Ngày 31/7/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị toàn Ngành Tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến ở 66 điểm cầu gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát quân sự trung ương; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đại diện Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Đồng chí Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết 08 năm thực hiện nghị quyết số 49 NQ/TW
của Bộ chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại điểm cầu Khánh Hoà tham dự hội nghị có Đồng chí Nguyễn Văn Kháng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà, đồng chí Võ Ngọc Sang phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà, các đồng chí là Viện trưởng, phó viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đồng chí trưởng, phó phòng nghiệp vụ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà.
Tập thể cán bộ Viện kiểm sát tỉnh Khánh Hòa tham gia Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, công cuộc cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến cải cách tư pháp như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa
án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Qua 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW bước đầu tạo nên diện mạo mới cho nền tư pháp quốc gia và các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân. Trong hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được nâng lên rõ rệt; đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên từng bước trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình cải cách tư pháp
Hội nghị toàn Ngành tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục đich: Thông qua việc tổng kết toàn Ngành thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được; chỉ ra những bài học kinh nghiệm; hoạch định, định hướng nội dung trọng tâm về thực hiện cải cách tư pháp của Viện kiểm sát các cấp trong thời gian tới; qua đó tích cực tham mưu cho Bộ Chính trị về các nội dung liên quan để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo; đặc biệt cần chú trọng tham gia các nội dung về bài học kinh nghiệm qua hoạt động thực tiễn; khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo báo cáo, từ khi Nghị quyết số 49 -NQ/TW của Bộ chính trị được ban hành, ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực và toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Kết quả triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, công chức trong ngành Kiểm sát. Viện kiểm sát các cấp đã nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện việc đổi mới sâu rộng về tổ chức, bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thiết thực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
Báo cáo cũng nêu bài học kinh nghiệm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó nhấn mạnh các nội dung trọng tâm như: Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đề cao sự lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và Viện kiểm sát nhân dân nói riêng phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ đòi hỏi khách quan của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; các nội dung cải cách tư pháp phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những vướng mắc, bất cập qua thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; đồng thời cũng đòi hỏi tính đồng bộ trong đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tăng cường công tác phối hợp, tăng cường sự kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp với nhau và giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp của Đảng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật xã hội chủ nghĩa, có trách nhiệm, bản lĩnh và lương tâm nghề nghiệp là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung, thống nhất, lãnh đạo trong Ngành, kết hợp với nguyên tắc thảo luận dân chủ và phân định rõ trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.