1. Thông báo rút kinh nghiệm số 99/TB-VKSTC-VPT2 ngày 16/03/2012 đối với bản án dân sự bị huỷ để giải quyết laị vụ án.
Qua phiên toà phúc thẩm quyết định huỷ bản án dân sự của TAND tỉnh Quảng Ngài ngày 27-12-2011, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng thấy cần thông báo để rút kinh nghiệm sau:
Nội dung vụ án:
Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:
Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, chi nhánh Đà Nẵng (gọi tắt SHBĐN).
Bị đơn: Vợ chồng ông Trần Anh Dũng và bà Vũ Thị Hồng Diệp.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty cổ phần Hưng Phát, do bà Vũ Thị Thu Hương-Giám đốc công ty đại diện.
Theo đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ, chứng minh: Thông qua hợp đồng tín dụng số 241/08/SHBĐN-HĐTD ngày 02-5-2008, nguyên đơn cho vợ chồng bị đơn ông Dũng, bà Diệp vay 600.000.000đ, thời hạn 12 tháng, lãi suất 1,8%/tháng, bị đơn thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 203 thuộc tổ 14 phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi do UBND thành phố Quảng Ngãi cấp theo họp đồng số 185/08/TC-SHBĐN ngày 08-5-2008.
Bị đơn được Công ty cổ phần Hưng Phát bảo lãnh trả nợ thay bằng giấy cam kết bảo lãnh ngày 26-4-2008. Sau khi bị đơn nhận tiền vay bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản Công ty cổ phần Hưng Phát, Công ty cổ phần Hưng Phát đã trả lãi thay bà Diệp được hơn 4 tháng là 43.690.560đ.
Sau đó bà Vũ Thị Thu Hương-Giám đốc công ty cổ phần Hưng Phát viện cớ đi công tác xa không đến ngân hàng thanh toán nợ. Ngân hàng làm việc và thông báo số nợ vay cho bị đơn, nhưng bị đơn từ chối và cho rằng không vay tiền.
Công ty cổ phần Hưng Phát cho rằng số tiền 600.000.000đ nêu trên là số tiền bà Diệp góp vốn vào Công ty, đồng thời việc bảo lãnh trả nợ thay ngày 26-4-2008 chỉ có giá trị nội bộ giữa Công ty với bà Diệp, nay Công ty huỷ bỏ văn bản bảo lãnh trả nợ thay này và không có trách nhiệm đối với khoản vay của vợ chồng bà Diệp, ông Dũng. Việc trả lãi 4 tháng thay cho bà Diệp là do Ngân hàng trích từ tài khoản Công ty tại ngân hàng để trả.
Kết quả giám định chữ ký trong Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp nêu trên không phải của ông Trần Anh Dũng, phù hợp với trình bày của bà Diệp là do bà ký thay.
Bản án KDTM-ST số 21/2011/KDTM-ST ngày 28-7-2011, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã căn cứ các quy định của BLDS, BLTTDS, công văn số 6486/NHNN-CSTT ngày 16-7-2008 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuyên bố Hợp đồng tín dụng số 241/08/SHBĐN-HĐTD ngày 02-5-2008 và Hợp đồng thế chấp tài sản số 185/08/TC-SHBĐN ngày 08-5-2008 bị vô hiệu. Huỷ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ngày 09-5-2008 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Quảng Ngãi: Buộc bị đơn bà Vũ Thị Hồng Diệp phải trả cho nguyên đơn số nợ gốc 600.000.000đ, tiền lãi 567.540.000đ, tính đến ngày 28-7-2011, tổng cộng 1.167.540.000đ, nếu bà Hồng Diệp chậm trả phải tiếp tục trả lãi phát sinh đến khi trả xong toàn bộ số tiền nợ.
Buộc nguyên đơn trả lại GCNQSDĐ theo Hợp đồng thế chấp số 185 ngày 08-5-2008 cho ông Dũng, bà Diệp sử dụng.
-Ngày 11-8-2011, bị đơn bà Diệp kháng cáo đề nghị buộc Công ty cổ phần Hưng Phát trả nợ cho nguyên đơn.
- Ngày 19-8-2011 Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ngãi kháng nghị số 83 đề nghị buộc Công ty cổ phần Hưng Phát phải có nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn.
Tại phiên toà phúc thẩm ngày 27-12-2011, đại diện Viện kiểm sát phúc thẩm tại Đà Nẵng đề nghị: Huỷ bản án sơ thẩm KDTM chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Quảng Ngãi giải quyết lại theo thẩm quyền đã được HĐXX Toà phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng chấp nhận.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Án sơ thẩm xác định tư cách người tham gia tố tụng của Công ty cổ phần Hưng Phát đúng, nhưng không xem xét giải quyết việc cam kết bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ (trả nợ) thay cho bên có nghĩa vụ là trái (không đúng) với quy định về Bảo lãnh Đ36KBLDS, cụ thể:
Việc nguyên đơn và bị đơn có ký kết hợp đồng vay 600.000.000đ, có tài sản đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Được Công ty cổ phần Hưng Phát có bản cam kết bảo lãnh ngày 26-4-2008 ghi rõ: “Trong trường hợp bà Vũ Thị Hồng Diệp không thực hiện đứng nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng SHB- chi nhánh Đà Nẵng như đã cam kết trong Hợp đồng tín dụng 241/08/SHBĐN, thì công ty cổ phần Hưng Phát sẽ có nghĩa vụ trả nợ thay ( bao gồm cả nợ gốc và lãi) cho ngân hàng SHB- chi nhánh Đà Nẵng thay cho bà Vũ Thị Hồng Diệp”.
- Tại hồ sơ vụ án đã thể hiện đầy đủ việc bà Vũ Thị Thu Hương-Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Phát có văn bản đứng ra trả nợ vay (gồm cả gốc và lãi) cho ngân hàng thay bà Diệp nếu bà Diệp không trả được (văn bản bà Hương ký ngày 17-4-2011 ) gửi TAND tỉnh Quảng Ngãi, thực tế Công ty cổ phần Hưng Phát đã trả lãi 4 tháng.
- Biên bản hoà giải ngày 14-4-2011 và tại phiên toà sơ thẩm đại diện theo uỷ quyền của Công ty cổ phần Hưng Phát cũng thừa nhận cam kết bảo lãnh ngày 26- 4-2008 là hợp pháp."
- Ngân hàng SHBĐN cũng chấp nhận việc bảo lãnh của Công ty cổ phần Hưng Phát.
Căn cứ vào cam kết bảo lãnh này, Công ty cổ phần Hưng Phát phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ cho Ngân hàng SHBĐN thay cho bà Diệp mới đúng pháp luật. Do cấp sơ thẩm chưa xem xét giải quyết việc cam kết bảo lãnh trả nợ như đã nhận định ở trên, nên cấp phúc thẩm không thể giải quyết nội dung kháng cáo của bị đơn cũng như nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ngãi, mà phải huỷ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo pháp luật.
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng thông báo để các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự của Toà án ./.
2. Thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án kinh doanh thương mại “ Về việc tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc giải thể”
Nguồn: Thông báo số 98/TB-VKSTC-VPT1
Thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án kinh doanh thương mại “về việc tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc giải thể” tại Công ty TNHH Việt Nam Xanh, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội xin nêu lên những vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm để rút kinh nghiệm chung.
I.Nội dung vụ án và quyết định của bản án sơ thẩm.
Ngày 28/03/2007, Công ty TNHH Green Special Ind (gọi tắt là Công ty Green) và Công ty TNHH Toàn Mỹ (gọi tắt là công ty Toàn Mỹ) đã ký kết hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH Việt Nam Xanh (gọi tắt là Công ty Việt Nam Xanh) với mục đích sản xuất các loại túi nhựa và các sản phẩm khác bằng nhựa. Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là giám đốc của Công ty Việt Nam Xanh là ông Nguyễn Sỹ Tình - đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty Green góp 23.184.000.000 đ (chiếm 36% vốn điều lộ) và công ty Toàn Mỹ góp 41.216.000.000 đ (chiếm 64% vốn điều lệ).
Ngày 18/4/2007, UBND thành phố H đã cấp giấy phép đầu tư số 02102000028 chứng nhận các nhà đầu tư góp vốn thành lập Công ty Việt Nam Xanh.
Thực hiện thỏa thuận nêu trên, vào tháng 4/2007, Công ty Green đã cung cấp máy móc thiết bị vói tổng trị giá là: 22.593.792.000 đ (chiếm 35.10% vốn điều lệ). Tháng 5/2007, nhà máy vận hành vượt trước tiến độ thực hiện dự án 04 tháng.
Trong quá trình nhà máy hoạt động đã phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên liên doanh do sự khác nhau về nhận thức, điều hành sản xuất, tính lỗ lãi. Mâu thuẫn căng thẳng giữa hai bên dẫn đến Công ty Việt Nam Xanh ngừng hoạt động.
Ngày 06/8/2008, Hội đồng thành viên Công ty Việt Nam Xanh đã họp và ra “Biên bản họp Hội đồng thành viên”. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Việt Nam Xanh - ông Nguyễn Sỹ Tình chủ trì cuộc họp. Biên bản ghi nhận ý kiến các bên thành viên tham dự: Thống nhất giải thể Công ty Việt Nam Xanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ký biên bản cuộc họp là ông Nguyễn Sỹ Tình - Giám đốc Công ty Toàn Mỹ (đại diện phía Việt Nam) và ông Jang Jin Wook (đại diện phía Hàn Quốc).
Ngày 20/9/2010, Công ty Green có đơn khởi kiện với yêu cầu:
- Tuyên bố công nhận biên bản họp Hội đồng thành viên của Công ty Việt Nam Xanh về việc giải thể công ty.
- Buộc Công ty Toàn Mỹ phải hoàn trả toàn bộ thiết bị máy móc với tổng trị giá là: 22.593.792.000 đ theo danh mục Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H xác nhận.
Ngày 05/10/2010, Cồng ty Green có Giấy ủy quyền cho Văn phòng luật sư Nguyễn Viết Đa và cộng sự được toàn quyền thay mặt công ty tham gia tố tụng theo trình tự sơ thẩm giải quyết vụ kiện tại Tòa án nhân dân thành phố H.
Công ty Toàn Mỹ có yêu cầu phản tố yêu cầu Công ty Green phải bồi thường cho công ty Toàn Mỹ 23 khoản với tổng giá trị là 16.250.164.319 đ. Quá trình giải quyết, Công ty Green đã chấp nhận 16 khoản với trị giá 23.123 USD.
Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 34, Điều 131, Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 280, điều 283 Bộ luật dân sự; Khoản 3 Điều 42, Điều 47, Điều 50, Điều 51, điểm b khoản 1 Điều 157 Luật doanh nghiệp tuyên xử:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
+ Công nhận nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 06/8/2008 của Công ty Việt Nam Xanh về việc giải thể công ty.
+ Buộc Công ty Toàn Mỹ phải trả lại cho Công ty Green toàn bộ thiết bị máy móc (đã được liệt kê theo danh mục của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H xác nhận).
- Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
II.Rút kinh nghiệm về những vi phạm của tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình gỉải quyết vụ án.
1. Không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và tham gia tố tụng.
Đây là một vụ kiện tranh chấp giữa các thành viên của công ty là Công ty Toàn Mỹ và Công ty Green liên quan đến việc giải thể của Công ty Việt Nam Xanh. Hội đồng thành viên Công ty Việt Nam Xanh họp và ra biên bản họp về việc giai thể công ty. Quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm lại không đưa Công ty Việt Nam Xanh vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 56, Điều 58, Điều 61 Bộ luật tố tụng dân sự; là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Việt Nam Xanh.
2. Không tuân thủ yêu cầu về thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Hồ sơ vụ án có “Biên bản họp Hội đồng thành viên” của Công ty Việt Nam Xanh ngày 06/8/2008 thỏa thuận về việc giải thể công ty. Biên bản nêu trên là điều kiện để giải thể công ty Việt Nam Xanh theo quy định tại điểm b, khơản 1, Điều 157 Luật doanh nghiệp. Hồ sơ vụ án không có “Quyết định giải thể” của Công ty Việt Nam Xanh và trong thực tế cũng không có quyết định này. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Công ty Green) về việc giải thể Công ty Việt Nam Xanh là vi phạm Điều 158 Luật doanh nghiệp về thủ tục giải thể doanh nghiệp.
3. Vi phạm pháp luật về ủy quyền.
Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - Công ty Green (pháp nhân) ủy quyền cho tổ chức luật sư - Văn phòng luật sư Nguyễn Viết Đa và cộng sự. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận sự ủy quyền nêu trên là trái quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Bộ luật dân sự về đại diện theo ủy quyền.
Do có nhiều vi phạm như đã nêu ở trên, tòa án cấp phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 275 và Điều 277 Bộ luật tố tụng dân sự đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
Trên đây là một số vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty”, Viện phúc thẩm I xin nêu lên để các Viện kiểm sát địa phương cùng rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự và kinh doanh thương mại.
3. Thông báo rút kinh nghiệm “ Trong việc giải quyết vay ngoại tệ bị kháng nghị phúc thẩm”
Nguồn: Thông báo số 186/TB-VKSTC-VPT2 ngày 02/05/2012
Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng thấy cần thông báo đến các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm trong việc xử lý phần giao dịch ngoại tệ, cụ thể sau:
Nội dung vụ án:
Theo bản án sơ thẩm: Từ trước tháng 10-2007 bà Nguyễn Thị Thu Trang cho bà Trần Thị Minh Châu vay tiền Việt Nam đồng (VNĐ) và đô la Mỹ (USD) nhiều lần. Ngày 10-10-2007 hai bên chốt tiền nợ tổng cộng 860.000.000đ và 15.000USD có sự bảo lãnh của bà Trần Thị Minh Hoa. Theo thoả thuận bà Châu trả lãi 03%/tháng đối với tiền Việt Nam đồng và 02%/tháng đối vởi đô la Mỹ.
Bà Châu trả lãi tiền VNĐ được 11 tháng và tiền đô la Mỹ trả lãi được 12 tháng;quy đổi thành VNĐ tại thời điểm trả lãi.
Vào tháng 12-2007 bà Châụ trả 250.000.000đ, ngày 08-3-2008 bà Châu viết giấy mượn 50.000.000đ, ngày 12-3-2008 bà Châu mượn thêm 50.000.000đ nữa, ghi cùng giấy tổng cộng tại giấy vay ngày 08-3-2008 là 100.000.000đ, vay không thời hạn, khi bên cần lấy lại phải báo trước 01 tháng. Tổng sổ tiền vay bà Châu chưa trả là 710.000.000đ và 15.000 USD.
Tại đơn khởi kiện bà Trang yêu cầu bà Châu trả nợ toàn bộ số tiền nợ gốc và tiền lãi từ tháng 01/2010 đến khi Toà xét xử và không yêu cầu bà Hoa trả nợ. Bà Trang còn yêu cầu Toà án có biện pháp ngăn chặn việc bà Châu xuất cảnh.
Quá trình giải quyết vụ kiện bà Châu, bà Hoa đều thừa nhận nội dung như trên, song do làm ăn thất bại nên chưa trả bà Trang.
Quá trình tố tụng:
Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2011 ngày 19-7-2011 TAND tỉnh Khánh Hoà áp dụng các Điều 34, 131, 201 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS); áp dụng các Điều 471, 475 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Trang đối vói bị đơn Châu, buộc bà Châu trả bà Trang số tiền nợ gốc 1.018.850.000đ và tiền lãi 207.955.000đ. Tổng số tiền nợ là 1.226.805.000đ.
Tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: cấm bà Châu xuất cảnh đến khi có quyết định mới.
Thông qua việc kiểm sát bản án sơ thẩm, ngày 15-8-2011 VKSND tỉnh Khánh Hoà kháng nghị số 650/KNPT-P5 đối với bản án sơ thẩm đề nghị tuyên bố hợp đồng vay tài sản ngày 10-10-2007 giữa bà Nguyễn Thị Thu Trang và Trần Thị Minh Châu vô hiệu 1 phần, buộc bà Châu trả cho bà Trang 15.000 USD đồng thời buộc bà Trang trả lại cho bà Châu số tiền lãi đã nhận trên số tiền 15.000 USD.
Ngày 25-8-2011 tại Quyết định kháng nghị bổ sung số 680/KNPT-P5 VKSND tỉnh Khánh Hoà đề nghị tịch thu khoản lãi trên sổ tiền vay 15.000 USD mà bà Châu đã trả cho bà Trang để sung quỹ Nhà nước.
Tại phiên toà phúc thẩm ngày 12-3-2012 đại diện Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng trình bày nội dung và căn cứ kháng nghị, đề nghị Toà phúc thẩm chấp nhận cả 2.kháng nghị nêu trên nhằm bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật, thu tiền lãi bất hợp pháp để sung quỹ Nhà nước và được HĐXX Toà phúc thẩm TANDTC tại Đà Nằng chấp nhận.
Bản án số 24/2012/DSPT ngày 12-3-2012 chấp nhận cả 2 kháng nghị của VKSND tỉnh Khánh Hoà sửa án sơ thẩm, áp dụng Điều 128, 137, 471 và 474 BLDS năm 2005 tuyên bố: Hợp đồng vay tài sản ngày 10-10-2007 giữa bà Nguyễn Thị Thu Trang và Trần Thị Minh Châu bị vô hiệu 1 phần, buộc bà Châu trả bà Trang 1.167.240.000đ (trong đó khoản vay tiền VNĐ là 710.000.000đ, khoản vay 15.000 USD quy đổi thành tiền VNĐ là 308.000.000đ, số tiền lãi của 710.000.000đ là 148.390.000đ) buộc bà Trang phải nộp khoản tiền lãi vay của 15.000 USD mà bà đã nhận là 58.328.000đ để sung quỹ Nhà nước.
* Vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm:
Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2006 quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với các tổ chức tín dụng”.
Việc bà Trang cho bà Châu vay 15.000 USD theo quy định trên đây là không được phép do vi phạm điều cấm, lẽ ra án sơ thẩm phải áp dụng Điều 128 BLDS năm 2005 tuyên phần giao dịch đó vô hiệu và áp dụng Điều 137 BLDS để xử lý phần giao dịch vô hiệu theo pháp luật mới đúng, nhưng án sơ thẩm quyết định buộc bà Châu trả cho bà Trang toàn bộ số tiền vay (trong đó có 15.000 USD) và tiền lãi của số ngoại tệ này là không đúng quy định của pháp luật đã viện dẫn ở trên.
* Vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Mặc dù phiên toà sơ thẩm ngày 19-7-2011 không có đại diện Viện kiểm sát cấp sơ thẩm tham gia, nhưng VKSND tỉnh Khánh Hoà đã làm tốt công tác kiểm sát bản án sơ thẩm, thực hiện đúng quyền kháng nghị phúc thẩm quy định tại Điều 21, 250 BLTTDS năm 2011 nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án dân sự kịp thời, đúng pháp luật, thu lại một lượng tiền giao dịch trái phép nộp quỹ Nhà nước sớm khắc phục vi phạm của Toà sơ thẩm.
Đây là kinh nghiệm tốt, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp luật của VKSND tỉnh Khánh Hoà cần phát huy nhân rộng.
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng xin thông báo để Viện kiểm sát địa phương cả nước nghiên cứu, trao đổi rút ra bài học khắc phục vi phạm của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự liên quan
4. Thông báo rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị cấp phúc thẩm huỷ án.
Nguồn : Thông báo số 126/TB-VKSTC-VPT1 ngày 08/06/2012.
Thông qua công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, Viện phúc thẩm 1 xin nêu vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn ông Lê Sỹ Nam và bị đơn ông Lê Sỹ Thân, ông Lê Sỹ Nhân, ông Lê Sỹ Phấn cùng 11 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm để rút kinh nghiệm.
I. Nội dung vụ án:
Vợ chồng ông Lê Sỹ Trọng và Lê Thị Xuân trú tại Xóm 7, xã Hưng Thông sinh được 10 người con là Lê Sỹ Nam, Lê Sỹ Việt, Lê Thị Hoa, Lê Thị Hoè, Lê Sỹ Quế, Lê Sỹ Thân, Lê Sỹ Nhân, Lê Sỹ Phấn, Lê Sỹ Hưng và Lê Sỹ Mười. Bà Lê Thị Xuân chết ngày 27-1-1992, ông Lê Sỹ Trọng chết ngày 14-11-2001. Sau khi bà Xuân chết, khối di sản của bà Xuân, ông Trọng gồm có: 2 ngôi nhà gỗ trên thửa đất 351, thửa đất 351 diện tích 1063m2 (hiện anh Nhân và anh Phấn đang quản lý), thửa đất 356 diện tích 502m2 (anh Thân đang quản lý). Năm 1999, ông Lê Sỹ Trọng mua của bà Cao Thị Lập thửa đất số 518 liền kề thửa 351 cũng ở Xóm 7, xã Hưng Thông (thửa đất đó hiện anh Nhân đang quản lý).
Trong số tài sản nói trên, theo nguyên đơn, bị đơn là anh Nhân, anh Phấn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Việt, bà Hoa, bà Hoè, ông Quế, ông Hưng, ông Mười thì toàn bộ số tài sản là di sản của bố mẹ để lại, yêu cầu đưa vào chia thừa kế, Riêng anh Lê Sỹ Thân cho rằng thửa đất số 356 anh đang quản lý, sử dụng từ năm 1993 đến nay, anh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, nên thửa đất đó là tài sản của anh, không phải là di sản thừa kế của bố mẹ để lại để đưa vào chia thừa kế.
Bản án sơ thẩm nhận định về thời hiệu khởi kiện trong khối tài sản của ông Trọng, bà Xuân sau khi ông bà mất, thấy: Bà Xuân chết ngày 27-1-1992, nguyên đơn khởi kiện ngày 8-11-2004, vì vậy thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với phần di sản của bà Xuân trong khối di sản chung của vợ chồng ông Trọng, bà Xuân để lại đã hết (quá 10 năm). Như vậy 1/2 di sản của bà Xuân trong khối tài sản chung vợ chồng gồm: 1/2 của 2 ngôi nhà ở trên thửa đất số 351 đang do anh Nhân quản lý; 1/2 thửa đất số 351; 1/2 thửa đất số 356 đã hết thời hiệu khởi kiện, nên phần di sản của bà Xuân phải đình chỉ không đưa vào để chia thừa kế. Từ đó, bản án quyết định chia thừa kế cho các đương sự.
II. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
1. Về thủ tục tố tụng:
Về việc xét xử vắng mặt bị đơn Lê Sỹ Thân và người liên quan Nguyễn Thị Hoành của Toà án cấp sơ thẩm:
Vào hồi 07 giờ ngày 22-9-2011 (trước khi mở phiên toà sơ thẩm), bà Nguyễn Thị Hoành đến Toà án cấp sơ thẩm đưa “Đơn xin hoãn phiên toà và đề nghị thay đổi Thẩm phán Chủ toạ phiên toà”, đơn do bị đơn Lê Sỹ Thân và người liên quan Nguyễn Thị Hoành ký. Đơn này được Thư ký Nguyễn Huy Mạnh nhận và viết giấy “Biên bản giao, nhận”. Sau khi nhận “Biên bản giao, nhận” đơn trên, bà Hoành ra về. Cùng ngày 22-9-2011, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh ra Quyết định số 02/2011/QĐ-TA “Không chấp nhận yêu cầu thay đổi Thẩm phán”. Vào hồi 08 giờ cùng ngày 22-9-2011, Toà án cấp sơ thẩm mở phiên toà để xét xử sơ thẩm vụ án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn Lê Sỹ Thân và người liên quan Lê Thị Hoành trong khi hai đương sự này chưa biết yêu cầu xin thay đổi Thẩm phán Chủ toạ phiên toà của mình có được chấp nhận hay không (chưa được tống đạt Quyết định “Không chấp nhận yêu cầu thay đổi Thẩm phán” theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự) là không đảm bảo các quyền tại phiên toà của đương sự và đặc biệt là quyền bảo vệ của đương sự được quy định tại Điều 9 và Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự. Đây là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Điều 147 quy định: Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo
1....
5. Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.
Điều 9 quy định: Bảo đảm quyển bảo vệ của đương sự
....
Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ.
Điều 58 quy định: Quyền, nghĩa vụ của đương sự
1....
2. Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
a)...
1) Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng,...
2. Về nội dung:
2.1.Về việc xác định di sản:
Tất cả các đương sự đều xác nhận vợ chồng ông Lê Sỹ Trọng và bà Lê Thị Xuân đã liên tục quản lý, sử dụng hợp pháp thửa đất số 356 (đang do vợ chồng ông Lê Sỹ Thân quản lý) từ năm 1978 đến năm 1993, nhưng khi xác định thửa đất này là di sản của vợ chồng ông Lê Sỹ Trọng và bà Lê Thị Xuân, Toà án cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập chứng cứ, xác minh xem người để lại di sản có các loại giấy tờ, tài sản trên đất như hướng dẫn tại mục 1 (đặc biệt là tiểu mục 1.3) phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hay không? Tại phiên toà phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Hoành xác nhận: từ năm 1982, ông Trọng có làm một ki ốt trên thửa đất này và ông Trọng trực tiếp bán nước chè xanh tại ki ốt này cho đến khi chết (tháng 11-2001). Ki ốt này chỉ bị phá dỡ khi nhà nước mở đường 558 vào năm 2003 hoặc 2004. Đây là chứng cứ mới, tại phiên toà phúc thẩm các đương sự khác đều không có mặt, Toà án cấp phúc thẩm không thể kiểm tra, xác minh được chứng cứ mới này.
2.2. Về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế:
Toà án cấp sơ thẩm xác định di sản cùa bà Xuân trong khối di sản chung của vợ chồng ông Trọng, bà Xuân để lại đã hết thời hiệu khởi kiện là đúng, nhưng không áp dụng điểm a.3 tiểu mục 2.4 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đổng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để giải quyết đối với di sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của thửa số 351 do bà Lê Thị Xuân để lại là chưa đúng với thực tế của vụ án, khi tất cả các đồng thừa kế đều không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia.
Điểm a.3 tiểu mục 2.4 phần I Nghị Quyết 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn:
a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Do có vi phạm nghiêm trọng tố tụng, việc điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên cấp phúc thẩm đã huỷ án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Toà án sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Trên đây là một số vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm trong quá trình giải quvết vụ án, Viện phúc thẩm I xin nêu lên để các Viện kiểm sát địa phương cùng rút kinh nghiệm.
VKSND tỉnh Khánh Hòa