Trong tố tụng hành chính, cùng với việc thực hiện thủ tục thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện được xác định là những hoạt động ban đầu mà Tòa án phải quyết định sau khi nhận được đơn khởi kiện của người khởi kiện. Theo đó, tại khoản 3-Điều 121-Luật tố tụng hành chính (LTTHC) quy định Thẩm phán được phân công phải xem xét đơn khởi kiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện. Đây vừa là quyền hạn nhưng cũng đồng thời vừa là trách nhiệm của Thẩm phán được phân công, nhằm đảm bảo cho ngành Tòa án thực hiện nhiệm vụ thụ lý, đối thoại, đưa vụ án ra xét xử khi các bên không đối thoại thành theo quy định của pháp luật. Các hoạt động trên của Tòa án được ban hành bằng văn bản dưới dạng Thông báo, bao gồm: Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hành chính; Thông báo chuyển đơn khởi kiện hành chính đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết; Thông báo thụ lý vụ án hành chính và Thông báo trả lại đơn khởi kiện hành chính. Trong đó, so với các loại văn bản còn lại thì Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện là loại văn bản có tỉ lệ bị khiếu nại nhiều nhất hiện nay ở giai đoạn sau khi người khởi kiện gửi đơn khởi kiện. Điều này cho thấy, việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện có tác động trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến người khởi kiện … Vì lẽ, việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện cũng đồng nghĩa với việc đơn khởi kiện của người khởi kiện không được Tòa án chấp nhận thụ lý để xem xét giải quyết yêu cầu, trong khi để được xem xét, giải quyết yêu cầu thì trước hết yêu cầu của người khởi kiện phải được thụ lý bằng Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 1-Điều 123- LTTHC thì Thẩm phán thực hiện việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện khi thuộc một trong các trường hợp: Người khởi kiện không có quyền khởi kiện; người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ; trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó; sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này; hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng và đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của LTTHC. Bài viết này đề cập đến việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện hành chính do người khởi kiện không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án và bàn về quy định tại điểm a và điểm g-khoản 1-Điều 121-TTHC về xem xét đơn khởi kiện.
Thực tiễn công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án cho thấy vẫn có trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện không đúng theo quy định của LTTHC, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện. Theo số liệu thống kê của đơn vị từ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính tại tỉnh Khánh Hòa trong năm 2022 thì có khoảng 01% khiếu nại đối với Thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án được chấp nhận; Trường hợp này, Thẩm phán được phân công giải quyết khiếu nại ra quyết định nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án. Điều này cho thấy việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án còn có trường hợp không đúng theo quy định tại Điều 123-khoản 1- LTTHC, phổ biến nhất của việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án không đúng thường gặp là việc Thẩm phán cho rằng người khởi kiện đã không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ nhưng lại không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án, dẫn đến Thẩm phán không xác định được yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là gì nên trả đơn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Theo quy định tại điểm a-khoản 3- Điều 121-LTTHC thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án...; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền hoặc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Đồng thời, tại khoản 1-Điều 122-LTTHC cũng quy định “Sau khi nhận được đơn khởi kiện, nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án”. Như vậy, quy định trên cho thấy trường hợp Thẩm phán nhận thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118- LTTHC thì Thẩm phán có Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện cho người khởi kiện trong thời hạn nhất định mà không được trả lại đơn khởi kiện ngay cho người khởi kiện. Thẩm phán chỉ được trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện khi người khởi kiện đã nhận được Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nhưng người khởi kiện đã không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án theo quy định tại điểm g-khoản 1-Điều 123-LTTHC. Do đó, quy định tại điểm a-khoản 3- Điều 121-LTTHC, khoản 1-Điều 122-LTTHC và điểm g-khoản 1-Điều 123-LTTHC hoàn toàn phù hợp nhau.
Song, nghiên cứu quy định tại điểm a và
điểm d-khoản 3-Điều 121-LTTHC cho thấy giữa chúng lại có phạm
vi chồng chéo nhau. Sự chồng chéo này thể
hiện ở chỗ: Nếu như điểm a-khoản 1-Điều 121-LTTHC cho
phép Thẩm phán được phân công ra Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện
trong hạn 03 ngày làm việc, ngay sau khi Thẩm
phán được phân công và xem xét đơn khởi kiện thì quy định tại điểm d-khoản 3 Điều này cũng lại cho phép Tòa án thực hiện việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện khi có một trong các trường hợp
quy định tại khoản 1-Điều 123-LTTHC, trong khi khoản 1-Điều 123-LTTHC có điểm g
được áp dụng đối với trường hợp khi đơn khởi kiện không có đủ nội dung theo quy
định tại khoản 1-Điều 118-LTTHC mà không được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại
Điều 122-LTTHC, tức là khoản 3-Điều 121-LTTHC vừa cho phép Tòa án thực
hiện việc yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (trong trường
hợp đơn khởi kiện không đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1-Điều
118-LTTHC, như: ngày, tháng, năm làm đơn; Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án
hành chính; tên, địa chỉ của người khởi kiện, của người bị kiện, của người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nội dung quyết định hành chính bị kiện; nội dung
quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có); yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại) thì khoản 3-Điều 121-LTTHC (điểm d) cũng cho phép Tòa án thực hiện
việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện khi đơn khởi kiện không đủ các nội
dung theo quy định tại khoản 1-Điều 118-LTTHC như đã nêu trên, trong khi theo
quy định tại khoản 3-Điều 121-LTTHC thì Tòa án chỉ được ra một trong hai loại thông
báo này. Hay nói khác hơn, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân
công, nếu Thẩm phán đã ra Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì không thể
ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện không thực hiện việc sửa
đổi, bổ sung đơn khởi kiện, bởi lẽ trên thực tế việc Tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ
sung đơn khởi kiện phải được diễn ra trước việc người khởi kiện không thực hiện
việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án được (theo quy định tại khoản
1-Điều 122-LTTHC thì thời hạn này là 10 ngày, kể từ ngày người khởi kiện nhận
được thông báo của Tòa án).
Thực tiễn thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính kể từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 cho thấy, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công xem xét đơn khởi kiện hành chính thì chưa có trường hợp nào Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện khi thuộc trường hợp được quy định tại điểm g-khoản 1-Điều 123-LTTHC. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi vì nếu đơn khởi kiện không đủ một trong các nội dung theo quy định tại khoản 1-Điều 118-LTTHC thì Thẩm phán phải ra Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại điểm a-khoản 3- Điều 121-LTTHC, khoản 1-Điều 122-LTTHC mà Thẩm phán không thể thực hiện việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Như vậy, trong cùng khoản 3 thì Điều 121-LTTHC có nội dung quy phạm chồng chéo nhau như đã phân tích ở trên. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật tố tụng hành chính được thống nhất, tránh chồng chéo, thiết nghĩ quy định tại điểm d-khoản 3-Điều 121-LTTHC cần loại trừ điểm g-khoản 1-Điều 123 -LTTHC mới đúng và phù hợp với các quy định khác tại điểm a-khoản 1-Điều 121 và khoản 1- Điều 122 -LTTHC.