Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh xin chia sẻ về thực trạng, bài học kinh nghiệm và giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận trong năm 2022, 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 như sau:
Trong 03 năm qua, được sự quan tâm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng như việc chú trọng, quan tâm của tập thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên nên tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa bảo vệ và Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 100 %. Hình thức, nội dung và căn cứ để ban hành kháng nghị được thực hiện đúng quy định. Các kháng nghị cơ bản đã phát hiện đúng vi phạm, viện dẫn đúng và đầy đủ căn cứ pháp luật, lập luận rõ ràng, chặt chẽ. Chiếm tỷ lệ cao nhất là kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng thêm hoặc không áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để tăng, giảm hình phạt đối với bị cáo... tập trung vào một số loại tội như cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Điển hình là trong 06 tháng đầu năm 2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh đã ban hành 02 kháng nghị phúc thẩm để đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sửa đối với 02 bản án của Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh theo hướng cho bị cáo được hưởng án treo và không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 01 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo.
Cụ thể:
Bản án hình sự sơ thẩm số 20 ngày 19 tháng 4 năm 2024 của của Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Phương Ngân 01 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 01 Điều 260 Bộ luật hình sự, trái với quan điểm Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo 01 năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Nhận thấy, bị cáo Ngân là cháu ruột của bị hại bà Huỳnh Thị Chốn, bị cáo gây tai nạn khi đang trên đường chở bà Chốn đi mua bán. Sau tai nạn, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực cùng gia đình lo tang lễ và đã bồi thường số tiền 30.000.000 đồng, được đại diện hợp pháp là chồng và 02 con của bị hại là ông Phạm Tấn Tùng, bà Phạm Thị Hoa Thơm đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và đây là lần đầu phạm tội; có nơi cư trú ổn định, rõ ràng. Vì vậy, việc cho bị cáo được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội và không làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh không cho bị cáo được hưởng án treo là quá nghiêm khắc, không đảm bảo tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Do đó, sau khi báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa; ngày 26/4/2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử theo hướng sửa bản án hình sự sơ thẩm, theo hướng áp dụng điểm a khoản 1 Điều 260; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự giữ nguyên mức hình phạt tù đối với bị cáo Phạm Thị Phương Ngân và cho bị cáo hưởng án treo. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ án ra xét xử, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh.
Bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 30/7/2024 Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 quyết định xử phạt bị cáo Phan Phúc 02 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự, trái với quan điểm Viện kiểm sát đề nghị. Nhận thấy, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Có tính chất côn đồ” là không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi cho bị cáo bởi lẽ đây là tình tiết định tội quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Sau khi báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa; ngày 12/8/2024 Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử theo hướng sửa bản án hình sự sơ thẩm, không áp dụng điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ án ra xét xử, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh.
Để đạt được những kết quả trên, trong những năm qua Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh đã đề ra và thực hiện hiệu quả những giải pháp sau:
Về công tác chỉ đạo, điều hành: Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh đã xây dựng Kế hoạch công tác kiểm sát của đơn vị và Chương trình công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự bám sát Chỉ thị công tác kiểm sát của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các Chương trình, Hướng dẫn công tác của Phòng nghiệp vụ. Qua đó xác định chỉ tiêu “Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm ngang cấp” là một trong những khâu công tác đột phá của đơn vị.
Ngoài ra, Viện trưởng đã quán triệt đến công chức làm công tác nghiệp vụ các thông báo ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại các Hội nghị triển khai công tác, sơ kết và tổng kết công tác hàng năm như: Thông báo số 197 ngày 06/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị giao ban công tác quý IV năm 2023 của Cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông báo số 36 ngày 28/02/2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại buổi gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn và Thông báo số 196 ngày 26/3/2024 của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại Hội nghị giao ban công tác quý I năm 2024 với nội dung “Tăng cường số lượng kiến nghị, không chạy theo số lượng kháng nghị mà cần nâng cao chất lượng và sức thuyết phục, hiệu quả kháng nghị, nghiên cứu kỹ, lựa chọn kháng nghị những bản án, quyết định vi phạm nghiêm trọng, rõ ràng, việc kháng nghị có tính thuyết phục cao, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Hội đồng xét xử chấp nhận”.
Tập thể lãnh đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự phải tập trung, chú trọng kiểm sát chặt chẽ diễn biến phiên tòa, biên bản nghị án, biên bản phiên tòa, Bản án, Quyết định sơ thẩm của Tòa án, việc gửi án văn của Tòa án cùng cấp theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm về tố tụng, vi phạm về nội dung để kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện, đồng thời trao đổi với Phòng nghiệp vụ và xin ý kiến của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa trước khi ban hành kháng nghị.
Về công tác tự đào tạo, đào tạo: Lãnh đạo Viện luôn quan tâm và tăng cường công tác tự đào tạo, tự bồi dưỡng và đào tạo tại đơn vị; hàng năm xây dựng kế hoạch phân công, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ và lập danh sách cử công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Viện kiểm sát cấp trên, Trường đào tạo Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tổ chức; Viện trưởng yêu cầu mỗi công chức phải tự nghiên cứu các tài liệu, các chuyên đề, thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên, coi đây là cẩm nang nghiệp vụ cho bản thân nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, nhận diện vi phạm trong quá trình tham gia xét xử và kiểm sát bản án.
Bên cạnh đó, đơn vị đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Thông qua phiên tòa tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các Kiểm sát viên, nhất là đối với các Kiểm sát viên có kinh nghiệm với các Kiểm sát viên trẻ mới được bổ nhiệm để tích lũy và rèn luyện kỹ năng tranh luận, xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự; bảo đảm việc tranh tụng có tính thuyết phục, thông qua tranh tụng nâng cao được vị thế, uy tín, hình ảnh của Kiểm sát viên nói riêng và ngành Kiểm sát nói chung.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên đánh giá, bố trí Kiểm tra viên, Kiểm sát viên có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao trong khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự. Kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, động viên đối với các công chức có thành tích cao trong việc thực hiện các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ được giao để khích lệ tinh thần, tạo không khí thi đua sôi nổi tại đơn vị.
Về kỹ năng của Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử án hình sự:
Thứ nhất, Kiểm sát viên phải thực hiện tốt khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra ngay từ giai đoạn điều tra để nắm vững những chứng cứ, tố tụng, liên quan đến trách nhiệm đồng phạm, bỏ lọt tội phạm, hoặc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được thu thập. Khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải tiến hành kiểm sát quyết định về thành phần của hội đồng xét xử, tư cách tham gia tố tụng của những người được triệu tập đến phiên tòa, vật chứng được đưa ra xem xét, vụ án được xét xử công khai hay xét xử kín. Để từ đó có cơ sở xem đề nghị đường lối xử lý tại phiên tòa, phát hiện và đề xuất kháng nghị khi có vi phạm.
Ví dụ: Đối với vụ án người phạm tội là người dưới 18 tuổi thì 01 Hội thẩm nhân dân bắt buộc phải là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02 ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên và Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ hai, tại phiên tòa Kiểm sát viên phải kiểm sát thành phần hội đồng xét xử, những người được triệu tập đến phiên tòa theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Kiểm sát chặt chẽ diễn biến phiên tòa, ghi đầy đủ bút ký phiên tòa, kiểm sát biên bản nghị án (thời gian xét xử, thứ tự biểu quyết khi nghị án…), biên bản phiên tòa. Khi Hội đồng xét xử tuyên án, Kiểm sát viên cần ghi âm để làm căn cứ báo cáo Lãnh đạo viện về quyết định, những vi phạm của Tòa án để kịp thời báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho quan điểm trước khi ban hành kháng nghị. Không đợi đến khi nhận được bản án mới báo cáo Lãnh đạo viện dẫn đến hết thời hạn kháng nghị.
Thứ ba, sau khi nhận được bản án, Kiểm sát viên phải đọc và đối chiếu với nội dung bản án được Hội đồng xét xử công bố tại phiên tòa và biên bản phiên tòa. Tránh trường hợp nội dung biên bản phiên tòa, biên bản nghị án một đường, bản án tuyên một nẻo. Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ bản án, quyết định, các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn thi hành; đánh giá toàn diện hồ sơ vụ án đối chiếu với việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo hay chưa để xác định và đề xuất chính xác vi phạm của bản án sơ thẩm đến Lãnh đạo viện.
Thứ tư, thực hiện việc sao, gửi bản án sơ thẩm, phiếu kiểm sát bản án cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm đầy đủ, kịp thời.