Đến tháng 11/2023, sau khi được chữa trị nhiều nơi và sức khỏe ổn định, ông Ph nhớ lại diễn biến vụ tai nạn giao thông. Từ lời khai của ông Ph cùng các tài liệu, chứng cứ, dấu vết để lại tại hiện trường và trên các phương tiện được thu thập ngay từ khi xảy ra tai nạn, đồng thời trên cơ sở kết quả giám định đã xác định hành vi của Nguyễn Thành Th đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự. Do đó, Viện kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diên Khánh đã thống nhất ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Th để tiến hành điều tra.
Quá trình điều tra, Nguyễn Thành Th không thành khẩn, khai báo quanh co. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập đầy đủ, khách quan từ khi giải quyết tin báo đến giai đoạn điều tra, truy tố, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh đã ban hành Cáo trạng truy tố Nguyễn Thành Th với tội danh, điều luật đã khởi tố và không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 01 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị can.
Trong hai ngày 25 và 26/12/2024, Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh đưa vụ án trên ra xét xử rút kinh nghiệm. Tại phiên tòa, bị cáo tiếp tục không thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố đã đặt những câu hỏi sát với nội dung vụ án, đưa ra những căn cứ xác đáng, đầy đủ để bị cáo thấy được hành vi sai trái của mình khi tham gia giao thông đường bộ, buộc bị cáo phải thừa nhận lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố là không đúng và cúi đầu nhận tội. Từ việc bị cáo nhận lỗi, thể hiện sự ăn ăn, hối cải, nên bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt và hai bên đã thỏa thuận được việc bồi thường thiệt hại.
Ảnh Phiên tòa xét xử tuyên án
Trên cơ sở xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã Luận tội, đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 01 Điều 51, Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Th 01 năm 09 tháng tù, buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền 200.000.000 đồng; phù hợp với mức đề nghị của Viện kiểm sát.
Đây là vụ án được đưa ra xét xử có bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, nên để thực hiện đúng chức năng buộc tội, gỡ tội, đảm bảo không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm; Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đến khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm. Cụ thể:
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo về vụ việc, Kiểm sát viên kịp thời có mặt tại hiện trường, đề nghị các lực lượng tham gia áp dụng các biện pháp bảo vệ, giữ nguyên hiện trường, tránh làm xáo trộn. Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên ghi nhận, chụp ảnh và mô tả đầy đủ vị trí, kích thước, chiều hướng, độ cũ, mới của các dấu vết, tài liệu đồ vật liên quan đến vụ tai nạn như: Vị trí của các phương tiện, các vết cày xước, dấu vết phanh, vùng mảnh vỡ, dấu vết sinh học, biển báo hiệu giao thông đường bộ, chiều rộng làn đường và đảm bảo việc thu thập phải theo đúng trình tự, thủ tục luật định; xác định có camera giám sát an ninh và của người dân ghi lại diễn biến vụ tai nạn hay không; tiến hành lấy lời khai ban đầu đối với người liên quan để làm rõ người điều khiển và hướng đi của các phương tiện…
Quá trình kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án, Kiểm sát viên luôn bám sát và đề ra yêu cầu từng vấn đề cụ thể để cũng cố chứng cứ và làm rõ mọi tình tiết của vụ tai nạn; tham gia đầy đủ và kiểm sát chặt chẽ việc đối chất, hỏi cung bị can, lấy lời khai những người có liên quan. Đồng thời, yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định đối với những vấn đề cần thiết để xác định dấu hiệu của tội phạm cũng như hành vi phạm tội của bị can như: Tỷ lệ tổn thương cơ thể, an toàn kỹ thuật của phương tiện, dấu vết sinh học để lại tại hiện trường; yêu cầu định giá tài sản… làm căn cứ giải quyết vụ án.
Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đánh giá toàn diện chứng cứ và các tình tiết liên quan, dự trù đầy đủ các tình huống phát sinh tại phiên tòa để chuẩn bị cho việc tranh luận; dự thảo chi tiết đề cương xét hỏi, bản luận tội và báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án cho lãnh đạo Viện cho ý kiến phê duyệt.
Trong quá trình xét xử, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ diễn biến phiên tòa, ghi chép đầy đủ những câu hỏi và trả lời của Hội đồng xét xử, bị cáo và những người tham gia tố tụng. Đặt những câu hỏi sát với nội dung vụ án, làm rõ những tình tiết phát sinh tại phiên tòa; tiến hành tranh luận, đưa ra đầy đủ căn cứ xác đáng để bảo vệ Cáo trạng và buộc tội đối với bị cáo.
Từ việc giải quyết tốt vụ án trên cho thấy, quá trình tiếp nhận, thụ lý giải quyết tin báo, tố giác tội phạm là giai đoạn cực kỳ quan trọng, đây là giai đoạn tốt nhất để thu thập dấu vết, chứng cứ có giá trị chứng minh cao đối với vụ án, nếu không kiểm sát tốt ở giai này thì việc chứng minh tội phạm sau này rất khó khăn, nhất là những vụ án có bị can không nhận tội. Bên cạnh đó, trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố cũng phải có bản lĩnh, am hiểu sâu sắc việc thu thập, cũng cố, đánh giá chứng cứ, đảm bảo giá trị thực tiễn và giá trị pháp lý sẽ đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.