nguyên tắc, luật pháp quốc tế căn bản.
“Nếu các nước cùng tuân thủ những nguyên tắc, quy định, luật pháp quốc tế căn bản đó thì chúng ta sẽ đạt mục tiêu xây dựng một khu vực tốt đẹp hơn, an ninh hơn”, Bộ trưởng Panetta nói.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có phải các quốc gia châu Á đang phải đứng giữa sự lựa chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoàn toàn không lệ thuộc vào bên ngoài của VN.
“Với tinh thần VN muốn làm bạn, đối tác tin cậy của các nước, chúng tôi quan hệ tốt với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, trong đó xác định quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với Mỹ là quan hệ ổn định, hợp tác lâu dài. VN không đi với nước này để chống lại nước khác”, Bộ trưởng Thanh khẳng định.
Câu trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng VN nhận được sự đồng tình tuyệt đối của người đồng cấp Mỹ. Ông Leon Panetta khẳng định: “Mỹ có mục đích mong muốn thúc đẩy chính những điều như Bộ trưởng Thanh đã đề cập là độc lập, chủ quyền của các nước trong khu vực”. Đó chính là phục vụ lợi ích của sự ổn định.
Theo ông Panetta chắc chắn rằng, khu vực sẽ có sự ổn định “nếu có một VN hùng mạnh, một Indonesia hùng mạnh, một Philippines hùng mạnh và các nước trong khu vực hùng mạnh”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc chỉ rõ sự mất ổn định sẽ diễn ra nếu khu vực chỉ có nhóm những nước yếu, trong khi Mỹ và Trung Quốc là cường quốc trong khu vực. Theo ông, vấn đề trọng yếu là để có tương lai ổn định, thịnh vượng, thì điều quan trọng phải bảo đảm làm sao các nước có thể phát triển năng lực, kinh tế, thương mại.
“Điều đó sẽ đem các nước xích lại với nhau chứ không phải đẩy nhau cách xa. Đó là mục đích của Mỹ và là lý do vì sao tôi có mặt ở VN”, ông Panetta nói.