Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Cần có sự hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất khi điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy.

Kể từ khi thực hiện bộ luật hình sự năm 1999 và những hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 Bộ Công An - VKSND TC - TAND TC - Bộ Tư pháp (gọi tắt là Thông tư Liên tịch số 17/2007), hàng năm các cơ quan pháp luật đã điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hàng ngàn vụ án về ma túy. Tuy nhiên, qua công tác giám đốc việc xét xử của TANDTC phát hiện nhiều vụ án HĐXX chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là ma túy để xét xử. TANDTC cho rằng việc áp dụng như vậy là không đúng quy định của BLHS và hướng dẫn Thông tư liên tịch số 17/2007, dẫn đến hậu quả có thể nhiều bị cáo đã bị xử oan, hoặc lọt hành vi phạm tội.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 17 - 9 - 2014, TAND Tối cao ban hành Công văn 234 (gọi tắt là công văn 234) yêu cầu TAND các cấp quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17. Tinh thần nội dung của công văn này thể  hiện: Để thực hiện đúng quy định của BLHS năm 1999 với “Các tội phạm về ma túy”, ngày 24/12/2007 Bộ Công An - VKSND TC - TAND TC - Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư  liên tịch số 17/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 nêu trên, thì “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”.

        Sau khi tiếp nhận công văn 234 thì phần lớn Tòa án tiến hành trả hồ sơ để VKSND điều tra bổ sung đối với các vụ án đã truy tố nhưng chưa xác định hàm lượng (Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh trả hàng trăm vụ án); có Tòa án khi xét xử phúc thẩm lại y án sơ thẩm (ngày 6/11/2014 TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử Phúc thẩm y án sơ thẩm đã xét xử ngày 5/9/2014 mức án 7 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Đỗ Tiến Phát về tội mua bán trái phép chất ma túy); có Tòa án lại tuyên hủy án sơ thẩm (ngày 29/10/2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm của TAND TP HCM xét xử tháng 8/2014 đã tuyên phạt mức án tử hình về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy đối với Dona Buegue Mazon 39 tuổi, quốc tịch Philippine, đã vận chuyển khoảng 1,5kg chứa chất ma túy bị phát hiện bắt giữ tại cửa khẩu tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 31/12/2013; vụ án Nguyễn Văn Vĩnh 44 tuổi, ngụ Bình Phước cùng 2 đồng phạm thực hiện “mua bán trái phép chất ma túy”. Theo HĐXXPT cần phải giám định lại hàm lượng chất ma túy để có bản án chính xác; có Tòa án thừa nhận Công văn 234 của TAND Tối cao đã gây khó khăn trong việc giải quyết án ma túy và xung đột với BLHS và Thông tư liên tịch 17/2007, nhưng Tòa án vẫn phải thực hiện theo đúng nội dung của Công văn 234.                                 

        Nhiều VKSND địa phương thực hiện hướng dẫn tại công văn số 3240/VKSTC - V1C ngày 24/9/2014 của VKSNDTC về áp dụng pháp luật giải quyết án ma túy đã tiến hành bàn bạc với cơ quan Công an, TAND cùng cấp để đưa ra các biện pháp giải quyết. Qua bàn bạc quan điểm VKS, Công an cho rằng: Từ trước đến nay việc giám định hàm lượng ma túy mới chỉ thực hiện ở Bộ Công an và trước mắt Bộ Công an không có đủ máy móc, phương tiện kỹ thuật, con người thực hiện việc ngay việc giám định hàm lượng; trong thời gian qua đa số các vụ chưa giám định hàm lượng (có vụ xác định trọng lượng qua truy xét, không thu giữ được tang vật) vẫn được Tòa án thụ lý xét xử với mức án tù có thời hạn, án chung thân, tử hình. Công văn số 234 có nội dung khác quy định của BLHS hiện hành và Thông tư liên tịch số 17/2007. Cụ thể, tại các điều 193, 194, 195 BLHS hiện hành quy định khi xác định các chất ma túy là heroin hay chế phẩm heroin thì căn cứ vào trọng lượng chứ không đề cập phải xác định hàm lượng để định khung hình phạt đối với người phạm tội (ví dụ như tại điểm e,  khoản 2 của điều 193 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt từ  bảy năm đến mười lăm năm: Hêrôin hoặc Côcain có trọng lượng từ  năm gam đến dưới ba mươi gam). Tương tự, Thông tư liên tịch 17/2007 ghi rõ: Chỉ đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, sái thuốc phiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy dùng sản xuất ma túy thì mới cần xác định hàm lượng. Tuy nhiên, Công văn 234 lại hướng dẫn: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. Cũng có địa phương sau khi không thống nhất được với ngành Tòa án thì tiếp tục giữ quan điểm truy tố mặc cho Tòa án trả hồ sơ (lý do mà quan điểm này đưa ra là theo điều 121 của Bộ Luật TTHS thì Tòa chỉ trả được 2 lần và Tòa không dám tuyên bị cáo không phạm tội). Về phía Tòa án vẫn giữ quan điểm công văn 234 là văn bản hướng dẫn của TANDTC, do đó TAND địa phương cần tuân thủ 1 cách nghiêm túc.

         Việc TAND tiến hành trả hồ sơ, hủy án…vì lý do chưa giám định hàm lượng đã dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết án ma túy, nhiều địa phương các cơ quan Công an, Viện kiểm sát e ngại trong việc bắt các đối tượng có hành vi phạm tội về ma túy để xử lý theo pháp luật, làm giảm tinh thần đấu tranh đối với loại tội phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội; những hệ lụy tiếp theo của nó đối với những vụ án đang điều tra, truy tố sẽ vi phạm về thời hạn giải quyết, thời hạn tạm giam; các bản án đã có và chưa có hiệu lực pháp luật; các bị án đã và đang thi hành án về tội ma túy có nguy cơ phải xem xét lại. Mặt khác đây có thể là những kẽ hở vô tình tiếp tay cho không ít người tiến hành tố tụng khi họ vì lợi ích cá nhân cố tình lợi dụng kẽ hở này để làm sai (không bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố bị can những đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội ma túy khi chưa có kết quả giám định về hàm lượng và hành vi này đã góp phần tạo điều kiện để các đối tượng này bỏ trốn gây trở ngại cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng).

        Ngày 9/10/2014 VKSNDTC có công văn 3493/VKSTC - V1C nêu rõ quan điểm của ngành về việc giám định về hàm lượng ma túy và VKSNDTC cũng đề nghị đ/c Chánh án TANDTC xem xét dừng việc thực hiện công văn 234. Tuy nhiên, sau thời gian ban hành thì cho đến nay Tòa án vẫn thực hiện Công văn 234.

        Như vậy có thể nói việc có cần giám định hay không cần giám định hàm lượng các chất ma túy trong các vụ án ma túy cho đến nay chưa có hồi kết vì các ngành chưa đi đến thống nhất về quan điểm xử lý để hướng dẫn cấp dưới thực hiện và án ma túy tồn đọng lớn ở 2 ngành Công an, kiểm sát vẫn là những khó khăn không tìm ra cách giải quyết. Chúng tôi rất mong sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Liên ngành Tư pháp Trung ương về vấn đề này./.

Nguyễn Thanh Hào - VKSND huyện Cam Lâm

Liên kết website

Thông kê truy cập