Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

Nhiệt liệt chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Việc giám hộ đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Theo quy định tại Điều 22- Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 người mất năng lực hành vi dân sự được hiểu là trường hợp “khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hànhvi”. Theo đó, các giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự được xác lập, thực hiện thông qua người đại diện bằng việc giám hộ.

Về ý nghĩa pháp lý, việc giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật (Điều 46-Khoản 1-BLDS 2015) là nhằm mục đích bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp cho họ; về mặt xã hội việc giám hộ này thể hiện ý nghĩa thực hiện việc chăm sóc của xã hội, của gia đình đối với bản thân người mất năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, việc xác định người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự được tiến hành bởi cả cơ quan tư pháp là Tòa án nhân dân thông qua việc chỉ định người giám hộ và cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân (cấp xã, phường, thị trấn nơi người được giám hộ cư trú) thông qua việc cửngười giám hộ.

Vấn đề đặt ra là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện việc cử người giám hộcho người mất năng lực hành vi dân sựtrong trường hợp nào?

Theo quy định tại Điều 54-BLDS 2015 “người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ”. Như vậy, trong trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự có người giám hộ đương nhiên thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 52 và Điều 53-BLDS năm 2015 thì Ủy ban nhân dândân xã, phường, thị trấn không thực hiện việc cử người giám hộcho họ.Việc xác định người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 52 và Điều 53-BLDS năm 2015. Cụ thể: vợ là người giám hộ đương nhiên cho chồng khi chồng là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc ngược lại; cha (mẹ)là người giám hộ đương nhiên cho con đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự mà chưa có vợ (chồng); vợ (chồng) hoặc con nhưng những người này đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ;người con cả giám hộ cho cha hoặc mẹ của họ khi cha hoặc mẹ mất năng lực hành vi dân sự, còn người còn lại không đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc cả cha và mẹ của họ đều là người mất năng lực hành vi dân sự; trường hợp người con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con kế tiếp đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49-BLDS năm 2015 là người giám hộ. Như vậy, ngoài các trường hợp nêu trên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ thực hiện việc cử người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự.

Song, trên thực tế có trường hợp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận thức chưa đúng quy định này[1] nên đã ban hành Quyết định công nhận việc giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự thuộc trường hợp có người giám hộ đương nhiên là trái với quy định tại Điều 54-Khoản 1-BLDS năm 2015 (tức Điều 63-BLDS năm 2005), đồng thời vi phạm Điều 22-Khoản 1-BLDS năm 2015 (tức Điều 22- Khoản 1- BLDS năm 2005) và Điều 26- Khoản 1- Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) (tức Điều 27- Khoản 1- BLTTDS năm 2015) quy định về thẩm quyền ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự và giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, theo đó thẩm quyền này thuộc về Tòa án nhân dân.

Việc nhận thức pháp luật chưa đúng như trên dẫn đến việc áp dụng pháp luật không chính xác. Từ đây, đưa đến hệ quả là các quyết định được ban hành trong những trường hợp này của cơ quan hành chính trong lĩnh vực quản lý, công nhận giám hộ là trái pháp luật và hậu quả là quá trình giải quyết vụ việc theo tranh chấp, yêu cầu của đương sự, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải hủy các quyết định này nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, qua đó bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian, tốn kém tiền bạc cho cả nhà nước và công dân do các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành xác minh, làm rõ để đi đến việc ra phán quyết hủy các quyết định này mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, thiết nghĩ, các cơ quan hành chính nhà nước và nhất là cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý, cử người giám hộ phải nâng cao nhận thức pháp luật liên quan nhằm khắc phục được những sai sót như đã nêu trên./.


[1]Quyết định công nhận việc giám hộ số 56/QĐ-UBND ngày 02/4/2007 của Ủy ban nhân dân phường Lộc Thọ, Thành phố Nha Trang về công nhận ông Nguyễn Mạnh Thám (cha đẻ) là người giám hộ cho con đẻ là Nguyễn Mạnh Quý bị bệnh tâm thần. 

Ngọc Thuận - VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập