Quá trình giải quyết tố cáo thường liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, tổ chức hoặc thậm chí là uy tín của các cơ quan nhà nước. Thông tin liên quan đến tố cáo, đặc biệt là thông tin về người tố cáo, phải được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh rủi ro trả thù, ép buộc, hoặc các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tố cáo.
Điều 20 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh có quy định việc người xử lý đơn tố cáo có trách nhiệm phải giữ bí mật về thông tin của người tố cáo.
Theo quy định tại Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018, người được bảo vệ bí mật thông tin khi thực hiện tố cáo bao gồm: Người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp”.
Việc ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin ra ngoài là điều đáng được chú trọng lưu ý, đặc biệt trong các vụ việc tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bảo mật thông tin là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự công tâm và hiệu quả của quá trình xử lý.
2. Đề xuất các biện pháp quản lý và bảo mật thông tin
Để đảm bảo việc bảo mật thông tin trong quá trình giải quyết tố cáo, theo tôi cần phải thực hiện một số biện pháp cụ thể như sau:
Thiết lập hệ thống bảo mật thông tin: Các cơ quan, tổ chức cần xây dựng và triển khai các hệ thống quản lý thông tin đảm bảo tính bảo mật cao. Các hệ thống này phải có khả năng mã hóa dữ liệu, chỉ cho phép những người có thẩm quyền truy cập thông tin, và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu trong suốt quá trình giải quyết tố cáo.
Các cá nhân, tổ chức làm công tác tiếp nhận và giải quyết tố cáo cần được đào tạo bài bản về quy trình bảo mật thông tin, cũng như nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tố cáo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cần chú trọng áp dụng các công nghệ bảo mật thông tin trong thời kì công nghệ số. Các công cụ bảo mật như phần mềm mã hóa, hệ thống giám sát, và phần mềm bảo mật mạng giúp ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài và bảo vệ dữ liệu khỏi bị rò rỉ.
Đối với người tố cáo, việc bảo mật danh tính của họ là một yêu cầu quan trọng. Các cơ quan, tổ chức cần có những cơ chế bảo vệ như ẩn danh, không tiết lộ thông tin cá nhân của người tố cáo cho bên ngoài. Đồng thời, cần có các biện pháp bảo vệ khỏi sự trả thù hay phân biệt đối xử đối với người tố cáo.
3. Thách thức và giải pháp trong bảo mật thông tin khi giải quyết tố cáo
Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 chỉ cho phép người tố cáo được tiến hành “bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Về bản chất, hình thức tố cáo này sẽ dễ dẫn đến lộ lọt thông tin người tố cáo. Các hình thức mang tính bảo mật cao hơn so với hình thức trực tiếp tố cáo như email, điện thoại trực tiếp…sẽ giảm thiểu số lượng người biết được thông tin người tố cáo, tránh lộ lọt thông tin, cũng như dễ truy xuất người có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tố cáo.
Theo quy định tại Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018, có nhiều chủ thể có thể nắm bắt và truy xuất được thông tin người tố cáo như: “Người giải quyết tố cáo, cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; cơ quan Công an chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức bảo vệ tính mạng, sức khỏe người tố cáo; cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Ủy ban nhân dân các cấp; công đoàn các cấp…”.
Pháp luật chưa có các quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, người làm chứng, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức khi mà trên thực tế, trong quá trình xác minh tố cáo, cơ quan chức năng có thể triệu tập người làm chứng nhằm làm sáng tỏ thông tin tố cáo. Thêm vào đó, dù có các biện pháp bảo mật nhưng việc bảo vệ thông tin trong quá trình giải quyết tố cáo vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là việc rò rỉ thông tin do thiếu sự giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, những công nghệ bảo mật có thể bị hacker tấn công hoặc bị lỗ hổng bảo mật khai thác, gây ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thông tin.
Thiết nghĩ, để giải quyết những thách thức này, các cơ quan, tổ chức cần thường xuyên cập nhật và nâng cấp hệ thống bảo mật công nghệ thông tin, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của hệ thống để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế giám sát độc lập và tạo ra môi trường làm việc trong sạch, hạn chế các hành vi can thiệp hoặc lợi dụng thông tin nhạy cảm.
4. Kết luận: Việc bảo mật thông tin của người tố cáo sẽ tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch, từ đó nâng cao niềm tin của công dân vào các cơ quan nhà nước và tổ chức có thẩm quyền. Do đó, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin một cách nghiêm ngặt và hiệu quả, đảm bảo không để bất kỳ thông tin nào bị lộ ra ngoài khi chưa được phép.