Đến ngày 21/10/2022, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận được Công văn số 130/TB-VC2-V1 ngày 17/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng trả lời: “…. Xét thấy, theo quy định tại khoản 4 Điều 167, khoản 3 Điều 169 Luật Thi hành án hình sự; khoản 2 Điều 42 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao), thì Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những quyết định sau đây của Tòa án cùng cấp và cấp dưới: Quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo; quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại. Theo các quy định trên thì quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù của Tòa án không nằm trong các loại quyết định mà Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm…. nên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa”.
Đồng thời, Viện kiểm sát tỉnh Khánh Hòa cũng nhận được Công văn số 1184/TB-VC2-V1 ngày 17/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh thuộc Khu vực miền Trung - Tây Nguyên trao đổi nghiệp vụ về thẩm quyền kháng nghị đối với quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù (có nội dung tương tự như Công văn số 130/TB-VC2-V1 ngày 17/10/2022) để các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong Khu vực biết, tham khảo thực hiện.
Như vậy, theo nội dung của 02 Công văn số 130 và số 1184 ngày 17/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, thì việc Kháng nghị Giám đốc thẩm không thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
Ý kiến của Tác giả bài viết, nhận thấy:
Khoản 3 Điều 169 Luật Thi hành án hình sự, quy định: “3. Đối với kháng nghị về quyết định tại khoản 4 Điều 167 của Luật này thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”; và khoản 4 Điều 167 Luật Thi hành án hình sự, quy định: “4. Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia phiên họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách”.
Tại khoản 6 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2021/TLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hoãn, miễn chấp hành án phạt tù, quy định: “6. Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù được thi hành kể từ ngày ban hành và có thể bị kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các Chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Đồng thời, tài liệu giải đáp một số khó khăn vướng mắc (Câu 19) tại Hội nghị tập huấn công tác Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) tổ chức vào tháng 10/2021 và Văn bản Hướng dẫn số 23/HD-VKSTC ngày 31/3/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn kiểm sát việc Hoãn, Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Mục 4) cũng đã giải đáp, hướng dẫn như nội dung trên.
Vậy, theo quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn hiện hành nêu trên, thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền xem xét, quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Chương XXV của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thông qua bài viết này, Tác giả mong muốn các đồng nghiệp trong Ngành kiểm sát nhân dân cùng trao đổi nghiệp vụ, thống nhất nhận thức để áp dụng pháp luật.