Trong kỳ, đơn vị đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố 454/454 nguồn tin; Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 273 vụ/ 643 bị can; Truy tố 128 vụ/430 bị can; xét xử 117 vụ/ 334 bị cáo; hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong đó có 22 chỉ tiêu vượt (chiếm 66,6%) theo Quyết định 139 của Viện trưởng VKSND dân tối cao; không có trường hợp nào Viện Kiểm sát truy tố mà Tòa án tuyên không phạm tội; nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm và những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được tập trung giải quyết nhanh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng tranh tụng của các Kiểm sát viên tại phiên toà ngày càng được nâng cao.
Ảnh tập thể phòng 1
Ngoài ra, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành 10 thông báo rút kinh nghiệm, 13 kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm đối với các cơ quan hữu quan; trả lời thỉnh thị 19 vụ án và trao đổi với Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa trả lời cho cấp huyện 122 vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức 16 phiên tòa rút kinh nghiệm…
Để đạt được những kết quả nêu trên, Phòng 1 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
1. Giải pháp về chính trị:
Kịp thời tổ chức quán triệt, học tập và thực hiện nghiêm Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC; Nghị quyết của Tỉnh ủy, của Ban Cán sự đảng, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện để Kiểm sát viên hiểu sâu, nắm vững và thực hiện đúng, đầy đủ chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, của Ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Phòng 1 đã báo cáo đầy đủ, khách quan nội dung các vụ việc, vụ án để Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Khánh Hòa, Thường trực Tỉnh ủy về việc phân hóa diện đối tượng xử lý, diện đối tượng phân hóa không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự trong vụ án. Tất cả các trường hợp được phân hóa không xử lý trách nhiệm hình sự đều đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời cũng thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật. Qua đó, việc tham mưu, đề xuất của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận được sự đồng thuận của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa; được sự nhất trí, đánh giá cao của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa.
2. Giải pháp về quản lý, điều hành:
Tăng cường công tác quản lý, giáo dục công chức nêu cao vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong công việc và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ để răn đe, giáo dục. Gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng đơn vị và đánh giá cán bộ gắn với kiểm điểm trách nhiệm của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác kiểm tra trong nội bộ đơn vị, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại tố cáo và người có liên quan. Tạo điều kiện để công chức tham gia phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực và xử lý người có hành vi lợi dụng tố cáo tham nhũng, tiêu cực để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác; lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cả về mặt chính quyền và vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng;
3. Giải pháp về việc tự đào tạo:
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ công chức Phòng 1 đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định mới của pháp luật, những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn, bảo đảm phát triển toàn diện, đồng đều về năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của công chức, Kiểm sát viên; học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự giác học tập của từng công chức, xác định tự học tập, tự đạo tạo là trách nhiệm, tiêu chuẩn trình độ để thực hiện có chất lượng, hiệu quả mọi nhiệm vụ được giao.
4. Giải pháp về nghiệp vụ:
Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm phải bám sát, nắm chắc nội dung vụ việc để đề ra Yêu cầu kiểm tra xác minh; phải nắm vững những quy định pháp luật chuyên ngành; phối hợp với Điều tra viên hoặc trường hợp cần thiết thì trực tiếp tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm hoặc tài liệu liên quan; xác định chính xác hành vi vi phạm pháp luật, phân loại vai trò của các đối tượng; làm rõ những dấu hiệu đặc trưng cơ bản của hành vi vi phạm tương ứng với những yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự để xác định đúng tội danh.
Tại phiên Tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên tham gia xét hỏi đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cần thiết để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo; công bố luận tội đầy đủ các nội dung để chỉ rõ vai trò, mức độ vi phạm của từng bị cáo; đối đáp, tranh luận đầy đủ những vấn đề mà các bị cáo, các luật sư bào chữa cho các bị cáo nêu ra. Đặc biệt đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, trong những ngày diễn ra phiên tòa, đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa trực tiếp theo dõi diễn biến phiên tòa để chỉ đạo; phân công đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách trực tiếp có mặt tại các phiên xét xử để kịp thời định hướng, chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình xét xử. Vào cuối mỗi ngày xét xử lãnh đạo Viện đều cùng với Kiểm sát viên họp rút kinh nghiệm, định hướng những việc phải làm cho buổi xét xử tiếp theo và xử lý những vấn đề phát sinh tại phiên tòa. Kết quả, nội dung luận tội mà đại diện Viện kiểm sát đã nêu tại phiên tòa là đầy đủ căn cứ và có tính thuyết phục cao, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, mong muốn được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
5. Giải pháp tăng cường thu hồi tài sản bị thất thoát:
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Để thực hiện tốt việc thu hồi tài sản bị thất thoát, ngay từ trong giai đoạn thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ tài sản của những đối tượng có liên quan như tài khoản ngân hàng, các bất động sản, động sản và các tài sản có giá trị khác. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện các biện pháp phong tỏa tài sản như cấm chuyển dịch; báo cáo các giao dịch chuyển tiền, tài sản có giá trị lớn có nghi ngờ v.v… để đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong quá trình truy tố Kiểm sát viên đã động viên, giải thích cho các bị can việc khắc phục thiệt hại là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng đến đường lối xử lý vụ án, để họ nhận thức đúng và thực hiện việc nộp tiền khắc phục hậu quả. Qua đó, trong năm 2024 đã thu hồi được gần 15 tỷ đồng.
6. Giải pháp về nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng:
Xác định sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Khánh Hòa; sự chỉ đạo kịp thời của Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đóng vai trò quyết định trong giải quyết các vụ việc, vụ án. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án, khi phát sinh những vướng mắc, khó khăn, Phòng 1 đều báo cáo tham mưu cho lãnh đạo Viện để đề nghị tổ chức cuộc họp liên ngành giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra - Viện kiểm sát - Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trường hợp cần thiết thì mời Ban Nội chính Tỉnh ủy tham dự để xem xét, đánh giá, đưa ra những ý kiến, từ đó thống nhất hướng giải quyết; hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy hoặc báo cáo thỉnh thị xin ý kiến của Liên ngành các cơ quan Tư pháp Trung ương.
Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cùng với sự quyết tâm, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc, đoàn kết nội bộ và thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, Phòng 1 đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2024. Qua đó, tổng kết phong trào thi đua năm 2024 đơn vị đã đạt tập thể “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân./.