Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

PHƯƠNG PHÁP NHẰM NÂNG CAO SỐ LƯỢNG, CHẤT LƯỢNG KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM NGANG CẤP TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Kháng nghị là quyền năng, là biện pháp pháp lý đặc biệt quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, góp phần đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, đảm bảo các quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân được tôn trọng và bảo vệ. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, việc huy động vốn của hoạt động kinh doanh, sản xuất giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh chóng. Trong những năm gần đây, trên địa bàn thị xã Ninh Hoà các tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp liên quan đến hợp đồng vay nói riêng gia tăng nhanh và tính chất ngày càng phức tạp. Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và quyền năng kháng nghị nói riêng, đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự thì Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hoà đã thực hiện một số giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị tranh chấp hợp đồng vay như sau:

* Vi phạm thường gặp trong tranh chấp hợp đồng vay
Xác định thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Xác định sai tư cách người tham gia tố tụng.
Hợp đồng uỷ quyền đã hết thời hạn nhưng Toà án vẫn cho phép người được uỷ quyền đó tham gia tố tụng.
Vi phạm về thoả thuận phạt vi phạm và lãi chậm trả.
Vi phạm về việc không xác định lãi suất theo thoả thuận và không áp dụng việc điều chỉnh lãi suất theo hợp đồng.
Về cách tính tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm.
Giải quyết vượt quá yêu cầu, phạm vi khởi kiện.

*Phương pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị
Toàn bộ vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình được Kiểm sát viên lập hồ sơ kiểm sát chặt chẽ theo Quy chế 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 về công tác kiểm sát vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Hình thức, nội dung, cách thức lập, quản lý, sử dụng hồ sơ thực hiện theo Hướng dẫn số 27, Hướng dẫn số 28 và hướng dẫn có liên quan khác của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Xác định công tác kiểm sát án dân sự là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của toàn ngành theo Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2013 của Viện KSND tối cao. Do đó, lãnh đạo đã phân công, lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm đảm nhận khâu công tác này.

Nghiên cứu nội dung vụ án: Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học, nắm chắc nội dung và phải lập sơ đồ tư duy. Nắm bắt các vấn đề mà đương sự yêu cầu và những vấn đề đương sự không yêu cầu giải quyết, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Từ đó, xác định quan hệ tranh chấp giữa các bên, tư cách tham gia tố tụng của đương sự, tính chất và nội dung tranh chấp; nghiên cứu các vấn đề cần chứng minh, nghĩa vụ chứng minh, căn cứ các đương sự đưa ra chứng minh cho yêu cầu của họ. Đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ có đảm bảo tính hợp pháp hay không, nếu có nhiều tài liệu, lời khai mâu thuẫn trái ngược với nhau và mâu thuẫn với kết quả giám định thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn diện, xem xét nguồn gốc của tài liệu, người cung cấp, …qua đó xâu chuỗi tình tiết, sự kiện để xác định sự thật vụ án.

Trước khi trả hồ sơ cho Toà án thì Kiểm sát viên phải báo cáo, trao đổi với lãnh đạo phụ trách về toàn bộ vụ án về trình tự thủ tục tố tụng, tài liệu chứng cứ, yêu cầu của đương sự, … nếu tài liệu chứng cứ thu thập chưa đầy đủ thì yêu cầu Toà án thu thập, bổ sung tài liệu chứng cứ, nhận dạng các vi phạm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để đưa ra các yêu cầu, kiến nghị kịp thời.

Tại phiên toà, cùng hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn, làm rõ, củng cố quan điểm của Viện kiểm sát. Đặc biệt chú ý những tình huống phát sinh tại phiên toà và sau khi tạm ngừng phiên toà phải báo cáo ngay cho lãnh đạo viện phụ trách có hướng xử lý kịp thời.

Thông qua tài liệu chứng cứ đánh giá lại toàn bộ vụ án và đối chiếu với nhận định của Toà án thông qua bản án, quyết định để tìm ra những nội dung mà Toà án nhận định và quyết định không khách quan, không chính xác để tiến hành kháng nghị.

Đối với những vụ án trái quan điểm giữa Toà án và Viện kiểm sát thì Toà án thường gửi bản án chậm, mặc dù đã kiến nghị nhưng vẫn không thực hiện việc gửi bản án thì thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên Kiểm sát viên phải chủ động ghi âm nội dung nhận định mà Hội đồng xét xử nêu tại phiên toà và kịp thời báo cáo lãnh đạo viện, phòng nghiệp vụ (Phòng 9) để xin ý kiến chỉ đạo kháng nghị hay không. Nếu cần thiết thì thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để củng cố kháng nghị. Trường hợp kháng nghị đã ban hành thì tiếp tục rà soát lại nếu phát sinh những vấn đề mới cần phải kháng nghị bổ sung thì xin ý kiến phòng nghiệp vụ để kịp thời bổ sung kháng nghị.

Lưu ý trong những tháng kết thúc năm công tác của Toà án thì lượng án đưa ra xét xử tăng đột biến trong một thời gian ngắn. Vì vậy, Kiểm sát viên phải tập trung kiểm sát chặt chẽ tránh bỏ lọt vi phạm và kịp thời báo cáo phòng nghiệp vụ phối hợp kháng nghị.

Đối với các trường hợp phát hiện bản án chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm nghiêm trọng phải kháng nghị nhưng sắp hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp huyện thì báo cáo ngay Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện quyền kháng nghị.

Đối với trường hợp Kiểm sát viên được phân công kiểm sát các bản án, quyết định không thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp. Khi phát hiện vi phạm, căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016, yêu cầu người có thẩm quyền chuyển giao hồ sơ ngay để nghiên cứu và thực hiện quyền kháng nghị. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu Toà án phải gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát, nếu không thực hiện thì tiếp tục yêu cầu và có kiến nghị khắc phục vi phạm.

Một số phương pháp khác:

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát dân sự nắm vững các quy định pháp luật dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan đến tranh chấp, yêu cầu thường gặp thông qua nhiều hình thức như lập danh sách cử Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình; tự đào tạo tại đơn vị, phân công Kiểm sát viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mới bổ nhiệm.

Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; tích cực học tập, nghiên cứu về lý luận để nắm vững các quy định của pháp luật trong giải quyết các vụ, việc dân sự.

Tăng cường phối hợp với Toà án trong tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm đối với những vụ án có tính chất phức tạp, qua đó, rút kinh nghiệm chung cho công chức 02 ngành, đồng thời nâng cao kỹ năng, trình độ nhận thức pháp luật cho công chức thực hiện công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, đảm bảo việc áp dụng pháp luật được chính xác và thống nhất.

* Một số khó khăn, vướng mắc.
Đối với vụ án tranh chấp hợp đồng vay mà nguyên đơn yêu cầu áp dụng phong toả tài sản đối với bị đơn. Tuy nhiên, tại thời điểm đó bị đơn đã chuyển nhượng tài sản cho người khác bằng hợp đồng công chứng nhưng chưa đăng ký biến động sang tên thì có đưa người mua tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hay không?

Trường hợp hợp đồng vay có thế chấp tài sản, Toà án đã tiến hành thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp nhưng có cần thiết phải đo vẽ tài sản đó hay không?

Có nhiều hợp đồng uỷ quyền, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký kết nhằm che giấu hợp đồng vay. Tuy nhiên, thực tế khó đánh giá được như thế nào là hợp đồng giả tạo vì còn nhiều quan điểm khác nhau.

Đối với hợp đồng vay do một bên vợ hoặc chồng giao dịch thì việc xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng (Điều 25 Luật hôn nhân và gia đình năm 2024 quy định trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với giao dịch dân sự do một bên thực hiện) còn tuỳ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng.

Từ những vướng mắc trên đề xuất, kiến nghị: Viện kiểm sát nhân dân Tối cao sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để pháp luật được thực hiện thống nhất./.

VKSND thị xã Ninh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập