Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Những điều rút ra từ việc xử lý sự cố môi trường

Việc Chính phủ chiều 30-6-2016 vừa qua công bố nguyên nhân và những biện pháp xử lý hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại biển miền Trung đã bước đầu làm sáng tỏ vụ việc và khẳng định quan điểm kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh với những hành vi xâm hại môi trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Nhân dân cả nước đồng tình, hoan nghênh và tin tưởng ở chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước ta trước sự cố lần đầu xuất hiện, có nhiều phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, sự việc cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về sự cảnh giác, không để những “lỗ hổng” cho kẻ xấu lợi dụng phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước.

Bình tĩnh, tỉnh táo

Suốt 3 tháng qua, sự việc hải sản chết bất thường đã làm nóng dư luận. Một sự cố môi trường nghiêm trọng khiến người dân cả nước lo lắng, bức xúc là điều dễ hiểu. Nhưng lợi dụng vụ việc, một số đối tượng đã công kích, chống phá. Chúng dựng chuyện, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta “nhận tiền bảo kê”, bưng bít thông tin, bao che, đồng lõa cho sai phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh nên để sự việc bị chậm trễ, “chìm xuồng”.

Trước hết, cần khẳng định, nước nóng không chữa được bỏng nặng. Để vừa điều tra, làm rõ nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố, vừa có giải pháp khắc phục, ổn định tình hình, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, vừa buộc đối tượng vi phạm thừa nhận sai phạm, cam kết bồi thường, khắc phục… đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian, không thể nóng vội.

Những điều rút ra từ việc xử lý sự cố môi trường

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành và các thành viên công ty đọc lời thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung thời gian vừa qua; xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cùng các cam kết bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố môi trường và các cam kết liên quan khác. Ảnh: TTXVN 

Tìm hiểu thông tin từ báo chí quốc tế, ngay cả ở nhiều quốc gia trên thế giới, để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm các vụ gây cá chết quy mô lớn đều rất khó khăn. Nhiều nơi còn không tìm ra thủ phạm hoặc bị nghi phạm “phản pháo”, làm sự việc tranh cãi kéo dài. Với sự cố môi trường ở miền Trung, báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, Tập đoàn Formosa đã từng gây ra một số vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cả ở Đài Loan và một số nước như: Cam-pu-chia, Mỹ, Nhật Bản... và đã nhiều lần lợi dụng kẽ hở pháp lý của nhiều nước để né tránh bồi thường. Báo chí quốc tế cho biết, năm 1999, Tập đoàn Formosa Plastics bị phát hiện xả 3.000 tấn chất độc hại ra một thị trấn ven biển của Cam-pu-chia nhưng phải qua nhiều đấu tranh, Formosa mới công khai xin lỗi và bị buộc phải dọn dẹp đống chất thải, đưa tới xử lý tại Mỹ. Ngay tại Mỹ, Formosa cũng từng gây ô nhiễm nước ngầm xung quanh một nhà máy, sau nhiều đấu tranh pháp lý, đối tượng sai phạm phải nộp phạt 1 triệu USD.
Từ các thông tin trên cho thấy, Đảng, Nhà nước ta xác định: “Tích cực, khẩn trương, thận trọng, khách quan, khoa học, chính xác, chặt chẽ, đúng pháp luật” trong điều tra vụ việc là chủ trương đúng đắn. “Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bao che bất kỳ một tổ chức và cá nhân nào”-Đó cũng là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và là cụm từ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định trong các chỉ đạo của Chính phủ.

Để điều tra, một Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ quốc gia gồm 3 tổ, hội tụ hơn 100 chuyên gia của hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học của nhiều nước có uy tín trên thế giới như: Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, I-xra-en cùng Hội đồng phản biện đã được thành lập. Nhờ điều tra công phu, trên diện rộng, đối chiếu, loại trừ nhiều nguyên nhân, tìm ra những bằng chứng không thể chối cãi đã khiến đối tượng vi phạm phải “cúi đầu nhận sai phạm” một cách tâm phục khẩu phục.

Câu trả lời báo chí của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cho thấy rất rõ vai trò chỉ đạo, xử lý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta; hoàn toàn không có việc chậm trễ, “bảo kê” như thông tin xuyên tạc. Bộ trưởng khẳng định: “Ban đầu khi xác minh, nổi lên ba cơ sở là: Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh. Phải kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở công nghiệp trong vùng vì khi chưa kiểm tra, chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ thì không cho phép "kết tội một ai". Tôi khẳng định, Chính phủ không bao che mà làm theo trình tự một cách khoa học, đúng quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Bộ Chính trị, Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Bộ trưởng nhiều bộ và chính quyền địa phương đã chỉ đạo vào cuộc rất quyết liệt. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã làm việc hết mình bất kể ngày đêm…”.

Vụ việc một lần nữa cho thấy, bài học tỉnh táo trong những tình huống phức tạp vẫn nguyên giá trị. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trong một bài viết gần đây đã đưa ra hình ảnh khuyến nghị người dân cần có “trái tim nóng và cái đầu lạnh” trong nhìn nhận các vấn đề xã hội bức xúc. Cách xử lý nhiều vụ việc đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo, trên tầm cao chiến lược, không thể nóng nảy, vội vàng. Có nhiều sự việc phải qua độ lùi thời gian mọi người mới hiểu hết tính đúng đắn của những chủ trương, quyết sách. Cho nên, sự bình tĩnh, đồng thuận của xã hội là chất xúc tác rất cần thiết.

“An dân”, xây đi đôi với chống

Thực tế cũng phủ định hoàn toàn luận điệu của những kẻ xấu cáo buộc Đảng, Chính phủ “vô cảm” trước cuộc sống của người dân, bị thao túng bởi nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định: Bộ Chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt và đưa chủ trương chỉ đạo sát sao theo từng diễn biến sự việc. Trên thực tế, trong những tình huống phức tạp, chưa bao giờ thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý, điều hành của Chính phủ. Ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ liên quan đến vụ việc cá chết, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo quyết liệt các ban, bộ, ngành, địa phương giải quyết 9 nội dung liên quan sự việc, hơn 30 bộ, ngành tham gia thu thập chứng cứ, xác minh. Không thể nói Đảng, Nhà nước ta “vô cảm”, “chậm trễ” khi mà đến nay, Chính phủ đã ban hành tới 28 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề liên quan tới vụ việc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế công bố ngư trường và danh mục hải sản an toàn, công bố vùng biển đánh bắt an toàn; giải pháp thu mua hải sản an toàn, hỗ trợ thu mua hải sản… Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 722/QĐ-TTg ngày 9-5-2016 hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng bị thiệt hại với nhiều chính sách hỗ trợ gạo, tiền ra khơi, vay vốn, khắc phục hậu quả môi trường...

Những điều rút ra từ việc xử lý sự cố môi trường
Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. 
Ảnh: Quang Phương. 

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đã thành lập 4 Đoàn giám sát của Trung ương tại 4 tỉnh về công tác hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, ít sai sót. Các địa phương đã hỗ trợ 4.309 tấn gạo đến 40.043 hộ dân; hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 9,825 tỷ đồng; hỗ trợ cho 8.111 chủ tàu, thuyền ngừng khai thác.
Đặc biệt, trong sự việc này, chúng ta đã triển khai hiệu quả các biện pháp chủ động ngăn chặn các hoạt động lợi dụng sự cố để kích động, chống phá. Công an các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương đã sớm phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng có hành vi kích động người dân tuần hành, gây rối. Dù các thế lực chống phá bằng những khẩu hiệu kích động “cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, lôi kéo người dân thực hiện hơn 10 cuộc tụ tập, tuần hành nhưng âm mưu tạo ra các cuộc “biểu tình” quy mô lớn, tạo phong trào “cả nước xuống đường”, “cách mạng cá” và các cuộc “bạo động”, đập phá nhà máy nước ngoài của chúng đã thất bại. Dù nhiều tổ chức “xã hội dân sự” lập nhóm “Cứu môi trường”, gửi thỉnh nguyện thư kêu gọi nước ngoài can thiệp, thổi phồng nguy cơ “mất nước”, “mất đất” nhưng tuyệt đại đa số nhân dân vẫn tin tưởng, ủng hộ chủ trương, biện pháp giải quyết của Đảng, Nhà nước ta, không bị mắc mưu kẻ xấu.

Bằng sự vào cuộc chủ động, tích cực, kiên quyết và tỉnh táo, chúng ta đã không để xảy ra các vụ việc gây rối, giữ vững được môi trường đầu tư, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, không để tái diễn âm mưu lợi dụng các sự cố kinh tế để phá hoại, rất cần các cơ quan pháp luật sớm điều tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng phá hoại, công khai để răn đe.

Thận trọng trong xử lý thông tin

Sự cố còn để lại nhiều bài học quý giá về xử lý thông tin. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, cho biết: “Thời gian vừa qua, dư luận trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng về sự chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết. Tôi cho rằng bức xúc đó là chính đáng, dễ hiểu bởi sự cố này liên quan tới sự an lành của đất nước, đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống của hàng chục nghìn ngư dân các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sự phản ứng thái quá, sự suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi cho quá trình điều tra… Đảng và Nhà nước không hề có chủ trương che giấu thông tin. Tuy nhiên, đã có một thời gian, để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, chúng tôi đề nghị các cơ quan truyền thông hoạt động theo đúng Luật Báo chí và giảm liều lượng, tạm ngừng thông tin, không suy diễn, quy chụp. Trong một sự cố phức tạp và nghiêm trọng như vụ cá chết vừa rồi, các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm. Sự điều tra của báo chí cũng không thể thay thế sự điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học”.

Đây là quan điểm phù hợp với các quy định của Luật Báo chí và các đạo luật khác hiện hành. Với một sự việc rất phức tạp, chỉ đấu tranh trên báo chí có lẽ là chưa đủ. Nếu không có sự kết hợp chặt chẽ, tổng hợp giữa đấu tranh khoa học và đấu tranh pháp lý cùng với đấu tranh ngoại giao, sẽ rất khó đạt kết quả là làm sáng tỏ sự việc và đạt các yêu cầu đề ra.

Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của “binh chủng” báo chí trong đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng. Song trong mọi cuộc đấu tranh, luôn cần những biện pháp, hình thức, bước đi linh hoạt. Kết quả làm sáng tỏ sự cố môi trường ở miền Trung có vai trò rất lớn của báo chí, truyền thông nhưng cũng có thông tin được đưa vội vàng, thiếu kiểm chứng; không chỉ bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc mà còn gây hoang mang cho chính cộng đồng. Chẳng hạn như thông tin ngao chết, sứa chết ở Cồn Vành (Thái Bình) được một thanh niên tung lên trang tin điện tử cá nhân nhưng lại được một số báo dẫn lại, lan truyền đúng lúc sự cố cá chết đang gây lo lắng ở biển miền Trung dễ làm người dân ở Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng cũng hoang mang theo. Nhưng từ đây, có thêm bài học về sự vào cuộc, xử lý kịp thời. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã trực tiếp đi kiểm tra, thị sát thông tin trong ngày và chỉ đạo cơ quan công an điều tra, bắt được thủ phạm đưa tin sai sự thật, công bố công khai, giúp nhanh chóng ổn định tình hình.

Tin tưởng rằng, với quan điểm nhất quán và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương sẽ rút ra được những bài học để có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả, kịp thời hơn trong công tác quản lý kinh tế, quản lý đầu tư, quản lý môi trường; khắc phục sự cố và không để tái diễn những sai phạm tương tự. Trên cơ sở đó, kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với an ninh kinh tế, an ninh môi trường. Thường xuyên chăm lo, giải quyết hài hòa bài toán về các mâu thuẫn giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa trải thảm đỏ thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.

Theo qdnd.vn

Liên kết website

Thông kê truy cập