Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Mức trần thù lao Luật sư, bao nhiêu thì hợp lý ?

Từ 1-7-2013, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Luật sư có hiệu lực. Một vấn đề mà dư luận rất quan tâm là thù lao và chi phí luật sư. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để ban hành quy định hướng dẫn vấn đề này…

Nhiều ý kiến trong khi đợi văn bản hướng dẫn

Hiểu theo nghĩa đơn giản, lao động của giới luật sư là lao động trí óc, đó là cách vận dụng các quy định pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng. Chính vì trừu tượng nên việc đánh giá cụ thể giá trị lao động đó không dễ. Mức thù lao của mỗi luật sư sẽ khác nhau, tùy vào các yếu tố như uy tín, kinh nghiệm, khả năng… Trên thực tế, có rất nhiều luật sư đã kiếm được rất nhiều tiền, và nhắc đến họ, người ta thường liên tưởng đến một tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội.

Mức thù lao là sự thỏa thuận giữa khách hàng và luật sư. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, riêng trong vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. Đây là một vấn đề mà giới luật sư rất quan tâm và mức trần đó bao nhiêu thì phù hợp với lao động của luật sư?

Hiện nay, khi Luật Luật sư 2013 có hiệu lực, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định mới để hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào điều 10 Nghị định 28/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư 2006, mức trần thù lao của luật sư khi tham gia tố tụng trong vụ án hình sự là 100.000 đồng/giờ (khoảng 18.5% so với mức lương tối thiểu năm 2007), 120.000 đồng/ngày đối với luật sư bào chữa chỉ định (khoảng 22% so với mức lương tối thiểu năm 2007). Việc quy định số tiền cụ thể như vậy rõ ràng là không phù hợp với tình hình giá cả hiện nay. Mức trần thù lao không phù hợp với thực tiễn, dẫn đến việc cử luật sư tham gia tố tụng (theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng) trở nên rất khó khăn.

Do đó, khi Luật Luật sư 2013 có hiệu lực, Chính phủ đang xem xét để ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự được dự định sẽ được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất quy ra giờ không được vượt quá 0,3 lần mức lương tối thiểu chung/giờ làm việc của luật sư. Đối với trường hợp chỉ định thì mức thù lao được trả cho luật sư là 0,4 lần mức lương tối thiểu chung/ngày làm việc của luật sư.

Như vậy, việc nâng mức giá trần như vậy là khá khoa học và tiến bộ, bảo đảm thù lao của luật sư cũng được điều chỉnh khi Nhà nước thay đổi về mức lương tối thiểu. Với mức lương tối thiểu như hiện nay thì thù lao cho một giờ làm việc của luật sư là 345.000 đồng. Ngoài ra, việc nâng mức trần thù lao đối với luật sư tham gia tố tụng như vậy nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu thực tế, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc huy động luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, xung quanh quy định này của dự thảo, có nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa phù hợp. Vẫn còn rất nhiều ý kiến đề nghị nên bãi bỏ mức trần thù lao của luật sư. Tuy nhiên, các ý kiến này không được xem xét bởi vấn đề mức trần thù lao đã được quy định trong Luật thì Nghị định vẫn phải hướng dẫn để thực hiện chứ không thể bỏ được. Có ý kiến cho rằng hệ số 0.3 là vẫn thấp, cần quy định về điều kiện điều chỉnh cho phù hợp thực tế, tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, lạm phát…

Tại sao phải quy định mức trần thù lao?

Đa số luật sư đều cho rằng không nên quy định mức trần thù lao. Bởi lẽ: Thứ nhất, lao động của luật sư là lao động đặc thù về trí óc. Vì thế, cho dù đánh giá như thế nào đi nữa thì cũng mang tính chủ quan và không thể chính xác một cách tuyệt đối. Có thể một việc mà luật sư làm được đối với người này thì không đáng kể, nhưng đối với người khác thì lại cực kỳ có giá trị.  Hoặc đối với người này mức thù lao như thế là quá rẻ, nhưng đối với người khác thì lại cho rằng quá cao. Như vậy, mức thù lao là phải căn cứ vào sự ghi nhận của các bên trên cơ sở thỏa thuận, vì thế khi Nhà nước quy định mức trần là đã “đóng khung” và định mức cho thù lao luật sư một cách rất khiên cưỡng.

Thứ hai, khách hàng có quyền tự quyết định về mức thù lao sẽ trả cho luật sư. Nhà nước quy định mức trần tức là không cho họ quyền định đoạt tài sản về mặt dân sự?

Tuy nhiên xét về mặt khoa học pháp lý, quy định trên cũng có cơ sở của nó. Trước hết, đó là việc trước khi Luật Luật sư ra đời, tình trạng luật sư quá tham lam, chặt chém khách hàng không phải là ít. Nhiều luật sư lợi dụng tình trạng bất lợi cũng như sự thiếu hiểu biết pháp luật của khách hàng nên đã đòi thù lao quá cao. Dù giới luật sư cũng có những quy chuẩn về đạo đức song điều đó lại không mang tính bắt buộc như quy phạm pháp luật nên những luật sư thiếu lương tâm vẫn đòi hỏi thù lao quá đáng.

Thứ ba, xét ở mục đích, điều mà các nhà làm luật hướng đến chính là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trong các vụ án hình sự. Trong pháp luật hình sự, hình phạt của nó là rất nghiêm khắc bởi lẽ nó trực tiếp tước bỏ những quyền công dân, thậm chí là quyền con người của các cá nhân trong xã hội. Điều này là hoàn toàn khác so với các lĩnh vực khác như dân sự, lao động, hành chính… Chính vì sự nghiêm khác ấy, việc bảo đảm vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo là rất cần thiết. Và một trong những cách thức để Nhà nước thức hiện mục đích ấy là bảo đảm cho họ quyền được nhờ luật sư.

Đểu tạo được điều đó, rõ ràng, cần phải có một khung hành lang về mức thù lao. Nếu thấp quá thì đánh giá không đúng giá trị lao động của luật sư, mà cao quá thì sẽ khó tiếp cận. Do vậy,  Nhà nước bắt buộc quy định về giá trần mức thù lao cho luật sư trong các vụ án hình sự. Với mức giá trần này, Nhà nước hướng đến mục tiêu đảm bảo khách hàng của luật sư không bị các luật sư, vốn rất hiểu biết pháp luật, lợi dụng tình thế của họ để lấy thù lao quá mức so với công lao thực tế. Và khi đã tạo được một khung giá ở mức độ nằm trong khả năng kinh tế của mặt bằng chung xã hội, việc khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư sẽ nhiều hơn, cơ hội của các bị can, bị cáo được sự giúp đỡ, bào chữa của các luật sư sẽ tăng cao, quyền lợi hợp pháp của tổ chức cá nhân được đảm bảo, Nhà nước cũng đảm bảo về trật tự trong quản lý xã hội trên mọi lĩnh vực. Điều này, đến lượt mình, sẽ kích thích và tạo điều kiện cho sự phát triển của đội ngũ luật sư theo Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của Đảng đã đề ra.

Dự thảo đang trong giai đoạn lấy ý kiến, thiết nghĩ cũng có nhiều phương án đáng xem xét chẳng hạn như nâng mức trần thù lao sao cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; xây dựng quy định về bảng giá thù lao chuẩn hoặc cũng có thể quy định mức trần nhưng cho phép các bên thỏa thuận vượt mức trên cơ sở tự nguyện.

VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập