Trong thời gian gần đây, trong khoa học pháp lý, đặt biệt là lý luận khoa học kiểm sát xuất hiện cụm từ “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Rất nhiều bài viết trên báo, tạp chí, trên mạng, trên các diễn đàn, các cuộc hội nghị, hội thảo được tổ chức đã đề cập xung quanh vấn đề này
Sở dĩ có vấn đề trên là do Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005, của Bộ Chính Trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã yêu cầu ngành kiểm sát Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Đáng chú ý Nghị quyết TW5 khóa XI tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát (VKS) là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (THQCT, KSHĐTP) thì chủ trương Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tratrong các Nghị quyết của Đảng lại được các cấp, các ngành chấp hành nghiêm túc và quan tâm hơn bao giờ hết.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại một phiên tòa
Qua nghiên cứu các tài liệu xung quanh vấn đề này, chúng tôi thấy nổi lên 2 cụm từ tăng cường, gắn. Theo Từ điển tiếng Việt tăng cường tức là làm cho mạnh thêm, nhiều thêm. Gắn tức là có quan hệ và làm cho có quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau. Lý giải những vấn đề nêu trên để chúng ta hiểu được rằng, Đảng mong muốn VKS cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò của mình. Chúng tôi xin đề cập đến 2 vấn đề chủ yếu sau đây:
Vấn đề thứ nhất, làm thế nào làm tốt công tác kiểm sát việc xử lý tin báo tội phạm và trách nhiệm của VKS trong vấn đề này như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 103 BLTTHS năm 2003 thì VKS có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra (CQĐT) đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên theo dõi công tác này trong thời gian vừa qua thì chúng ta chỉ mới dừng lại thống kê, nói cách khác là sao chép từ Sổ theo dõi tin báo tội phạm của CQĐT sang Sổ theo dõi tin báo của VKS, phân công một đồng chí Kiểm sát viên (KSV) hay Kiểm tra viên, chuyên viên làm một số công việc khác có trách nhiệm theo dõi vấn đề này. Có đơn vị hàng tháng tổ chức họp 2 ngành để giải quyết các tin báo tội phạm nhưng hầu hết đều do CQĐT chủ động. Có VKS kiến nghị khắc phục vi phạm về thời hạn sau khi nhận quyết định khởi tố hoặc không khởi tố của CQĐT, hoặc kiểm sát các hồ sơ đã xử lý các tin báo do CQĐT chuyển đến sau khi có Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố. Một số đơn vị ra QĐ phân công KSV kiểm sát tin báo sau khi nhận Quyết định phân công Điều tra viên (ĐTV) về xử lý tin báo. Tuy nhiên tất cả những cố gắng nêu trên của ngành Kiểm sát chỉ đáp ứng một phần trách nhiệm của VKS chứ nhìn chung chúng ta chưa giải quyết riết ráo, có hiệu quả vấn đề như yêu cầu của BLTTHS. Vẫn còn đó việc tồn quá nhiều tin báo, nhiều tin báo vi phạm về thời gian xử lý, nhất là các tin về tội phạm kinh tế, các tin báo phải có kết quả giám định, một số tin báo kéo dài không xử lý nhưng qua nhiều năm chúng ta chưa khắc phục và xử lý dứt điểm. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung lại là vấn đề trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị (tức là thuộc nguyên nhân chủ quan), trong khi đó các chế tài xử lý các vi phạm này pháp luật chưa quy định. Ví dụ: Tin báo để quá hạn luật định, Giám định cho kết quả lâu, trách nhiệm của VKS không quản lý được tin báo xử lý ra sao vẫn chưa được đề cập.
Để giải quyết tồn tại các vấn đề trên chúng tôi nghĩ chúng ta phải làm tốt mối quan hệ phối hợp giữa 2 ngành. Cụ thể là, tin báo chúng ta không chỉ dừng lại ở việc kiến nghị mà phải chủ động hơn, phải có Quy chế phối hợp 2 ngành, phân công cụ thể trách nhiệm KSV, phải nắm chắc số việc tin báo, phân công KSV thụ lý từng tin báo, hàng tuần nên dành thời gian nhất định giữa KSV- ĐTV, giữa Lãnh đạo 2 ngành Công an - Kiển sát để bàn biện pháp xử lý các tin báo về tội phạm. Cần rà soát từng tin báo, tin báo nào có dấu hiệu là tội phạm, tin báo nào không có dấu hiệu thì phải loại trừ. Nếu tin nào chưa thống nhất cần báo cáo 2 ngành cấp trên để xử lý dứt điểm trong thời gian luật định, phải xem giải quyết tin báo tội phạm như giải quyết án đã khởi tố. Phải phân công trách nhiệm cụ thể của từng KSV như đã phân công án đã khởi tố. Tránh trường hợp phân công chung chung, không ai chịu trách nhiệm vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, làm thế nào để làm tốt việc tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra.
Hiện nay chúng tôi thấy còn bất cập cơ chế về mối quan hệ Thủ trưởng CQĐT với ĐTV, giữa KSV với ĐTV. Theo Điều 114 BLTTHS năm 2003 thì CQĐT phải thực hiện các yêu cầu và QĐ của VKS. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn vấn đề VKS yêu cầu nhưng CQĐT không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đến nơi đến chốn. Ví dụ: VKS yêu cầu CQĐT khởi tố tội A nhưng CQĐT khởi tố tội B; VKS yêu cầu CQĐT đình chỉ điều tra nhưng CQĐT không thực hiện, không kết luận theo yêu cầu của VKS; những vụ án, bị can do VKS khởi tố, Cơ quan điều tra điều tra bổ sung không đến nơi đến chốn; KSV yêu cầu nhưng ĐTV không làm vì lấy lý do Thủ trưởng của CQĐT chỉ đạo khác…Tóm lại, cơ chế tổ chức hoạt động điều tra còn tách biệt với tổ chức hoạt động công tố, do ĐTV chịu sự chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT. KSV cũng phụ thuộc vào người đứng đầu của VKS theo nguyên tắc tập trung thống nhất dẫn đến họ thụ động, ỷ lại vào cấp trên…
Trong thời gian qua, nhiều KSV đã cố gắng làm tốt vai trò của mình trong việc phối hợp với ĐTV trong quá trình điều tra vụ án, kết thúc nhiều vụ án đúng thời gian, đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án đặt biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của địa phương. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số KSV vẫn chưa làm tốt, còn ỷ lại và khoán trắng cho CQĐT. Hiện tượng này dẫn đến hệ lụy là một số vụ án khi kết thúc còn thiếu chứng cứ, thiếu thủ tục tố tụng dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí một số vụ án phải đình chỉ điều tra, hoặc bị Tòa tuyên không phạm tội.
Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, không cách nào khác là hơn ai hết các KSV được phân công thụ lý KS vụ án nào thì phải bám sát vụ án đó, còn bám sát như thế nào thuộc về kỹ năng của mỗi KSV, miễn làm sao trong từng thời điểm nhất định chúng ta nắm chắc án, thuộc án và luôn ở vai trò chủ động hướng CQĐT, ĐTV làm theo yêu cầu của mình. Muốn làm được điều đó mỗi KSV phải không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, chịu khó nghiên cứu văn bản, trích dẫn hồ sơ, tranh thủ ý kiến lãnh đạo, các đồng nghiệp khác và của cấp trên, luôn chủ động trong mọi tình huống xảy ra, bên cạnh những chứng cứ buộc tội thì những chứng cứ mà bị can gỡ tội là gì? Cần cân nhắc, hết sức thận trọng trước khi quyết định. Nói đúng, nói trúng và nói đủ là phương châm của mỗi KSV khi tác nghiệp.
Chúng tôi nghĩ rằng khi vụ án đã được khởi tố, theo quy định của pháp luật KSV phải xây dựng bản yêu cầu điều tra. Bản yêu cầu điều tra vụ án phải thật chi tiết như việc lấy lời khai bị can, nhân chứng, người liên quan, bị hại, kế hoạch xác minh…Tùy theo tính chất, loại án mà giữa KSV và ĐTV trao đổi và dự kiến thời gian hoàn thành trong bản yêu cầu điều tra. Sau đó trình lãnh đạo 2 ngành có ý kiến về bản yêu cầu điều tra này. Tùy thời điểm và diễn biến của vụ án, ĐTV, KSV bàn bạc, đánh giá chứng cứ, dự kiến công việc tiếp theo. Cần thiết, KSV có ý kiến về kế hoạch điều tra của ĐTV. Bản Kết luận điều tra cũng cần có ý kiến của KSV trước khi ĐTV trình Thủ trưởng CQĐT ký duyệt.
Trong quá trình điều tra, ĐTV là người thực hiện bản yêu cầu của VKS, KSV là người kiểm sát việc thực hiện các yêu cầu của ĐTV. Vấn đề đặt ra là như vậy KSV có thời gian và điều kiện để THQCT, KSĐT hay không? Theo chúng tôi, làm như vậy, KSV càng có điều kiện để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Quan trọng là KSV phải có bản lĩnh nghề nghiệp, có trách nhiệm, thông thạo pháp luật như chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC.
Về lâu dài chúng tôi nghĩ rằng, muốn làm tốt việc Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, tiến tới công tố chỉ đạo điều tra phải sửa đổi bổ sung BLTTHS theo hướng mọi hoạt động của CQĐT phải báo cáo VKS và do VKS quyết định như CQĐT phải báo cáo việc thụ lý tin báo tội phạm cho VKS hằng ngày, các quyết định khởi tố vụ án, bị can, khởi tố hay không khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn… do VKS quyết định chứ không phải phê chuẩn như hiện nay.
Vấn đề Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra như định hướng các Nghị quyết Trung ương do VKSTC phát động là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là phải có sự ủng hộ về phía CQĐT và các cơ quan có liên quan. Đây là vấn đề cần thiết, rất quan trọng khi mà ngành Kiểm sát đã đến lúc phải nâng cao vị thế và khẳng định vị trí vai trò của mình trong bộ máy Nhà nước, khi mà cần phải tổ chức và tăng cường hơn nữa chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Mục đích của vấn đề là nhằm làm cho công tác phát hiện, xử lý tội phạm một cách triệt để, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Trách nhiệm này trước hết là của ngành KSND.
VKSND tỉnh Khánh Hòa