Về khoa học pháp lý, tính chất “côn đồ” được sử
dụng là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết
định khung hoặc định khung tăng nặng.
Để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong
tội giết người và cố ý gây thương tích, Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn
tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành
TAND năm 1995 giải thích: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những
tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ
lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô
cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe,
tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ
hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người
khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc
dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những
kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.
Bộ luật hình sự năm 1999, tình tiết “có tính
chất côn đồ” là tình tiết định khung được quy định tại điểm i, khoản 1, Điều
104: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% có tính chất côn đồ thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về “côn đồ” là
tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều
52, BLHS năm 2015 (phạm tội có tính chất côn đồ) và quy định “có tính chất côn
đồ” là định khung của tội “Cố ý gây thương tích” tại điểm i, khoản 1, Điều 134,
và tội “Giết người” tại điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thấy rằng xác
định trường hợp phạm tội gây thương tích có tính chất côn đồ không phải bao giờ
dễ dàng như các trường hợp gây thương tích khác nên việc áp dụng tình tiết này
nảy sinh các vấn đề sau:
Vụ án cụ thể: Nguyễn Cảnh H là bạn
chơi cùng Trần B và Đỗ C. Vào khoảng 09 giờ ngày 01/7/2023 trong lúc đánh bida ở
quán Saha tại huyện X, thành phố HN, giữa B,C và H đã xảy ra xích mích, cãi
nhau. B, C dùng gậy bida đánh H, H không kháng cự đánh bỏ chạy về nhà. Khoảng 11
giờ cùng ngày, H quay lại quán thì B,C vẫn đang chơi và C nói “thằng chơi bẩn,
mày về nhà đi đừng để tụi tao thấy mặt”, H bực tức lên lao vào dùng tay chân đấm
đá liên tục vào vùng mặt, người khiến C bị choáng váng ngã vào cạnh bàn sắt chảy
máu và H bỏ về. C được đưa đến bệnh viện đa khoa thành phố HN để cấp cứu và kết
quả giám định thương tích là 48%. Ngày 30/7/2024 Đỗ C có đơn yêu cầu khởi tố vụ
án hình sự. Tại thời điểm xảy ra vụ việc Nguyễn Cảnh H được 14 tuổi 25 ngày.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện X đã ra quyết
định khởi tố vụ án hình sự và ra kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với bị
can Nguyễn Cảnh H về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều
134 dẫn chiếu điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS.
VKSND huyện X ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Cảnh H về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 134 dẫn chiếu điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS.
Ngày 14/11/2023 TAND huyện X tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và ra bản án nhận định việc H gây thương tích cho C không có tính chất côn đồ nên tuyên bị cáo Nguyễn Cảnh H không có tội.
Theo quan điểm của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm
sát:
Trong quá trình điều tra và truy tố, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân
huyện X đã dựa trên các yếu tố tình tiết để xác định hành vi của H có tính chất
côn đồ. Theo đó, Viện kiểm sát truy tố H theo khoản 3 Điều 134 dẫn chiếu điểm i
khoản 1 Điều 134 BLHS với tình tiết “có
tính chất côn đồ”, trong đó với việc đánh giá là hành vi gây thương tích với mức
độ nghiêm trọng và việc H quay lại quán để tiếp tục đánh C. Tuy nhiên, cách
nhìn nhận này không hoàn toàn thỏa đáng khi không xem xét đầy đủ bối cảnh mâu
thuẫn và trạng thái tinh thần của H lúc thực hiện hành vi. Điều này dẫn đến việc
áp dụng pháp luật có phần thiếu linh hoạt và không sát với thực tế, gây ảnh hưởng
đến quyền lợi của người chưa thành niên dẫn đến việc Tòa án tuyên không tội là
có trách nhiệm và hậu quả rất lớn.
Theo quan điểm của Tòa án: Sau khi xem xét các
yếu tố của vụ án, Tòa án huyện X đã tuyên H không có tội, cho thấy Tòa án đã
nhìn nhận hành vi của H từ góc độ khác, chú trọng đến tính bộc phát, hoàn cảnh
kích động và mức độ nhận thức của H tại thời điểm gây thương tích. Tòa án có cơ
sở khi kết luận rằng hành vi của H không hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm với
tính chất côn đồ, và do đó tuyên bị cáo Nguyễn Cảnh H không phạm tội là có cơ sở,
tác giả đồng tình với nhận định của Tòa án.
Quan điểm của tác giả đối với vụ án này:
Về chủ thể của tội phạm: độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Nguyễn Cảnh H: Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Như vây, tại thời điểm thực hiện hành vi, Nguyễn Cảnh H mới 14 tuổi 25 ngày. Cáo trạng truy tố Nguyễn Cảnh H của VKSND huyện X theo khoản 3 Điều 134 dẫn chiếu điểm i khoản 1 Điều 134 với tình tiết định khung “có tính chất cồn đồ” có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm thuộc loại tội rất nghiêm trọng, có tỷ lệ thương tích cao (48%) nên xét về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì H đã đủ nhưng chỉ đảm bảo về mặt chủ thể.
Về khách thể của tội phạm, tội phạm xâm phạm quyền được
tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của con người.
Về mặt chủ quan của tội phạm, tội phạm thực hiện với lỗi
cố ý, Nguyễn Cảnh H nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, thấy trước hậu
quả của hành vi và có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra, thể hiện qua tình tiết
“H bực tức lên lao vào dùng tay chân đấm đá liên tục vào vùng mặt, người khiến
C bị choáng váng ngã vào cạnh bàn sắt chảy máu và H bỏ về”
Về mặt khách quan của tội phạm, xét về tổng quan chưa
hội tụ đủ 04 yếu tố cấu thành tội phạm đặc biệt là cách đánh giá về mặt khách
quan của tội phạm. Trong trường hợp này, cần xét đến hoàn cảnh khách quan và yếu
tố tâm lý của H tại thời điểm thực hiện hành vi. Do hành vi của H mang tính chất
bộc phát từ việc trạng thái tâm lý có phần bị kích động, không kiểm soát được
và không có kế hoạch từ trước. Hơn nữa, với việc chỉ mới qua tuổi 14 chưa đầy một
tháng, nhận thức và khả năng kiểm soát hành vi của H còn hạn chế, điều này cần
được xem xét khi đưa ra phán quyết. Đánh giá về tình tiết “có tính chất côn đồ”
thì hành vi của H không có tính chất côn đồ, bởi lẽ:
Theo định nghĩa pháp lý, tính chất côn đồ thường được hiểu là hành vi gây thương tích một cách hung hăng, coi thường pháp luật, và vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, sẵn sàng dùng vũ lực tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác. Những người có hành vi này thường mang tính cách bạo lực, bất chấp hậu quả xã hội. Hơn nữa, để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội giết người và cố ý gây thương tích, Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn, giải thích: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người”. Ngoài ra, phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp phạm tội mà người phạm tội có tính hung hãn cao, coi thường sức khỏe của người khác, sẵn sàng dùng vũ lực tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (đâm, chém, đánh…) vì những nguyên cớ nhỏ nhặt.
Với trường hợp của Nguyễn Cảnh H, mâu thuẫn không đơn
thuần là nhỏ nhặt mà là kết quả của một xung đột trực tiếp, khi H bị B và C sử
dụng gậy bida đánh trước, dẫn đến tâm lý phòng vệ và ức chế. Đặc biệt, hành động
tấn công của H diễn ra sau khi bị khiêu khích bằng lời nói từ C ("thằng
chơi bẩn, mày về nhà đi đừng để tụi tao thấy mặt") khi quay lại quán. Điều
này cho thấy, hành vi của H không thể hiện bản chất hung hăng có kế hoạch hay
coi thường pháp luật mà có tính chất bộc phát từ sự kích động và căng thẳng, ức
chế tâm lý.
Hơn nữa, H không sử dụng vũ khí hay vật dụng nguy hiểm
mà chỉ dùng tay chân để đấm, đá. Bản chất của sự việc là một vụ xô xát xảy ra từ
xích mích cá nhân giữa nhóm bạn, nếu hành vi côn đồ thường đi kèm với yếu tố
hung bạo nghiêm trọng và có mục đích đe dọa hoặc làm hại người khác một cách có
ý thức và kế hoạch, thì hành động của H không hội đủ các yếu tố này. Hành vi của
H mang tính chất tự phát, không có động cơ côn đồ hoặc lên kế hoạch cụ thể trước.
Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối H là trái với quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm riêng của tác giả, rất mong quý
đồng nghiệp phản hồi và đóng góp ý kiến ./.